Cơ hội thẩm định tài năng
Văn hóa - Ngày đăng : 08:15, 15/09/2010
Thí sinh Lưu Hồng Quang tại vòng chung kết bảng C. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN |
Đối với âm nhạc cổ điển, hai thập kỷ qua, Việt Nam đã tạo được uy tín trên thế giới với nhiều tài năng âm nhạc trẻ giành giải thưởng quốc tế. Và cuộc thi piano lần đầu tiên tổ chức tại Việt Nam đã được giới chuyên môn đánh giá là thành công. Các thí sinh có trình độ tốt, biểu diễn "mượt mà" và nhiều xúc cảm, nhất là ở bảng A (10-13 tuổi), bảng C (18-25 tuổi). Hơn nữa, Ban tổ chức đã tạo điều kiện cho các thí sinh tập luyện làm quen với đàn trước khi thi, được thi đấu với cây đàn chất lượng cao hàng đầu thế giới là Steinway (của hãng Steinway & Son). Nhất là ở vòng cuối, các thí sinh của bảng C được tập luyện và thi với dàn nhạc để phô diễn hết tài năng - chỉ những cuộc thi lớn mới có được điều kiện này. NSND Đặng Thái Sơn (Chủ tịch danh dự, Giám đốc nghệ thuật cuộc thi), người đã từng được mời làm giám khảo nhiều cuộc thi tài năng piano uy tín trên thế giới đánh giá, cuộc thi này cũng phải xếp ở nửa đầu trong số các concour trên thế giới.
Điều đáng quý là khán giả Thủ đô đã được tiếp cận, thưởng thức những tác phẩm âm nhạc cổ điển do các pianist trẻ trên thế giới trình diễn. Lịch thi, kết quả được cập nhật liên tục trên các phương tiện thông tin, khá chuyên nghiệp. Ít nhiều, cuộc thi đã tạo được sự mong đợi lần sau.
Phần nhiều thí sinh dự thi là các tài năng của Việt Nam, song kết quả cuối cùng, chủ nhà không có giải nhất, thậm chí giành được nhiều kỳ vọng như Lưu Hồng Quang (bảng C) cũng chỉ nhận được giải ba. Theo nhận định của giới chuyên môn, kết quả thế là công bằng. Các thí sinh từ Nhật Bản, Hàn Quốc giành được thứ hạng cao bởi họ biết cách thể hiện được mình, giữ phong độ tốt hơn thí sinh Việt Nam. Cả NSND Đặng Thái Sơn và NSND Trần Thu Hà (Chủ tịch Hội đồng giám khảo) đều nói ta tổ chức và chuẩn bị cuộc thi khá gấp rút (trong vòng 4 tháng). Trong khi, một concour thông thường cũng phải được quảng bá cả năm trời và thí sinh thì đã chuẩn bị vài năm trước đó. Hơn nữa, theo lý giải của NSND Đặng Thái Sơn, giành được giải cao hay không có nhiều yếu tố. Như "gu" của Ban giám khảo, sự dạn dày thi đấu quốc tế, sự may mắn trong bốc thăm hay quen với việc diễn cùng dàn nhạc…
Thực tế, cuộc thi lần này chỉ mang tính khu vực, chưa thu hút được thí sinh đến từ châu Âu hay châu Mỹ. Một phần bởi ta chưa có chế độ đài thọ, hơn nữa hầu hết các tài năng đã được đánh giá tốt đều đã "kín" lịch hoạt động từ trước. Nếu như dự định 2 năm tổ chức một lần cho concour này, có lẽ, ngay từ bây giờ, Ban tổ chức nên tính toán chuẩn bị cơ sở vật chất, việc quảng bá và đào tạo thí sinh cho lần thi tới. Ít ra, qua sự "va chạm" trong lần đầu tiên ở Việt Nam, các tài năng trẻ nước nhà đã có được một "thước đo" mới mang tầm quốc tế để rèn luyện vươn lên. Còn Ban tổ chức nhận ra rằng, một concour có được uy tín không chỉ cần thời gian lâu năm mà còn cả sức hút với tài năng có thứ hạng trên thế giới ngay từ đầu.
Điều quan trọng sau bất cứ cuộc thi nào, các tài năng có cơ hội phát triển đến đâu, tạo điều kiện như thế nào để chứng tỏ được mình trong tương lai. Và với chủ nhà, việc tạo được "gu" thưởng thức âm nhạc cổ điển, dấy lên phong trào luyện tập piano trong thế hệ trẻ cũng đáng ghi nhận.