"Hàng rong thời @"
Xã hội - Ngày đăng : 08:31, 12/09/2010
Họ đã bàn bạc và thống nhất ý tưởng viết một dự án về cách tập hợp những người bán hàng rong trong một tổ chức, bán và giới thiệu các sản phẩm tận gia đình, vừa hiệu quả mà không vi phạm.
"Chỗ tôi ở là nơi có rất nhiều người bán hàng rong. Một lần, tôi đang ăn bánh cuốn bên đường, thấy công an đến, chị bán hàng rong vội vàng dọn bát đĩa để chạy... Một lần khác tôi mua ổi, bác bán hàng vội nhắc: "cháu ơi mua nhanh lên, cô mới bị tịch thu mất mấy trăm tiền hàng...". Những điều đó đã hình thành trong tôi ý tưởng viết dự án "Hàng rong thời @". Chử Minh Ánh, thành viên của dự án "Hàng rong thời @" kể tại buổi giới thiệu chương trình Ngày hội doanh nhân trẻ và phát triển bền vững năm 2010 tại Hà Nội.
Để thực hiện dự án, Ánh và Sơn mất 3 tháng la cà đến các gánh hàng rong tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của những người bán hàng, trong đó chú ý làm thế nào để nâng cao văn hóa bán hàng rong, hàng tháng trả lương, đóng bảo hiểm mà không phải lo lắng những ngày mưa, nắng thất thường. Qua khảo sát thực tế, Ánh và Sơn nhận ra hai mặt hàng chiến lược có thể cung cấp cho người bán hàng rong là rau và hoa quả. Sơn cho biết: "Chúng tôi sẽ phát triển dịch vụ chuyển phát thực phẩm sạch đến tận các gia đình. Giải pháp này giúp các bà nội trợ lúc tan sở có thể phóng thẳng về nhà mà vẫn có thức ăn sạch để chuẩn bị cho bữa ăn mà không phải chen lấn ở các chợ lo mua đồ ăn cho gia đình". Còn Minh Ánh hồ hởi kể: "Quê tôi ở Đông Anh (Hà Nội) có làng rau sạch Vân Nội nổi tiếng, chúng tôi có thể đặt hàng, tìm nguồn rau với giá rẻ. Đồng thời chúng tôi sẽ có bộ phận kiểm tra chất lượng an toàn rau quả trước khi giao cho các nhân viên hàng rong".
Cách thức triển khai dự án, bước một đó là vận động những người bán hàng rong thành tổ nhóm, lưu động đến tận nhà bán hàng cho các hộ gia đình, chứ không ngồi ở đầu xóm, vỉa hè; tổ chức tập huấn cách bán hàng sao cho hiệu quả, có văn hóa và tạo được sự tin tưởng của người dân. Mỗi sáng, những người bán hàng rong đến nhận rau, củ, quả của nhóm trưởng và thống nhất mức bán chung từng sản phẩm. Mức thu nhập của người bán gồm có lương cứng và hoa hồng tùy theo bán được nhiều hay ít sản phẩm. Bước 2 của dự án sau khi tạo uy tín với khách hàng, nhóm sẽ thành lập công ty chuyên cung cấp rau, củ, quả sạch qua điện thoại cho người dân.
Chử Minh Ánh tự tin cho rằng, dự án sẽ thành công trong thực tế, nhóm đã khảo sát và tìm hiểu rất kỹ thị trường và nhu cầu. Nếu được thực hiện, dự án này sẽ giúp TP Hà Nội giải quyết được vấn đề nan giải trong mấy năm qua đó là giữa việc giữ gìn nét đẹp Thủ đô và bảo đảm đời sống cho người lao động nghèo. Ngoài ra, nắm bắt đặc điểm của người bán hàng hằng ngày đi nhiều nơi, khắp các tuyến phố của Hà Nội, nên có thể tận dụng lợi thế này để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng. Nhóm Sơn và Ánh liên hệ với các công ty, doanh nghiệp cần quảng cáo, in logo lên quần áo, đồ nghề của các nhân viên hàng rong. Đây được coi là hình thức quảng cáo mới lạ, so với cách quảng cáo truyền thống thì hình thức này ít tốn kém, có lợi về mặt kinh tế cho các công ty.
Tại buổi giới thiệu Chương trình Ngày hội doanh nhân trẻ và phát triển bền vững, dự án "Hàng rong thời @" của hai thanh niên Chử Minh Ánh và Nguyễn Ngọc Sơn được một số doanh nghiệp và các chuyên gia đánh giá cao, đồng thời khẳng định dự án có tác động tốt trong đời sống xã hội và sẽ hiệu quả trên địa bàn TP Hà Nội.