Cơ hội biết “mình” đang ở đâu

Kinh tế - Ngày đăng : 06:58, 13/09/2010

(HNM) - Với kỳ vọng cải tiến mạnh mẽ hơn việc xây dựng và thi hành pháp luật của các bộ trong nỗ lực tạo môi trường kinh doanh minh bạch cho doanh nghiệp (DN), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố


Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật


Lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn được chấm điểm ở mức khá (6,05-6,13 điểm/10).   Ảnh: Thái Hiền


Thời gian qua, Chính phủ đã cùng các bộ, ngành từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật và tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật. Liên quan tới DN, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong hầu hết các lĩnh vực đã được xây dựng, trong đó, khoảng 70% luật, pháp lệnh tập trung vào lĩnh vực dân sự và kinh tế. Đề án 30 về đơn giản hóa thủ tục hành chính đã, đang được Chính phủ, các bộ và chính quyền địa phương triển khai tích cực. Nghị định 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho DN và các văn bản liên quan cũng là bước tiến hướng tới cộng đồng DN. Tuy chất lượng xây dựng pháp luật đang dần được cải thiện, nhưng hoạt động thi hành pháp luật của các bộ, ngành vẫn chưa thực sự đáp ứng được nguyện vọng của DN. Chất lượng văn bản quy phạm pháp luật và khả năng tiếp cận thông tin pháp luật của DN hiện ở mức thấp, cần được cải thiện nhiều trong thời gian tới. Công tác lấy ý kiến xây dựng pháp luật, chất lượng văn bản quy phạm pháp luật và công tác thi hành pháp luật vẫn là những nội dung mà cộng đồng DN mong muốn các bộ khắc phục và cải thiện chất lượng để có thể tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển của DN.

Hiện trạng và kỳ vọng

Kết quả khảo sát ý kiến đánh giá của 124 hiệp hội đại diện cho 77.000 DN trên toàn quốc ở các lĩnh vực cho thấy, theo 2 chỉ tiêu chính là xây dựng và thi hành pháp luật, nhóm nghiên cứu chỉ số LDEA cho rằng chất lượng hoạt động này của 14 bộ không cao. Ngay ở mức cao nhất, Bộ Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chỉ đạt từ 6,05-6,13 điểm, trên thang điểm 10. Bộ Xây dựng và Y tế chỉ đạt 4,74 và 4,66 điểm. Một nửa trong tổng số các bộ rơi vào nhóm trung bình: Ngân hàng Nhà nước (5,92 điểm), Bộ Tư pháp (5,9 điểm), Bộ Khoa học và Công nghệ (5,87 điểm), Bộ Thông tin và Truyền thông (5,68 điểm), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (5,45 điểm), Bộ Tài nguyên và Môi trường (5,16 điểm) và Bộ Giao thông Vận tải (5,07 điểm). Đối với chỉ số xây dựng pháp luật, hầu hết các bộ đều đạt loại khá (6,55 điểm), không bộ nào đạt loại tốt, song chất lượng văn bản quy phạm pháp luật lại chỉ đạt trung bình (5,71 điểm). Các hiệp hội đánh giá khá thấp chỉ tiêu tiếp cận thông tin pháp luật (4,09 điểm).

Khảo sát này cho thấy đây mới chỉ là đánh giá của các DN đối với văn bản pháp luật của các bộ mà chưa đi vào những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện của DN. Với mong muốn LDEA sẽ tốt hơn trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, cần tính thêm những giải pháp cơ bản như đổi mới quy trình lập pháp, nâng cao tính chuyên nghiệp của cơ quan làm luật. Đồng thời, sớm thực hiện việc trưng cầu dân ý, tăng cường tính phản biện; lắng nghe và tôn trọng ý kiến của các tổ chức xã hội-nghề nghiệp, tăng cường đối thoại để tìm ra phương án và chính sách tốt nhất.

Kết quả đánh giá được thể hiện thông qua điểm số. Qua đó phản ánh kỳ vọng của cộng đồng DN về bước cải tiến mạnh mẽ hơn nữa của các bộ trong nỗ lực tạo dựng môi trường kinh doanh minh bạch. Hy vọng, hoạt động này sẽ được thực hiện hằng năm, nhằm giúp các bộ thấy rõ hơn thành công và hạn chế, nâng cao chất lượng hoạt động xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho DN.

Thanh Hiền