Bài 1: Hội tụ tiềm lực
Chính trị - Ngày đăng : 07:08, 17/09/2010
Bước tiến mới…
Các vùng nông thôn nghèo có điều kiện phát triển hơn sau ngày hợp nhất. Ảnh: Linh Tâm
Thạch Thất (Hà Tây cũ) là một huyện xa trung tâm, thuộc diện khó khăn. Càng khó khăn hơn khi hợp nhất, huyện đón thêm 3 "người anh em" là 3 xã miền núi thuộc huyện Lương Sơn (Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung) về "một mái nhà". Cả 3 xã đều thuộc diện nghèo, yếu từ điện, đường, trường, trạm đến kinh tế hộ gia đình. Thậm chí, xã Yên Trung còn nguyên một thôn chưa có điện sinh hoạt. Số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, trên 20%.
Hai năm trôi qua, Thạch Thất giờ đã thành huyện có tốc độ phát triển hàng đầu trong số các huyện của thành phố. Xã Yên Trung đã có điện kéo đến những hộ xa nhất. Những phiên chợ ở 3 xã đông vui hơn, nhất là khi có thêm cửa hàng được thành phố tăng cường mỗi dịp Tết đến xuân về hay vào ngày giáp hạt. Con đường liên xã lầy lội, đầy những ổ gà, ổ voi 2 năm trước giờ đã được cải tạo, đi lại dễ dàng. Ở xã Tiến Xuân, một ngôi trường mới đang được xây dựng. Đáng kể nhất là tỷ lệ hộ nghèo đã giảm mạnh. UBND huyện Thạch Thất cho biết, hơn 2 năm qua, tỷ lệ hộ nghèo của 3 xã đã giảm được 10%.
Thạch Thất là ví dụ điển hình về những đổi thay của vùng nông thôn nghèo sau 2 năm hợp nhất về Hà Nội. Thành phố đã hỗ trợ cho hơn 22.200 hộ thoát nghèo, đạt 100% kế hoạch. Hơn 3.000 căn nhà của người nghèo đã và đang được thành phố hỗ trợ cải tạo, xây mới, dự kiến cuối năm nay sẽ hoàn thành. Thành phố đã chỉ đạo các quận, huyện và huy động nguồn đóng góp xã hội xóa được 4.000 nhà tạm, tranh tre cho người nghèo trong năm 2009. Hơn 27.000 thẻ bảo hiểm y tế đã được cấp cho người nghèo. Khu vực nông thôn đã được đầu tư rất lớn về hạ tầng cơ sở để tạo điều kiện phát triển. Tính riêng từ đầu năm đến nay, thành phố đã đầu tư cho khu vực này 2.000 tỷ đồng xây dựng các công trình giao thông. Cùng với việc chăm lo cho người nghèo, khu vực khó khăn, thành phố đã bảo đảm đầy đủ, kịp thời chế độ theo quy định cho các đối tượng chính sách trên địa bàn.
Kinh tế xã hội Thủ đô nói chung đã có bước phát triển đáng kể, mặc dù khủng hoảng kinh tế tác động gay gắt liên tục từ năm 2008 đến nay. Ngay năm 2008, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố đã tăng 10,62% so với năm 2007. Năm 2009, thời điểm chịu tác động nặng nề nhất của khủng hoảng kinh tế, chỉ số này vẫn đạt 6,67%, chín tháng đầu năm nay, kinh tế Hà Nội đã phục hồi rõ nét với mức tăng trưởng GDP khoảng 10,6% (dự kiến cả năm đạt 11%). Chỉ số tổng quát này nói lên rất nhiều điều, nó phản ánh những tiến bộ trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội quan trọng của Hà Nội hai năm qua.
Và những nền tảng mới
Trước khi cơ quan Đảng và chính quyền Thủ đô mở rộng đi vào hoạt động, nhiều người tỏ ra lo lắng về hiệu quả vận hành của bộ máy hợp nhất với hàng vạn cán bộ, công chức. Nhưng tất cả sự hoài nghi đã được gỡ bỏ nhanh chóng. Không những hoàn thành sắp xếp tổ chức, nơi làm việc cho hàng trăm cơ quan, thành phố vẫn bảo đảm mọi nhiệm vụ chính trị thường xuyên trên địa bàn. Thử thách đầu tiên cũng là chưa từng có của bộ máy quản lý nhà nước thành phố sau hợp nhất là đợt mưa úng kỷ lục cuối tháng 10, đầu tháng 11-2008. Thế nhưng, trong tình huống thiên tai bất ngờ này, thành phố đã kịp thời triển khai các biện pháp giúp đỡ người dân, vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất. Ngay vụ xuân năm 2009, kết quả sản xuất nông lâm nghiệp đã rất đáng khích lệ sau những thiệt hại lớn từ trận ngập úng lịch sử này.
Có thể nói, những thành tựu tốt đẹp về kinh tế - xã hội mà Hà Nội đạt được trong hai năm qua là minh chứng hùng hồn cho thấy kết quả hợp nhất và hiệu quả điều hành của Đảng bộ, chính quyền thành phố sau ngày mở rộng. Đến nay, sau hai năm hợp nhất, bộ máy lãnh đạo, điều hành thành phố đã được tổ chức ngày càng chặt chẽ hiệu lực, hiệu quả hơn. Điều này thể hiện tập trung trong việc Thủ đô đã và đang chuẩn bị thành công cho Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với một khối lượng công việc khổng lồ, diễn ra trên quy mô lớn, song song với việc tiến hành tổ chức đại hội Đảng các cấp…
Không chỉ có sự hòa hợp về kinh tế - xã hội, Hà Nội giờ đây đã mang trong mình một nền tảng văn hóa nhiều màu sắc hơn, nhưng vẫn rất thuần nhất. Văn hóa xứ Đoài, những nét văn hóa từ Mê Linh hay những đặc trưng văn hóa dân tộc từ các xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Trung, Yên Bình đã và đang tô điểm thêm cho kho tàng văn hóa sống động của Hà Nội. Trong dịp Đại lễ tới đây, bạn bè quốc tế, khách thập phương sẽ được chiêm ngưỡng sự hòa quyện văn hóa đó, được biểu hiện trong một không gian hiện đại của Bảo tàng Hà Nội. Đó sẽ là một trong những biểu tượng cho sự kết hợp hài hòa về văn hóa và con người của một Hà Nội mới đầy sức sống hai năm sau ngày hợp nhất.
Hai năm sau ngày hợp nhất đã đem lại cho Hà Nội rất nhiều bài học quý báu. Trong đó, đáng nói nhất là tinh thần đoàn kết, sáng tạo, dám đương đầu với thử thách của người dân Hà Nội mới, mà biểu hiện tập trung nhất chính là bộ máy cơ quan Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành thành phố đã tổ chức sắp xếp hài hòa đi vào vận hành hiệu quả. Tinh thần từ bài học quý báu ấy chắc chắn sẽ tiếp tục được hun đúc, nhất là khi cả Hà Nội đang hướng về Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội trong niềm vui chung.