Góp ý kiến vào các văn kiện Đại hội
Chính trị - Ngày đăng : 06:32, 17/09/2010
Trong phần kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV (nhiệm kỳ 2005-2010), tôi đề nghị Ban soạn thảo cần bổ sung nội dung đánh giá việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn Thủ đô cụ thể hơn và cũng cần đánh giá kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH so với mục tiêu ĐH đề ra. Cán bộ, đảng viên và người dân cũng cần được biết giá trị nhập siêu chiếm bao nhiêu phần trăm so với kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Trong phần những hạn chế, yếu kém, chưa nêu được những hạn chế lớn như tình trạng đầu tư vẫn còn dàn trải, hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI chưa cao, nhất là nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Thực tế hiện nay công tác quản lý, sử dụng đất chưa tốt, quản lý thị trường bất động sản còn nhiều lúng túng, tình trạng đầu cơ, làm giàu bất chính chưa được kiểm soát. Về nông nghiệp, Hà Nội chưa có sản phẩm mũi nhọn, chưa có mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất các sản phẩm nông nghiệp phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Kinh tế nông thôn còn nặng về nông nghiệp, kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập và chưa huy động được nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển khu vực này.
Về nhiệm vụ chủ yếu, tôi đề nghị bổ sung nội dung tăng cường công tác xây dựng, quản lý đô thị và xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch, kế hoạch và cần có chương trình cụ thể trong nhiệm kỳ 2010-2015. Riêng khâu đột phá 1 - về cải cách hành chính, theo tôi cần nhấn mạnh đến việc tạo chuyển biến về nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức và đặc biệt quan tâm đến những người trực tiếp giải quyết công việc của nhân dân ở các cấp. Khâu đột phá 2 - về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội, cần nhấn mạnh đến yếu tố bảo đảm mỹ quan đô thị.
Trong một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2015, tôi đề nghị bổ sung chỉ tiêu đào tạo nguồn nhân lực (tốt nghiệp đại học, thạc sỹ, tiến sỹ); xác định mục tiêu giảm nhập siêu xuống một tỷ lệ nhất định. Thành phố cần có giải pháp đồng bộ về quản lý giá nhà đất và hoạt động kinh doanh bất động sản, bảo đảm giá cả phù hợp giá trị sử dụng và thu nhập của người dân.
Ông Nguyễn Đình Đào, cán bộ hưu trí xã Kim Chung, huyện Hoài Đức: Nên đặt chỉ tiêu xây dựng 100 xã đạt chuẩn nông thôn mới
Trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XV Đảng bộ thành phố, mục: 1. Xây dựng, hoàn thiện quy hoạch phát triển nông thôn, phát triển mô hình nông thôn mới, nêu chỉ tiêu: “Phấn đấu đến năm 2015, trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí quốc gia, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, từng bước hiện đại, kinh tế phát triển, nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ. Chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị được nâng cao; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội có chuyển biến tích cực”.
Hà Nội có 404 xã, theo mục tiêu thì đến năm 2015 phải có khoảng 160 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thực tế, tại xã thực hiện điểm toàn quốc tại Hà Nội (xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ), còn rất khó khăn, lúng túng, nhất là lộ trình xây dựng các công trình giao thông, điện nước cần nhiều thời gian; để rút tỷ lệ hộ nghèo không thể chỉ trong vài tháng hoặc một năm. Tính khái lược mỗi xã cần đầu tư 10 tỷ đồng, thì với 160 xã cần tới gần 2.000 tỷ đồng, một con số không nhỏ với năng lực tài chính cấp xã và mặt bằng thu nhập người dân nông thôn (tính toán ở nhiều nơi, số tiền cần tới vài chục tỷ đồng mỗi xã). Quan trọng là nhiều tiêu chí về thu nhập đầu người, nhà ở, công trình vệ sinh, nước sạch, văn hóa và dịch vụ không chỉ đòi hỏi thời gian mà còn yêu cầu về mặt bằng, thiết kế và tính bền vững...
Vì vậy, thành phố nên đặt chỉ tiêu 100 xã, hướng vào các xã mạnh hiện nay mới khả thi. Mặt khác cần có cơ chế hỗ trợ kinh phí từ ngân sách và các doanh nghiệp hết sức rõ ràng mới có thể đạt được mục tiêu.