Xương sống của giao thông công cộng

Xã hội - Ngày đăng : 07:24, 13/09/2010

(HNM) - Thành phố Hà Nội đang khẩn trương hoàn tất các khâu chuẩn bị cuối cùng để ngày 22-9 tới sẽ khởi công tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội. Đây là bước phát triển tất yếu nhằm từng bước hiện đại hóa và tăng cường năng lực vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững hệ thống giao thông đô thị cho Thủ đô.


Sẽ khởi công dự án thí điểm


Các cơ quan chức năng kiểm tra công tác chuẩn bị mặt bằng tuyến đường sắt
đô thị Nhổn - Ga Hà Nội.  Ảnh: Bá Hoạt


Mạng lưới VTHKCC chỉ hoàn chỉnh khi nó được cấu thành bởi 3 hợp phần cơ bản, gồm hệ thống vận tải khối lượng lớn (ĐSĐT và xe buýt nhanh); hệ thống xe buýt thông thường; hệ thống bổ trợ với các phương tiện giao thông nhỏ. Trong đó, ĐSĐT được coi là xương sống cho giao thông công cộng của TP. Trong tương lai không xa, hệ thống ĐSĐT của Hà Nội sẽ đóng vai trò chính trong hệ thống VTHKCC tốc độ cao, khối lượng vận chuyển lớn, có chức năng gắn kết các khu đô thị, khu công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ - du lịch, trường học… Theo quy hoạch, mạng lưới ĐSĐT của Hà Nội đến năm 2020 bao gồm tuyến số 1 (Ngọc Hồi - Yên Viên, Như Quỳnh, dài 38,7km); tuyến số 2 (Nội Bài - Trung tâm TP - Thượng Đình, dài 35,2km); tuyến số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội - Hoàng Mai, dài 21km); tuyến số 4 (Đông Anh - Sài Đồng - Vĩnh Tuy/Hoàng Mai - Thanh Xuân - Từ Liêm - Thượng Cát - Mê Linh, dài 53,1km); tuyến số 5 (Nam Hồ Tây - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc, dài 34,5km).

Đoạn thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội nằm trong tuyến ĐSĐT số 3, nối khu vực phía tây với trung tâm và khu vực phía nam TP. Khi nghiên cứu lập dự án này, TP đặt lộ trình ưu tiên triển khai ngay từ năm 2010, thiết thực chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Giai đoạn sau năm 2020, phát triển tuyến số 3 lên Sơn Tây với tổng chiều dài dự kiến 48km. Trước tính cấp thiết của dự án, trong buổi kiểm tra thực địa vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đã yêu cầu UBND huyện Từ Liêm tập trung hoàn thành giải phóng mặt bằng (GPMB) giai đoạn 1 của hạng mục depot xong trước ngày 16-9; GPMB giai đoạn 2 đường dẫn vào depot, lập kế hoạch thực hiện dứt điểm GPMB khu vực depot và đường dẫn xong trước tháng 6-2011. Trong đó, chú trọng việc chuẩn bị khu tái định cư phục vụ yêu cầu của nhân dân…

Nhiều lợi ích từ hệ thống đường sắt đô thị

Theo TS Lưu Xuân Hùng, Phó Giám đốc Ban Dự án ĐSĐT Hà Nội, hệ thống ĐSĐT sẽ có tác động mạnh mẽ với Thủ đô. Với đường bộ, việc mở rộng địa giới Thủ đô đã tạo xu hướng sử dụng ô tô cá nhân nhưng với ĐSĐT, đặc biệt tại các khu vực ngoại thành sau khi được đô thị hóa, người dân sẽ ưu tiên sử dụng phương tiện GTCC do hệ thống này cung cấp dịch vụ cao cấp nối ngoại thành với khu vực trung tâm. Tại khu vực trung tâm, ĐSĐT sẽ không bị ảnh hưởng bởi tắc nghẽn của giao thông đường bộ. Ước tính, khi hoàn tất các tuyến theo quy hoạch, hệ thống ĐSĐT có thể phục vụ 2,6 triệu lượt khách mỗi ngày với cự ly trung bình 7,8km/hành khách/lượt.

Các chuyên gia cho rằng ĐSĐT chính là chất xúc tác cho phát triển đô thị, giảm ô nhiễm môi trường… Khi có ĐSĐT, các dự án nhà ở, khu đô thị mới xung quanh nhà ga đường sắt sẽ trở nên hấp dẫn hơn với người dân do điều kiện đi lại từ ngoại thành vào khu vực trung tâm đã dễ dàng hơn. Bài toán giảm tải cho khu vực nội đô sẽ giải được phần nào. Một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng khi người dân thường xuyên sử dụng ĐSĐT thay cho các phương tiện cá nhân tiêu hao nhiên liệu sẽ giảm đáng kể, qua đó giảm được hiệu ứng nhà kính, môi trường không khí trong lành hơn.

Tuy nhiên, việc phát triển ĐSĐT đòi hỏi nguồn tài chính khổng lồ. Theo TS Lưu Xuân Hùng, ước tính, nhu cầu vốn phát triển ĐSĐT cho Hà Nội tới năm 2020 cần khoảng 9 tỷ USD. Để giảm bớt gánh nặng tài chính cho ngân sách, cần thiết phải thâu tóm được giá trị sinh lời bên ngoài hệ thống ĐSĐT. Chi phí khổng lồ đầu tư cho ĐSĐT chỉ có thể thu hồi nếu TP thâu tóm thành công những giá trị mà ĐSĐT tạo ra dọc hành lang của nó. Đó là tối đa hóa giá trị sử dụng đất đai dọc tuyến và khu vực xung quanh các ga thông qua thuế doanh thu, thuế sử dụng đất, thuế sử dụng hạ tầng và đặc biệt là nguồn thu từ hoạt động thương mại - dịch vụ vốn rất thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư theo phương thức xã hội hóa…

Tuấn Lương