350 tỷ USD để ngăn đà giảm phát
Thế giới - Ngày đăng : 07:14, 13/09/2010
Kế hoạch của Tổng thống B.Obama hướng nhiều tới thị trường lao động. |
Công bố những sáng kiến kinh tế mới tại thành phố Cleveland thuộc bang Ohio, khu vực bị thiệt hại nghiêm trọng nhất sau bão khủng hoảng, người đứng đầu Nhà Trắng đề xuất kế hoạch 3 điểm, gồm: cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư nhà máy và thiết bị mới với tổng giá trị 200 tỷ USD, kéo dài thời hạn chương trình tín thuế, 100 tỷ USD cho công tác nghiên cứu, phát triển và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông với chi phí đầu tư là 50 tỷ USD trong 10 năm tới. Những biện pháp nhìn chung đều hướng tới các mục tiêu ngắn hạn đã thể hiện rõ trọng tâm chính sách của ông Obama là nhanh chóng tạo thêm nhiều việc làm trong nỗ lực kéo tụt tỷ lệ thất nghiệp đã leo tới mức nguy hiểm 9,6%, đang trở thành vấn nạn khủng khiếp đối với nền kinh tế Mỹ.
Cùng với thị trường lao động chưa có lối thoát, bất động sản Mỹ tiếp tục khủng hoảng và khu vực tài chính tiềm ẩn nhiều bất trắc đã đưa chính quyền của Tổng thống Obama vào tâm điểm của sức ép nặng nề từ dư luận trong nước. Những thuật ngữ như suy thoái kép, tái khủng hoảng, trì trệ, giảm phát… được đề cập như một nguy cơ có thực của nền kinh tế lớn nhất hành tinh đã lộ diện và gây nhức nhối cho Nhà Trắng. Uy tín và trách nhiệm của nhiệm kỳ 4 năm trên chiếc ghế cao nhất buộc người đứng đầu nước Mỹ không thể trông chờ vào quá trình tự lành vết thương diễn ra hết sức chậm chạp mà phải có những hành động cụ thể, quyết đoán nhằm hóa giải sự tụt hậu của kinh tế Mỹ.
Cho dù không thể sánh với quy mô của gói kích thích khổng lồ gần 800 tỷ USD thông qua hồi tháng 1-2009, khoản tài chính 350 tỷ USD vừa được cam kết vẫn được hy vọng sẽ là cú hích tạo đà cho tốc độ tăng trưởng đang có chiều hướng chững lại tại xứ Cờ hoa. Người ủng hộ phấn khích trong niềm tin rằng, dù chưa thể là phương thuốc cải tử hoàn sinh, nhưng biện pháp bơm tiền truyền thống này là cần thiết trong điều kiện những vấn đề thuộc về cơ cấu gây cản trở cho sự hồi phục kinh tế Mỹ chưa được giải mã. Đặc biệt khi nước Mỹ đang ở trong một giai đoạn hết sức nhạy cảm của cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ vào tháng 11 tới.
Do vậy, lá bài kinh tế của ông Obama còn được nhìn nhận là một quyết tâm chính trị nhằm thuyết phục cử tri đang mệt mỏi bởi nỗi lo suy thoái, để tiếp tục ủng hộ đảng Dân chủ trong cuộc bỏ phiếu quan trọng này. Kết quả từ các cuộc thăm dò cho thấy, phần lớn người Mỹ tin rằng đảng Cộng hòa có thể đối phó tốt hơn với những khó khăn kinh tế và tình trạng thâm hụt ngân sách tăng vọt hiện nay đã tăng thêm độ cảnh báo về sự lặp lại của một truyền thống tại Hoa Kỳ, đó là phe đối lập luôn giành được thêm ghế trong các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Việc nước Mỹ bị tụt hạng năng lực cạnh tranh - từ vị trí số 2 xuống số 4 - cũng là một bất lợi lớn cho đảng Dân chủ vào thời điểm hiện nay trước cử tri.
Trong khi hiệu quả của gói kích thích lần 1 đang nhạt dần bởi tăng trưởng GDP thụt lùi, nhiều người tỏ ra thận trọng với bước đi mới của Tổng thống Obama trong việc sẽ tạo ra những thay đổi lớn đối với diện mạo kinh tế Mỹ. Bên cạnh đó, cả những người lạc quan nhất cũng chưa thể chắc chắn ngân khoản 350 tỷ USD sẽ nhận được sự ủng hộ tại Quốc hội Mỹ, nơi các chính trị gia còn chưa tìm ra câu trả lời cho việc giải quyết thâm hụt ngân sách dự báo vào khoảng 1.000 tỷ USD cho năm tài khóa 2010. Trong bối cảnh đó, quyết sách mới sẽ làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho nền kinh tế số 1 thế giới đang chật vật tìm hướng đi.
Bước vào Nhà Trắng đúng lúc cuộc khủng hoảng tài chính làm nước Mỹ lao đao, Tổng thống B.Obama luôn khẳng định các vấn đề kinh tế là những ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ; song, có vẻ như con tàu Mỹ chưa xác lập được một hành trình chính xác mang tính dài hạn. Người đứng đầu nước Mỹ đang phải đối mặt với một cuộc đấu đầy gian nan trong nhiệm vụ cải thiện nền kinh tế, đưa đảng Dân chủ vượt qua "lời nguyền" mất ghế trong cuộc bỏ phiếu giữa kỳ đang ngày một tới gần.