Nơi cần không có, nơi có không dùng
Đời sống - Ngày đăng : 06:59, 16/09/2010
Nhiều dự án gặp khó vì không có nhà tái định cư
Một góc Khu đô thị Nam Trung Yên. Ảnh: Đàm Duy
Năm 2010 là năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 2005-2010, đồng thời cũng là thời điểm thành phố hoàn thành nhiều công trình trọng điểm chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội nên nhu cầu quỹ nhà, đất tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng (GPMB) rất lớn. Theo số liệu tổng hợp, các quận, huyện, chủ đầu tư cần 6.156 căn hộ tái định cư và 1,9 triệu mét vuông đất cho các dự án đang triển khai. Trong đó nhiều dự án sử dụng quỹ nhà lớn như dự án đường Vành đai 1 (Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu) cần 440 căn, cầu Nhật Tân 650 căn, đường Văn Cao - Hồ Tây 350 căn, đường Lê Văn Lương kéo dài 200 căn... Tuy nhiên, số lượng nhà tái định cư đã có và sẽ hoàn thành từ giờ đến hết năm là 3.628 căn, nên nhiều dự án gặp khó trong khâu GPMB. Đơn cử như quận Long Biên, Hoàn Kiếm, nhu cầu nhà tái định cư phục vụ dự án đường sắt đô thị Yên Viên - Ngọc Hồi rất lớn, song thành phố chưa thể bố trí được.
Nghịch lý là trong khi nhiều dự án xây dựng nhà tái định cư thực hiện quá chậm so với kế hoạch tiến độ, không kịp hoàn thiện để bố trí phục vụ GPMB thì có dự án "ôm" nhà tái định cư mặc dù chưa thực hiện GPMB. Hậu quả là dự án cần thì không có nhà tái định cư, trong khi dự án có nhà tái định cư thì không sử dụng, gây lãng phí tài sản nhà nước cũng như khó khăn cho công tác quản lý vận hành quỹ nhà này. Ngoài ra, còn phải kể đến việc một số dự án do yêu cầu phải bố trí gấp phục vụ GPMB nên đưa dân vào ở trong khi chưa hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội (như khu Nam Trung Yên, Cầu Diễn, Xuân Đỉnh), ảnh hưởng đến đời sống của dân, gây dư luận không tốt về loại hình nhà tái định cư.
Hình thành khu đô thị tái định cư
Theo ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng Hà Nội), giai đoạn năm 2011-2020 nhu cầu nhà tái định cư tăng mạnh do ngoài các dự án hạ tầng, thành phố cần quỹ nhà tạm cư phục vụ các dự án cải tạo chung cư cũ. Tổng nhu cầu quỹ nhà giai đoạn này ước tính khoảng 60.000 căn hộ. Để đáp ứng nhu cầu trên, ngoài các dự án nhà tái định cư nhỏ được giao cho quận, huyện và ban quản lý dự án xây dựng, UBND thành phố đã phê duyệt đề án hình thành 3-5 khu đô thị tái định cư, với quy mô mỗi khu 30-50ha, dự kiến xây dựng khoảng 50.000 căn hộ, đa dạng cơ cấu diện tích và đạt chuẩn về chất lượng. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đã giới thiệu địa điểm lập quy hoạch xây dựng là Thượng Cát (Từ Liêm), La Phù (Hoài Đức) và Thanh Liệt (Thanh Trì). Sở này chuẩn bị tiếp các vị trí khác tại Đông Anh, Gia Lâm và Từ Liêm, mỗi nơi có quy mô từ 50ha trở lên, bảo đảm đủ tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật - xã hội.
Ông Đạm cho biết, từ nay đến năm 2012, dự kiến triển khai ngay 4 dự án gồm khu Khương Đình 1-2 (quận Thanh Xuân), khu Thanh Liệt (Thanh Trì), Thượng Cát (Từ Liêm), Trâu Quỳ (Gia Lâm); đồng thời quy hoạch dự trữ 4 khu tại Đông Anh, Hoài Đức, Sóc Sơn và Thường Tín. Về phương thức đầu tư, thành phố sử dụng vốn ngân sách tạo quỹ đất sạch, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, xã hội thiết yếu, doanh nghiệp của thành phố đầu tư xây dựng nhà ở. Nguồn vốn thực hiện gồm phát hành trái phiếu, trích từ nguồn thu tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất của thành phố, tiền bán nhà theo NĐ 61/CP, bán nhà tái định cư và ngân sách bố trí xây dựng nhà tái định cư. Đối với các khu thuộc quỹ đất 20%, chủ đầu tư các dự án bàn giao cho thành phố, thành phố tổ chức đấu giá quyền sử dụng tạo nguồn vốn xây dựng khu đô thị tái định cư. Ngoài ra, còn có các nguồn khác như tín dụng ưu đãi qua Quỹ Đầu tư phát triển, vốn viện trợ...
Sở Xây dựng tính toán, giai đoạn 2011-2015 sẽ xây dựng 20.000 căn hộ, với số vốn khoảng 13.000 tỷ đồng; giai đoạn 2015-2020 xây 30.000 căn hộ, kinh phí 18.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Sở đề nghị thành phố điều chỉnh quỹ nhà tái định cư từ dự án chậm đưa vào khai thác hơn 12 tháng kể từ ngày được bàn giao cho các dự án có nhu cầu sử dụng ngay để khắc phục tình trạng nơi cần không có, nơi có thì không dùng.