Ảnh nghệ thuật - Điều nuối tiếc
Văn hóa - Ngày đăng : 08:05, 12/09/2010
Ảnh đoạt giải thưởng dùng làm gì?
Một tác phẩm của tác giả Hùng Hoa Lư đoạt HCV tại Argentina.
Trong 2 năm 2009-2010, liên tiếp có tin nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (NSNA) đoạt các giải thưởng ảnh quốc tế. Chưa kể những giải thưởng ảnh trong nước từ chuyên nghiệp do Hội NSNA (VAPA) tổ chức, đến các giải thưởng ảnh khu vực Bắc - Trung - Nam, Đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long, miền Tây Bắc, tỉnh, thành, chuyên ngành… Nhưng bên cạnh giải thưởng, thì còn một vấn đề quan trọng khác là những bức ảnh được dùng để làm gì?
Gần như ảnh đoạt giải chưa có một ảnh hưởng, hay tác động gì rõ nét trong đời sống văn hóa nghệ thuật của công chúng trong nước. Hai năm một, VAPA đều có tổ chức triển lãm ảnh nghệ thuật đoạt giải trong phạm vi các thành viên VAPA vào dịp Quốc khánh (còn gọi là VN-FIAP), nhưng sau triển lãm thì ảnh hoặc được trả chủ nhân hoặc cất vào kho, vì đến giờ này thư viện ảnh lưu trữ của VAPA chưa đi vào hoạt động. Ngoài ra, rải rác ở các tỉnh, thành phố lớn cũng có vài triển lãm nhân kỷ niệm, lễ lạt… nhưng cũng chỉ là một hoạt động mang tính báo cáo, chưa thật sự trở thành sự kiện văn hóa giống các ngành văn hóa nghệ thuật khác như sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, văn học, mỹ thuật… Ảnh mang đi nước ngoài triển lãm thì chỉ như một loại hình nghệ thuật kèm theo nhân một hoạt động văn hóa ngoại giao nào đó và nó bị các loại hình khác "đình đám", ồn ào hơn lấn át.
Cá nhân triển lãm ảnh nghệ thuật cũng không nhiều so với số lượng thành viên là hội viên VAPA.
Sách ảnh nghệ thuật nói chung, nếu tính trung bình hằng năm cũng không quá 10 đầu sách. Ngay như VAPA là nơi "sở hữu" trong tay kho ảnh nghệ thuật của các thành viên nhưng sách ảnh do VAPA sản xuất phát hành cũng rất hiếm. Cũng có một số bức ảnh nghệ thuật của NSNA đoạt các giải thưởng cao ở nước ngoài, trong khuôn khổ bảo trợ của FIAP, PSA được trưng bày ở các Gallery, hay bảo tàng địa phương của BTC cuộc thi đó. Nhưng số ảnh này cũng không nhiều.
Rõ ràng, đời sống của ảnh nghệ thuật đoạt giải thực sự rất ngắn ngủi, ít dấu ấn.
Việt Nam chưa có bảo tàng ảnh nghệ thuật
Kể từ khi ngành nhiếp ảnh ra đời tới nay, thì việc lưu trữ ảnh như một thư viện có lẽ chỉ được thực hiện một cách có hệ thống duy nhất ở Thông tấn xã Việt Nam. Nhưng chủ yếu lại là ảnh mang tính báo chí, lẫn vào một phần ảnh nghệ thuật.
Hội NSNAVN được thành lập 45 năm qua (từ tháng 12-1965) nhưng cũng chưa có một thư viện lưu trữ có hệ thống ảnh nghệ thuật của các NSNAVN nói riêng, những tác phẩm ảnh nghệ thuật của Việt Nam nói chung từ xưa tới nay.
