Hiệu quả còn thấp

Kinh tế - Ngày đăng : 07:22, 16/09/2010

(HNM) - Với mục tiêu cung cấp tín dụng ưu đãi nhằm giải quyết việc làm cho người lao động khu vực nông thôn, Quỹ Quốc gia về việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm.

Theo đó, người thất nghiệp, người thiếu việc làm, các hộ sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trang trại, làng nghề có khả năng tạo nhiều việc làm mới, thanh niên chưa có việc làm sẽ được vay ưu đãi với lãi suất thấp. Dự kiến, quỹ sẽ tạo điều kiện cho 1,7-1,8 triệu lao động tìm được việc làm.

Sau 5 năm thực hiện thì mới chỉ có 1,3 triệu lao động tìm được việc làm thông qua vay vốn. Con số này chỉ đáp ứng được 76,5% so với yêu cầu đặt ra lúc ban đầu. Trong năm 2010, Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm đã bổ sung 293 tỷ đồng cho quỹ nâng tổng nguồn vốn lên 3.755 tỷ đồng. Với mục tiêu số vốn trên sẽ giải quyết được việc làm cho nhiều lao động hơn nhưng kết quả từ thực tế đã chứng minh ngược lại khi từ nửa đầu năm 2010 mới chỉ có 105.000 người tìm được việc làm thông qua quỹ, đạt 35% mục tiêu trong năm.

Sự chậm chạp này được Bộ LĐ-TB&XH giải thích là do vốn đầu tư trên một lao động ngày càng cao, bên cạnh đó, công tác điều hành, quản lý còn gặp nhiều vướng mắc. Cụ thể là các dự án cho vay vốn tạo việc làm từ quỹ trong năm 2010 thường tập trung vào các nghề truyền thống: lồng ghép với chương trình tổ nhóm giúp nhau làm kinh tế của thanh niên, phụ nữ, nông dân, khu vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; nuôi trồng thủy sản; phát triển kinh tế trang trại... Các lĩnh vực này chủ yếu là nông nghiệp (chiếm 60%) nên hiệu quả tạo việc làm mới không cao mà chỉ tăng thời gian làm việc cho người lao động. Bên cạnh đó, các cơ sở vay vốn từ quỹ rất ít, trong đó một số dự án không có tiềm năng, khả năng thu hồi vốn chậm, một số còn phải vay lại vòng 2 để đáo hạn nợ. Bộ LĐ-TB&XH cũng thừa nhận, tiến độ báo cáo, liên kết giữa chi nhánh các ngân hàng chính sách xã hội và các ngành LĐ-TB&XH chưa sát sao,

chưa thường xuyên. Chẳng hạn việc xét duyệt cho vay của ngân hàng chính sách xã hội với mục tiêu tạo việc làm mới qua vốn từ quỹ không gắn liền với nhau nên trong thực tế có năm mục tiêu tạo việc làm mới qua nguồn quỹ này khoảng 250.000-300.000 việc làm mà báo cáo của ngân hàng chính sách xã hội chỉ khoảng 100.000-110.000 việc làm mới.

Đặc biệt, việc xây dựng kế hoạch giải ngân của một số chi nhánh ngân hàng chính sách xã hội chưa gắn với kế hoạch tạo việc làm của địa phương. Sự kiện 110 hộ gia đình ở xã Pitoong, huyện Mường La (Sơn La) phải chi gần 300 triệu đồng để vay 2 tỷ đồng tiền xóa đói giảm nghèo hồi cuối năm 2009 hoặc những việc như không thuộc diện hộ nghèo được vay vốn từ quỹ do đã có trước khoản tiền "bồi dưỡng" cho cán bộ ngân hàng đã gây bất bình trong dư luận.

Bộ LĐ-TB&XH vừa thống nhất quan điểm phê duyệt các dự án vay vốn sử dụng đúng mục đích, ưu tiên cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ vay để tạo thêm nhiều việc làm mới. Bộ cũng xem xét cho lao động là thanh niên có thể vay vốn để khởi sự doanh nghiệp. Đồng thời, thực hiện cơ chế cho vay ưu đãi đối với nhóm lao động yếu thế như lao động là người tàn tật, dân tộc thiểu số, lao động thanh niên, bộ đội xuất ngũ. Ngoài ra, Bộ cũng xây dựng các mô hình tạo việc làm cho các đối tượng đặc thù, các vùng, khu vực nhất định theo hướng gắn với những tiềm năng, thế mạnh của đối tượng lao động hay vùng, khu vực đó.

Với quan điểm này thì hy vọng mục tiêu năm 2011 là tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, trong đó giải quyết việc làm cho 250.000 lao động thông qua dự án vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm sẽ thành công như dự định.

Kim Vũ