Ứng dụng kỹ thuật: Thước đo trình độ
Công nghệ - Ngày đăng : 08:11, 15/09/2010
Phẫu thuật nội soi cắt túi mật tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. |
Nhiều kỹ thuật vượt trội
Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, trung bình mỗi năm, hệ thống bệnh viện của Hà Nội tiếp nhận điều trị cho hàng triệu lượt bệnh nhân, trong đó, số lượng bệnh nhân phải phẫu thuật chiếm khoảng 10%. Do đó, việc ứng dụng những kỹ thuật cao trong phẫu thuật đã trở thành một "thước đo" trình độ chuyên môn của người thầy thuốc và mỗi bệnh viện. Cho đến nay, có thể khẳng định, chuyên ngành ngoại khoa của Hà Nội có bước phát triển không thua kém gì trung ương.
Bác sỹ Vương Trung Kiên, Khoa Chấn thương (BV Xanh Pôn) cho biết, các bác sỹ trong khoa rất tự hào vì trên thế giới có kỹ thuật mới nào thì chỉ một thời gian ngắn họ đã ứng dụng được. Rất nhiều kỹ thuật điều trị bệnh hiện đại bằng phẫu thuật đã được bác sỹ trong khoa thực hiện thành công với hiệu quả cao, không xảy ra tai biến đáng tiếc. Điển hình là kỹ thuật phẫu thuật nội soi khớp gối, vai, tiết niệu, tiêu hóa; phẫu thuật các bệnh lý về não, tạo hình; phẫu thuật tim kín, hở; đóng đinh nội tủy các xương dài không mở ổ gãy; thay khớp háng toàn phần; tán sỏi ngoài cơ thể... Đặc biệt, có những kỹ thuật còn được thực hiện sớm nhất và duy nhất trên cả nước như kỹ thuật kết hợp xương dài bằng đinh Metaigean, kỹ thuật cố định gãy hai xương cẳng tay bằng xuyên đinh chùm kín dưới màn tăng sáng... của Bệnh viện Xanh Pôn hay những kỹ thuật chuyên sâu về tim (phẫu thuật triệt để chứng Fallot, phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ nhẹ cân...) của Bệnh viện Tim Hà Nội.
Các BV Xanh Pôn, Thanh Nhàn, Đức Giang, Bắc Thăng Long, Hà Đông, Sơn Tây... hiện đang áp dụng kỹ thuật nội soi trong điều trị nhiều loại bệnh (viêm ruột thừa, viêm túi mật, sỏi niệu quản, u phì đại lành tính tuyến tiền liệt…) như một phẫu thuật thường quy, thì các bệnh viện khác, nhất là bệnh viện huyện cũng đang rất tích cực triển khai kỹ thuật này với mục tiêu có thể cứu sống được bệnh nhân ngay từ tuyến y tế cơ sở.
Không thể mạnh ai nấy làm
Phẫu thuật nội soi có rất nhiều ưu điểm: ít đau, tính thẩm mỹ cao, không có biến chứng như dính ruột, tắc ruột, thời gian điều trị ngắn, can thiệp được nhiều bệnh nên được bệnh nhân tin dùng. Tuy nhiên, việc áp dụng nó tại các cơ sở y tế của Hà Nội đang gặp rất nhiều trở ngại. Ước tính, để mua một dàn máy nội soi đồng bộ, hoàn chỉnh phải mất khoảng 1,5 tỷ đồng. Đây là một khoản chi phí không nhỏ so với ngân sách được cấp của các bệnh viện. Thế nên, cho đến nay nhiều bệnh viện vẫn chưa mua sắm được các dàn máy này. Đơn cử, ngay với BV Xanh Pôn, cơ sở ngoại khoa đầu ngành của thành phố, cũng chỉ có 2 dàn máy, trong khi nhu cầu của người dân rất cao. Bên cạnh đó, đội ngũ phẫu thuật viên sử dụng máy đòi hỏi phải có tay nghề cao, được đào tạo cơ bản lại rất ít. Hiện các phẫu thuật viên của Hà Nội có tay nghề cao về phẫu thuật nội soi tính được trên đầu ngón tay. Có những khoa chỉ có 3-4 phẫu thuật viên chính nhưng đảm nhiệm tới 700-800 ca phẫu thuật một năm.
Chuyên ngành ngoại khoa của Hà Nội mặc dù đã có bước tiến mới, nhưng những hạn chế vừa nêu trên rõ ràng đang cản trở sự phát triển của ngành. Chỉ có khắc phục được tình trạng đào tạo không đồng bộ theo kiểu "mạnh bệnh viện nào bệnh viện nấy làm" và phải có sự đầu tư mua sắm thiết bị đồng bộ thì nhiều kỹ thuật phẫu thuật, trong đó có kỹ thuật nội soi mới sớm trở thành thường quy ở tất cả các tuyến bệnh viện, từ đó có thể can thiệp vào nhiều bệnh khó như lồng ngực, cột sống, sọ não, tai mũi họng... góp phần cùng những chuyên khoa khác đem lại sự sống cho nhiều người bệnh.