Nhiều hiệu ứng tốt
Chính trị - Ngày đăng : 07:08, 12/09/2010
Tại hội nghị, nhiều ý kiến ủng hộ chủ trương không tổ chức HĐND tại các huyện, quận, phường, vì chủ trương trên đã tạo ra bước chuyển về CCHH, trong khi đó quyền làm chủ của người dân vẫn được bảo đảm.
Ảnh: Chinhphu.vn
Hoạt động của HĐND các cấp đang tồn tại nhiều bất cập
Hôm qua, đánh giá về tình hình hoạt động của HĐND, UBND các cấp nhiệm kỳ 2004-2011, Trưởng ban Công tác đại biểu của Quốc hội (QH) Phạm Minh Tuyên cho rằng, các cơ quan này đã có đổi mới nhất định về cơ cấu tổ chức cũng như về phương thức hoạt động, thực hiện ngày càng tốt hơn các nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Công tác giám sát có trọng tâm, trọng điểm. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương ngày càng thực chất hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích đã đạt được, hoạt động của HĐND và UBND các cấp thời gian qua vẫn còn những hạn chế, bất cập như hiệu quả chỉ đạo, điều hành ở một số địa phương vẫn chưa cao, không kịp thời bám sát sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ… Việc triển khai các chương trình, dự án, nhất là khâu tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế. Quản lý tài nguyên, đất đai yếu kém.
Trong khi đó, trái ngược với tình hình này, hơn một năm rưỡi qua, 10 tỉnh, thành thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường là TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Nam Định, Quảng Trị, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang đều thu về các kết quả khả quan.
"Được là chính"
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng. Theo ông Thắng, trong thời gian thí điểm, hoạt động tiếp công dân tại các huyện đã tăng 17,6%, tại các quận tăng 6,3%; các phường thuộc quận tăng 11%. Số kiến nghị, đề xuất trực tiếp của người dân và doanh nghiệp đến UBND huyện tăng 8,4%, đến UBND quận tăng 6%... Điều tra về giải quyết khiếu nại, tố cáo của UBND huyện, quận, phường thí điểm cũng cho thấy, số đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến UBND huyện, quận, phường trong năm thí điểm đã giảm so với năm trước thí điểm. Trong đó, tại huyện giảm 3,5%, tại quận giảm 7,9%, tại phường giảm 4,5%. Số đơn, thư được giải quyết so với số đơn, thư tiếp nhận cũng đạt tỷ lệ cao hơn so với năm trước thí điểm. Điều này cho thấy việc không tổ chức HĐND không ảnh hưởng đến quyền dân chủ của người dân mà còn tạo thuận lợi hơn cho nhân dân khi tham gia quản lý nhà nước. Việc bỏ HĐND đã tạo đột phá trong CCHC, góp phần tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt rõ sự khác nhau giữa chính quyền đô thị và nông thôn".
Ông Huỳnh Nghĩa - Phó Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cũng cho rằng, bỏ HĐND cấp huyện, quận, phường khiến bộ máy tinh gọn trong khi tính hiệu quả được tăng cường. Khi HĐND TP ra nghị quyết, chỉ một tuần sau đã xuống quận, huyện và chỉ mất một tuần nữa để xuống phường, xã, trong khi trước đây mất cả tháng. Tuy nhiên, điều mà các đại biểu này lưu ý là cần tăng cường thêm người và cơ chế giám sát. Thực tế, trong số 46 vị đại biểu HĐND TP Đà Nẵng hiện nay chỉ có 4 vị hoạt động chuyên trách, còn lại là kiêm nhiệm. Trong điều kiện đó, việc tổ chức triển khai các hoạt động giám sát theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND ở cấp mình đã quá tải. Nay tiếp nhận thêm các nhiệm vụ mới, trong đó có nhiệm vụ rất nặng nề là giám sát các giám sát hoạt động của UBND, TAND, VKSND huyện, quận mà trước đây do HĐND huyện, quận thực hiện thực sự là bài toán không dễ có lời giải hiệu quả. HĐND TP Đà Nẵng dù đã cố gắng khắc phục bằng nhiều cách nhưng kết quả còn hạn chế. Nguyên nhân chính vẫn là do thiếu lực lượng đại biểu chuyên trách để thực hiện thường xuyên các hoạt động giám sát đối với cơ quan này.
Là địa phương thí điểm quy mô lớn nhất cả nước, bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cũng nêu quan điểm: Việc thí điểm chỉ thuận lợi khi các đoàn thể cần tập hợp, xử lý tốt những kiến nghị của người dân và tăng cường công tác giám sát để thể hiện rõ tính dân chủ ở cơ sở. Vai trò này không tổ chức nào khác hơn là Mặt trận Tổ quốc.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Đánh giá nghiêm túc, rút ra những bài học nâng cao hiệu quả hoạt động của HDDND Nhiệm kỳ HĐND và UBND 2004-2011 sắp kết thúc, đất nước ta bước vào một giai đoạn mới, thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và Chiến lược 10 năm 2011-2020 với nhiều thời cơ, thuận lợi, song cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn. Tình hình này đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu cao hơn, quyết liệt hơn của cả hệ thống chính trị và của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Trong đó, các cấp chính quyền địa phương có vai trò và nhiệm vụ hết sức quan trọng. Đó là tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tại địa phương; phát huy vai trò và sức mạnh tổng hợp, sức mạnh của nhân dân ở mỗi địa phương để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Vì vậy, cần đánh giá nghiêm túc công tác kiện toàn và sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực của các cơ quan chuyên môn của HĐND và UBND, đồng thời trao đổi những kinh nghiệm hay, rút ra những bài học thiết thực có thể vận dụng để nâng cao hiệu quả các mặt công tác của HĐND, UBND trong thời gian tới. |