Dự án xây dựng Trung tâm lưu giữ, trưng bày ảnh ở Việt Nam mãi tới năm 2008 mới được khởi công, nhưng tới nay vẫn chưa hoàn thiện. Bản thân các kế hoạch dự án về tổ chức nhân sự, tổ chức sưu tầm, lập hệ thống lưu trữ tạo nên "cái ruột" của bảo tàng thì chưa thấy những triển khai cụ thể…
Trang web vapa.org.vn của Hội NSNAVN cũng đã gần 10 năm tuổi, song ngay cả việc lập một thư viện ảnh trên mạng cũng chưa có, mà chỉ dừng ở phạm vi "gallery" ảnh theo nhóm, bộ, hay cá nhân mà không thành một hệ thống. Chưa kể liên kết với các trang web của cá nhân thành viên Hội NSNAVN vẫn còn bỏ ngỏ, phí một nguồn tìm kiếm, lưu trữ ảnh…
Ngoài ra, cho tới nay việc kết hợp với các bảo tàng nghệ thuật trong nước để có một phòng lưu trữ, trưng bày, triển lãm ảnh nghệ thuật, nhất là những bức ảnh có giá trị nghệ thuật cao như một tài sản của quốc gia, hầu như chưa được thực hiện. Trong khi việc này ở ngay cả những quốc gia trong khu vực châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines… đều đã triển khai. Vì vậy, cũng không ngạc nhiên khi vấn đề trao đổi ảnh nghệ thuật của Việt Nam với các bảo tàng hay các phòng trưng bày ở nước ngoài hầu như đang dừng ở một vài cá nhân.
Chưa có một thị trường ảnh
Ảnh nghệ thuật Việt Nam vẫn đứng ngoài dòng chảy của thị trường. Có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc NSNAVN chấp nhận việc tốn kém về tài chính để theo đuổi thú chơi, việc mua bán ảnh không thành một nhu cầu bức thiết.
Có một thực tế là những bức ảnh bưu thiếp được bán cho du khách thì đa phần của các nhiếp ảnh gia nước ngoài. Rất ít bộ ảnh của các tác giả là NSNAVN, ngoại lệ có NSNA Đào Hoa Nữ là có nhiều ảnh bưu thiếp về Huế đẹp, in ấn sang trọng, "hút" hàng trong mấy dịp Festival ở Huế. Một số NSNAVN lập trang web cá nhân để giới thiệu ảnh của mình trên mạng. Cũng có một số trang web của một vài nhóm yêu thích ảnh nghệ thuật lập ra, cho các thành viên được "chào" ảnh trên web… Có công ty còn lập một trang web mời gọi các NSNAVN gửi ảnh "chào" hàng để họ có thể lựa chọn và mua theo yêu cầu của khách hàng của họ. Nhưng chỉ là manh mún, nhỏ, lẻ.
Bức ảnh có giá nhất trong lịch sử nhiếp ảnh Việt Nam có lẽ là "Mặt trời trong lăng sáng tỏa" - NSNA Trần Lam, với giá kỷ lục 1 triệu USD, nhưng là đấu giá để làm từ thiện. Ảnh được xem như hàng hóa để có thể "nuôi" được đam mê có lẽ là NSNA Long Thành ở Nha Trang, có bức ảnh đã "nhân bản" tới vài trăm tấm mà vẫn đắt hàng, song chủ yếu là khách nước ngoài mua, giá cũng không quá 100USD/bức. Vài NSNAVN khác thì có được sự đặt hàng hay mua ảnh treo trang trí trong các phòng khách lớn của một số khách sạn 3-5 sao ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… Gần đây nhất có NSNA Hoàng Thế Nhiệm là ý thức được việc ảnh nghệ thuật của mình là tài sản, nên đã có những dự án bước đầu về việc bán ảnh như một loại hàng hóa đặc biệt. Theo như thông tin trên một số web ảnh của châu Âu, thì có một vài NSNAVN gần đây được các Gallery của họ bán hộ ảnh đã đoạt giải thưởng quốc tế khi ảnh được trưng bày triển lãm. Giá ảnh chưa chia "hoa hồng" xê dịch từ 400-500USD/bức.
Tuy nhiên, suy cho cùng, cá nhân NSNAVN và những người có trách nhiệm với nghệ thuật nhiếp ảnh ở VN chưa thấy rõ giá trị mang tính vật chất của những tác phẩm ảnh nghệ thuật trong thị trường như các tác phẩm nghệ thuật của các bộ môn khác.
Mỗi năm lại có thêm nhiều cuộc thi ảnh nghệ thuật, lại thêm nhiều tác phẩm ảnh đoạt giải và kho ảnh cứ mãi đầy lên, để "cất kho" không phát huy được giá trị của nó trong đời sống cả về tinh thần và vật chất có phải là sự lãng phí một tài sản nghệ thuật có nhiều giá trị?