Nghề xây dựng: Đào tạo không đủ đáp ứng nhu cầu
Giáo dục - Ngày đăng : 07:33, 17/09/2010
Đào tạo nghề cho học viên tại Trường Trung cấp Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Trung Kiên |
Hiện nay trường đang đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) hệ chính quy với 6 ngành: kỹ thuật thi công, thiết kế kiến trúc, kế toán doanh nghiệp xây lắp, kế toán doanh nghiệp, kỹ thuật thi công và nội thất điện - nước, kỹ thuật thi công và xây dựng hạ tầng. Ngoài ra, trường còn đào tạo trình độ TCCN hệ vừa học vừa làm 2 chuyên ngành kỹ thuật thi công và kế toán doanh nghiệp xây lắp. Trường tuyển cả HS đã tốt nghiệp THPT lẫn những em chưa tốt nghiệp. Những HS chưa học xong phổ thông thì thời gian đào tạo kéo dài thêm 3 tháng, tức là 2 năm 3 tháng.
- Ông có thể cho biết, HS của trường sau khi tốt nghiệp đảm nhiệm được những công việc gì?
- Khi học xong, HS có thể làm việc tại các tổng công ty, công ty, doanh nghiệp xây lắp, văn phòng tư vấn xây dựng, thi công với vị trí làm việc là cán bộ kỹ thuật tại các phòng kỹ thuật hoặc giám sát, nghiệm thu thi công tại công trường. Em nào học thiết kế kiến trúc thì có thể làm việc tại các công ty thiết kế kiến trúc, văn phòng tư vấn xây dựng, xưởng thiết kế...với vị trí là kỹ thuật viên thiết kế kiến trúc, triển khai bản vẽ thiết kế kiến trúc, tư vấn thiết kế kiến trúc. HS học kế toán ra có kỹ năng làm phần mềm kế toán trong các doanh nghiệp xây lắp, giải quyết vấn đề liên quan đến hoạch toán sản xuất và kinh doanh trong doanh nghiệp xây lắp. Đặc biệt, khác với HS học kế toán của các trường khối kinh tế, HS trường chúng tôi có thể đọc hiểu bản vẽ kỹ thuật xây dựng, biết tính dự toán, thanh quyết toán công trình và hạng mục công trình.
- Và theo như chúng tôi biết thì học sinh tốt nghiệp được các đơn vị nhận vào làm ngay. Vậy thì tại sao HS lại không thích vào học, thưa ông?
- Mỗi năm chúng tôi có khoảng trên 600 HS tốt nghiệp, trong đó hệ chính quy khoảng 450 em. Tính đến nay 35 nghìn HS của trường đã và đang phát huy tốt năng lực trong các doanh nghiệp, đơn vị xây dựng thuộc mọi thành phần kinh tế. Theo thống kê của nhà trường, 20% số HS tốt nghiệp tiếp tục học liên thông lên CĐ, ĐH; số còn lại đều có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Có thể nói, HS của trường “đắt hàng” bởi cung không đủ cầu. Một phần là do chất lượng đào tạo của trường song cũng một phần là do ít người muốn theo nghề xây dựng nên đào tạo càng không đủ đáp ứng nhu cầu.
Ngoài việc học nghề xây dựng vất vả, cũng còn một lý do khiến trường khó tuyển sinh là bậc học TCCN chưa có sức hút. Tâm lý chuộng bằng cấp vẫn còn khá nặng nề. Người ta phải không đỗ ĐH, CĐ thì mới tính đến học trung cấp dù rằng có khi học ĐH ra vẫn phải làm công việc của một lao động phổ thông.
- Trong khó khăn chung và riêng ấy, nhà trường có giải pháp gì để HS đến với trường ngày một đông hơn?
- Muốn thu hút được HS, chúng tôi phải làm sao để các em thấy rằng vào đây là sự lựa chọn phù hợp với điều kiện, khả năng của mình và khi ra trường có công việc làm ổn định với mức thu nhập hợp lý. Muốn làm được điều đó, trường phải thường xuyên bổ sung kiến thức, cập nhật tiến bộ khoa học của ngành xây dựng vào nội dung đào tạo; bảo đảm tỷ lệ thực hành, thực tập tại xưởng cũng như tại thực tế công trường; gắn kết với các đơn vị sản xuất, kinh doanh để vừa có chỗ thực hành, thực tập cho HS, vừa có thêm thông tin để liên tục đổi mới chương trình đào tạo. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là làm tốt công tác tuyên truyền giáo dục để HS hiểu rằng, học ĐH không phải là con đường duy nhất để vào đời.
- Xin cảm ơn ông!