Ổn định mong manh?

Thế giới - Ngày đăng : 06:44, 16/09/2010

(HNM) - Cuộc phục hồi yếu ớt của kinh tế toàn cầu những ngày qua đã tạo ra không gian bi quan không biên giới. Những tranh luận gay gắt về nền kinh tế đã bước vào giai đoạn hậu khủng hoảng hay vẫn trong khủng hoảng; phục hồi hay đang suy thoái... chưa được cắt nghĩa đủ để thế giới ý thức được hiểm nguy đang hiện hữu.

Tuy nhiên, trong bức tranh có phần ảm đạm đó vẫn có những vùng sáng hy vọng. Thông báo mới nhất của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) về sự gia tăng mạnh mẽ của thương mại toàn cầu tính đến quý II năm nay là tín hiệu lạc quan cho khả năng vượt khó của cỗ xe kinh tế thế giới đang ì ạch.

Hàng hóa tại cảng biển ở Singapore, một điểm vận tải quan trọng góp phần làm sôi động thương mại toàn cầu những ngày qua.

Trái với nhận định của nhiều chuyên gia, WTO có góc nhìn cởi mở hơn về tiến trình rút khỏi khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, 70 quốc gia (chiếm 90% thương mại toàn cầu) đã tăng 25% giá trị buôn bán hàng hóa trong quý II-2010 so với quý I; trong đó xuất khẩu cộng thêm 26% và nhập khẩu tăng 25%. Nếu so với con số âm 12% của năm 2009, tương ứng 12,5 nghìn tỷ USD hay 23% giá trị - mức sụt giảm kỷ lục của trao đổi thương mại trong vòng 70 năm trở lại đây thì những con số trên là một khích lệ ngay cả với những người khó tính nhất. Nó cũng góp phần đưa dự báo tăng trưởng thương mại toàn cầu năm 2010 sẽ cao hơn 10% so với năm 2009 của WTO không trở thành tuyên bố thiếu căn cứ.

Trong bối cảnh quá trình bình phục của kinh tế thế giới đang vấp phải hàng loạt trở ngại do những vấn đề nội tại của nhiều quốc gia, sự gia tăng trở lại của các giao dịch hàng hóa quốc tế khẳng định một thực tế rằng, xu thế toàn cầu hóa thương mại tạo nên sự thịnh vượng cho nhân loại thời gian qua không bị đảo ngược bởi cơn bão tài chính. Trao đổi hàng hóa được thúc đẩy cũng đồng nghĩa với một nền kinh tế chi tiêu mạnh hơn đã được định hình. Khi "thắt lưng buộc bụng" được xem là khắc tinh của tăng trưởng, thì dòng chảy thương mại như hệ quả tất yếu của nhu cầu giao thương và nỗ lực tìm thị trường cho hàng hóa đã mang đến một điểm tựa vững chắc cho những bước tiến xa hơn.

Sau vòng xoáy của cuộc khủng hoảng đẩy các hoạt động kinh tế toàn cầu xuống dốc nhanh hơn thời kỳ đại suy thoái năm 1930, bản đồ kinh tế thế giới đã mang một cục diện khác. Các số liệu chủ chốt đã chỉ ra một thực tế nằm ngoài sức tưởng tượng của bất kỳ ai, đó là nền kinh tế những nước đang phát triển đã thoát ra khỏi suy thoái nhanh hơn dự báo của các nhà phân tích. Sự bứt phá mạnh mẽ của châu Á và những quốc gia mới nổi gồm: Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đặc biệt trong lĩnh vực thương mại đã trao cho các kinh tế này vai trò lớn hơn trong kinh tế toàn cầu. Chỉ tính 6 tháng đầu năm 2010, xuất khẩu của châu Á đạt 2.337 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 1.720 tỷ USD cùng kỳ năm 2009. Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu và nhập khẩu trong quý II-2010 của Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đều tăng tương ứng 41%, 35% và 56% so với năm ngoái. Điều đó cho thấy đà phục hồi tại những khu vực này đang tăng tốc một cách hứng khởi trong khi ở thế giới giàu có, mọi nỗ lực dường như chỉ để ngăn nền kinh tế không rơi vào cuộc suy thoái mới.

Những lợi thế về dân số trẻ, ít phải chịu những ảnh hưởng nghiêm trọng về cấu trúc kinh tế... đang ủng hộ cho xu hướng chuyển dịch trọng tâm kinh tế từ các nước giàu sang các quốc gia đang phát triển. Phải loay hoay đối mặt với giai đoạn cân đối lại thu - chi đầy khó khăn đã khiến sức mạnh kinh tế đang rời khỏi phương Tây trước sự ngỡ ngàng của nhiều người. Quy luật bất thành văn, nước giàu "hắt hơi" thì nước nghèo sẽ "nhập viện" dường như đã trở thành quá khứ khi các nước đang phát triển ngày càng chiếm tỷ lệ lớn hơn trong GDP toàn cầu. Trào lưu này cũng đã được nhìn nhận trong Diễn đàn Davos mùa hè vừa kết thúc ngày 15-9 tại thành phố cảng Thiên Tân của Trung Quốc, nơi sức nóng của nhiệm vụ sớm cải thiện đà tăng trưởng đã trở thành chủ đề chính.

Hai năm một ngày sau (15-9-2008), nỗi kinh hoàng lan truyền từ vụ sụp đổ của Lehman Brothers, phải nói rằng nỗ lực phi thường của nhiều chính phủ đã giúp ngăn chặn cơn hoảng loạn. Thế nhưng, sự ổn định về kinh tế hiện vẫn thật mong manh khi các gói hỗ trợ trị giá hàng ngàn tỷ USD được các nước đồng loạt tung ra trong hai năm qua vẫn chưa trị được tận gốc những thương tổn từ bên trong cơ thể của các nền kinh tế.

Vân Khanh