Múa rối “ta” vẫn rối
Văn hóa - Ngày đăng : 08:07, 12/09/2010
Cả màn khai cuộc rộn ràng bên Quảng trường Cách mạng Tháng Tám đến những buổi trình diễn chật kín khán giả reo hò, thích thú ngợi khen khiến các đoàn nghệ sĩ nước bạn và nước nhà đều hào hứng phô diễn tài năng. Song, từ một liên hoan tầm cỡ quốc tế vẫn thấy còn nhiều điều đáng suy ngẫm...
Khoe sắc màu dân tộc
Vở rối Hào khí Thăng Long của Nhà hát Múa rối Việt Nam.
16 đoàn nghệ thuật đến với liên hoan lần này trong đó có 11 đoàn khách quả là thành công của Ban tổ chức. Nào rối que, rối dây, rối mặt nạ, rối bóng, rối nước... tha hồ phô diễn những ngón nghề điêu luyện và đặc biệt khoe những bản sắc dân tộc một cách rõ nét cùng khán giả Thủ đô.
Ai cũng thích "Hào khí Thăng Long" (Nhà hát Múa rối Việt Nam) vì thấy rõ văn hóa truyền thống đất kinh kỳ với đàn, ca, sáo, nhị, mà lại kể được câu chuyện truyền thuyết nòi giống người Việt. Màn "Ngày hội buôn làng" của Đoàn múa rối đến từ Đắc Lắc dù kỹ thuật không mấy hoàn hảo nhưng gây ấn tượng bởi màu sắc Tây Nguyên đậm nét trong từng đạo cụ sân khấu, phục trang đến cách di chuyển, nhảy múa của các con rối. Các nghệ sĩ và con rối đến từ Quảng Tây (Trung Quốc) vừa trẻ trung, lộng lẫy lại khéo léo, điêu luyện trong kỹ thuật khiến nhiều bạn trẻ "ngất ngây" khi gặp hình tượng quen thuộc của phim ảnh nước bạn như Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, miền đất Tây Tạng... Đất nước Myanmar bí hiểm cũng đã khoe được những lễ hội truyền thống, điệu nhảy vui nhộn với người xem qua màn rối dây đẹp mắt. Đoàn nghệ thuật Cairo (Ai Cập) có lối biểu diễn phóng khoáng và đầy hình ảnh về đất nước của Kim Tự Tháp. Đoàn nghệ thuật múa rối Singapore mô tả câu chuyện về đường phố hiện đại của đất nước mình rất vui nhộn và thời sự. Các đoàn từ Philippines, Campuchia, Thái Lan, Indonesia... đều trình diễn bằng các con rối truyền thống với nhạc điệu, động tác dễ nhận ra là đặc trưng của mỗi nước.
Múa rối "ta" vẫn "rối"
Một câu hỏi luôn đặt ra đối với khán giả khi đến với liên hoan là các tiết mục của Việt Nam để thi hay để diễn giải trí cho khán giả? Bởi nếu thi thì có vẻ hơi khó hiểu với người nước ngoài, còn nếu giải trí cho khán giả thì e là chưa tới. Dù giải thưởng phần lớn được trao cho các đoàn chủ nhà nhưng khán giả vẫn tỏ vẻ háo hức hơn với những màn trình diễn của nước bạn. Hầu hết các vị đoàn quốc tế có ít diễn viên, nhưng nghệ sĩ của họ có kỹ thuật rất điêu luyện. Ai cũng thán phục hai sinh viên Quảng Tây (Trung Quốc) biểu diễn chính xác tuyệt vời, khéo léo và nhạy cảm đến từng động tác, thậm chí họ còn biết múa lụa như diễn viên chuyên nghiệp. Màn độc diễn của nghệ sĩ đến từ Indonesia với hàng chục con rối truyền thống xếp xung quanh được điều khiển thành thạo, lại kết hợp với chiếu hình hiện đại - một xu hướng biểu diễn mới, độc đáo...
Có thể thấy tư duy làm nghệ thuật rối của các nước bạn khác hẳn ta. Nếu như múa rối của bạn đem đi thi khá gọn gàng, cốt để thể hiện văn hóa và mang tính giải trí thì rối "ta" vẫn cứ nặng về phần truyền đạt ý tưởng, lời thoại dài, phức tạp. Như "Câu chuyện tình người" (Nhà hát Múa rối Thăng Long); "Thạch Sanh - Lý Thông" (Đoàn Nghệ thuật Múa rối TP Hồ Chí Minh); "Xúy Vân giả dại" (Nhà hát Múa rối Việt Nam), "Cô gái tóc vàng" (Đoàn Múa rối Hải Phòng), khán giả nhà thì căng thẳng, còn khán giả nước ngoài thì... ngơ ngác. NSƯT Vương Duy Biên, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nghệ thuật biểu diễn, Trưởng Ban tổ chức cho rằng: "Múa rối - tự nó đã có ít ngôn từ, hầu hết là các trò lạ, ngắn gọn, sáng tạo, phô diễn kỹ thuật để khán giả thư giãn và thán phục nghệ sĩ". Ấy thế nhưng chỉ tiết mục rối nước "Truyện cổ Andersen" của Nhà hát Múa rối Việt Nam được coi là bước đột phá tại liên hoan lần này bởi đã khéo thể hiện được tính "độc" của rối nước lại dễ đến gần khán giả trong và ngoài nước qua các tích truyện cổ nổi danh thế giới của xứ sở Đan Mạch đạt được tiêu chí đó. Còn lại, có vẻ các màn múa rối của ta vẫn cứ rối rắm trong việc tìm cách tiếp cận khán giả hay phô diễn ý tưởng sáng tạo phức tạp trong từng vở diễn.
Vẫn biết lâu nay, múa rối nước ta hầu như kín lịch biểu diễn ở nước ngoài, cho người nước ngoài và hầu hết là dùng chiêu "độc" - rối nước. Nhưng đến với liên hoan có thể thấy khán giả nhà không thích thú với rối nước lắm và họ luôn mong mỏi có nhiều chương trình mới, đa dạng, mang tính giải trí dành cho không chỉ khán giả "nhí", mà mọi đối tượng.