Không thể biện minh và dung thứ

Góc nhìn - Ngày đăng : 07:38, 14/09/2010

(HNM) - Có lẽ phải lâu lắm rồi mới phát hiện được một vụ việc thuốc hết đát (hết hạn sử dụng) được tái chế để tiêu thụ trên thị trường. Cụ thể là với gần 180 nghìn viên Bisinthvon 8mg bao phim có hạn sử dụng đến tháng 10-2009, Công ty cổ phần Dược Đồng Nai (Donapharm) đã ép lại vỉ, đóng lô mới nâng hạn sử dụng 1 lô là tháng 9-2011 (tăng đát 2 năm) và lô còn lại là tháng 2-2012 (tăng đát thêm 2 năm rưỡi).


Còn với thuốc Salbutamol 2mg do Donapharm sản xuất năm 2008, hạn sử dụng đến tháng 6-2010. Có lẽ sốt ruột vì gần hết hạn sử dụng mà vẫn còn nhiều thuốc tồn kho nên tháng 9-2009 (8 tháng trước ngày hết hạn), 100.000 viên Salbutamol 2mg được tái chế bằng cách bóc nhãn cũ, thay nhãn mới có hạn dùng đến tháng 9-2011 (kéo dài thêm 1 năm 3 tháng), đã bán ra thị trường 21.400 viên...

Điều đáng nói là những loại thuốc người ta chao chác, tùy tiện tái chế theo kiểu phù phép, thay đổi mẫu mã tuồn ra tiêu thụ trên thị trường đều là thuốc chữa bệnh cho con người chứ không phải thuốc thú y. Cụ thể Salbutamol 2mg điều trị các bệnh: nghẽn do co thắt đường hô hấp kèm các bệnh hen phế quản, viêm phế quản, khí thũng phổi. Thuốc Bisinthvon 8mg có tên gốc Bromhexin: chuyên trị viêm cấp hoặc mạn tính ở thanh quản, khí quản, phế quản và phổi, giãn phế quản; bệnh bụi phổi... Nhẫn tâm bán hàng hóa như vậy cho các "thượng đế" có phải họ xem tính mạng con người như... cỏ rác (theo cách nói của Bao Công)? Và cần nhắc thêm rằng, trong thời kinh tế thị trường, khách hàng chính là người nuôi sống các DN. Vậy mà họ nỡ đối xử với ân nhân của mình như thế? Thử hỏi tình nghĩa ở đâu, nhân tính ở đâu?

Vụ việc trên vẫn chưa hết những chuyện lạ. Tháng 6-2010, cơ quan điều tra CA tỉnh Đồng Nai đã có kết luận về việc Ban giám đốc Công ty Donapharm đồng ý cho nhân viên tổ chức tái chế thuốc Bisinthvon và Salbutamol hết hạn (hoặc gần hết hạn) và chuyển hồ sơ vụ việc sang Sở Y tế. Thời điểm ấy, một đoàn kiểm tra của Cục quản lý Dược (thuộc Bộ Y tế) cũng đã có mặt tại Donapharm. Tiếp đó Thanh tra Bộ Y tế cũng vào Donapharm kiểm tra. Không hiểu họ "kiểm" và "tra" những gì, nhưng kết quả là ngày 16-7-2010, Cục Quản lý Dược cấp giấy chứng nhận "Thực hành tốt sản xuất thuốc", ngày 9-8-2010 cấp tiếp giấy chứng nhận "Thực hành tốt bảo quản thuốc" cho Donapharm. Tới đây lại có người nhận xét có thể là do "trên" ở xa, nên chưa sâu sát nắm bắt tình hình vụ việc. Tuy nhiên, với các cơ quan quản lý ở địa phương thì việc nhìn nhận vụ việc này cũng có nhiều góc độ... lạ. Cho rằng đây là sai phạm lần đầu, Ban giám đốc Donapharm cũng đã nhận thức được sai trái, do đó cơ quan điều tra đề nghị trong kết luận là thu hồi thuốc tái chế và chuyển Sở Y tế xử lý theo thẩm quyền. Còn một quan chức của Thanh tra Sở Y tế Đồng Nai thì phát biểu, chiểu theo quy định, sai phạm của Donapharm bị phạt từ 5 đến 10 triệu đồng.

Xử lý kiểu "phủi bụi" như vậy thì ai sợ? Chả thế, Giám đốc Donapharm biện minh cho những sai phạm của DN thế này: Việc tự ý tái chế thuốc quá "đát" sai với quy trình quản lý dược là do nhận thức chưa đầy đủ và thiếu sót trong việc cập nhật các văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế. Thấy thuốc quá "đát" nhưng chúng tôi kiểm tra thấy vẫn đạt chất lượng nên công ty đã tự xây dựng quy trình kiểm soát, cho dán nhãn lại để đưa đi tiêu thụ...

Những phát biểu thật hồn nhiên và cũng thật lạ.

Và chuyện lạ cuối cùng trong vụ việc này là tới giờ chưa thấy DN Donapharm và các cơ quan quản lý có ý kiến gì đối với những "thượng đế" đã tiêu thụ số thuốc không thể thu hồi trên thị trường gồm hơn 178.000 viên Bisinthvon 8mg cùng 5.500 viên Salbutamol 2mg.

Trí trá "đánh lận con đen", đưa sản phẩm kém chất lượng ra thị trường là hành động lừa bịp người tiêu dùng không thể chấp nhận được với bất cứ nhà sản xuất nào. Với Donapharm - doanh nghiệp sản xuất thuốc chữa bệnh - thứ hàng hóa đặc thù liên quan đến sức khỏe và cả tính mạng người dân với hành động trên, thiết nghĩ tội danh thật khó biện minh và dung thứ.

Hoàng Thu Vân