Thừa văn bản, thiếu kiểm tra

Đời sống - Ngày đăng : 07:24, 16/09/2010

(HNM) - Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, tình hình tai nạn lao động (TNLĐ) đang có chiều hướng gia tăng so với các năm trước. Báo cáo chưa đầy đủ từ 63 tỉnh, thành phố, đã có 2.611 vụ tai nạn lao động xảy ra làm 2.680 người bị nạn, trong đó 266 người bị chết và thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Theo báo cáo của Cục An toàn lao động - Bộ LĐ-TB&XH, TNLĐ vẫn đang có chiều hướng tăng về số vụ, số người chết và mức độ nghiêm trọng. Tính đến hết tháng 6 cả nước xảy ra 2.611 vụ TNLĐ, tăng tới 33,3% so với năm 2009. Số nạn nhân lên đến 2.680 người, tăng 43,1%. Đặc biệt, số vụ có 2 người bị nạn trở lên tăng tới 78,6% so với năm 2009.

Nhiều DN chưa thực sự quan tâm chấp hành quy định về VSATLĐ. Ảnh: Thu Giang

Số vụ TNLĐ trong 6 tháng cho thấy TNLĐ vẫn diễn ra phức tạp, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã có những nỗ lực để giảm TNLĐ. Các địa phương có số vụ TNLĐ chết người ở mức cao vẫn là những địa phương tập trung nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp khai thác mỏ và xây dựng. So với năm 2009 các địa phương như TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh có số vụ TNLĐ nói chung giảm nhưng số TNLĐ nghiêm trọng và số người chết lại chưa giảm. Hà Nội và Bình Dương có số người chết vì TNLĐ tăng cao so với cùng kỳ. Đồng Nai là địa phương thống kê được số vụ TNLĐ nhiều nhất với 936 vụ và 937 người bị nạn.

Lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ vẫn là khai thác mỏ, xây dựng và sử dụng điện. Cụ thể, khu vực khai thác mỏ và xây dựng có 54 người chết, chiếm 20,3% trên tổng số người chết vì TNLĐ; khu vực cơ khí và các phần việc có liên quan đến cơ khí có 22 người chết, chiếm 8,27% trên tổng số người chết vì TNLĐ; khu vực lắp ráp, vận hành máy có 22 người chết, chiếm 8,27% trên tổng số người chết vì TNLĐ. Cũng theo Cục An toàn lao động - Bộ LĐ-TB&XH, nguyên nhân xảy ra TNLĐ là do người sử dụng lao động không chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về ATVSLĐ, không quan tâm tới việc cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động cũng như không có bộ máy giám sát người lao động tuân thủ các quy định về bảo hộ lao động. Trong khi đó người lao động lại thiếu ý thức, thường xuyên vi phạm các quy trình, biện pháp làm việc an toàn; không ý thức được việc tự bảo đảm an toàn lao động cho mình, cho những người làm việc xung quanh.

Theo các chuyên gia về an toàn lao động, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp phải có sự quan tâm thích đáng cho công tác an toàn lao động cũng như có báo cáo kịp thời đến cơ quan chức năng. Điều này giúp cơ quan chức năng có thống kê một cách chính xác, cụ thể và tìm ra những nguyên nhân, biện pháp khắc phục, hạn chế TNLĐ trong các trường hợp tương tự. Trước đây, do nhiều doanh nghiệp cố tình giấu thông tin về các vụ TNLĐ xảy ra tại doanh nghiệp cũng như không gửi các báo cáo liên quan đến an toàn vệ sinh lao động và tình hình TNLĐ về cơ quan chức năng. Chính vì vậy, việc kiểm soát con số thực về các vụ TNLĐ mới là điều quan trọng và cần được làm một cách bài bản và sát sao.

Nhằm tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình hình TNLĐ trong những tháng cuối năm, Bộ LĐ-TB&XH đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp thực hiện tốt quy trình kiểm tra, thanh tra công tác bảo đảm VS-ATLĐ tại doanh nghiệp. Trong đó đặc biệt tăng cường kiểm tra và chỉ đạo các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động và các chế độ BHLĐ; Tổ chức huấn luyện đầy đủ về an toàn lao động cho người sử dụng lao động theo quy định tại Thông tư số 37/2005/TT-BLĐTBXH ngày 29-12-2005 của Bộ LĐ-TB&XH. Riêng đối với các địa phương, cần tăng cường công tác thanh tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động ở các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc các lĩnh vực: xây dựng; lắp đặt, sửa chữa và sử dụng điện; khai thác khoáng sản và khai thác đá; sử dụng các loại máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Bảo Chân