Nhân rộng những điển hình sáng tạo
Công nghệ - Ngày đăng : 08:29, 11/09/2010
Ông Nguyễn Văn Sành ở xã Nam Trung (Nam Sách, Hải Dương) đã nghiên cứu cải tiến thành công máy thái rau, củ, quả các loại, góp phần vào việc phát triển nghề chế biến nông sản. Ảnh: TTXVN |
Giá trị không chỉ bằng tiền
PGS-TS Hồ Uy Liêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam cho biết, không chỉ những giải pháp đoạt giải, các sản phẩm tham gia cuộc thi đều đã mang lại hiệu quả thiết thực, giải quyết nhiều vấn đề KHCN trong sản xuất, cho hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Một trong những giải pháp thành công lớn được nhắc đến gần đây là "Quy trình công nghệ, kỹ thuật ấp nở nhân tạo và nuôi chim yến qua từng giai đoạn phát triển" của tác giả Lê Hữu Hoàng và cộng sự thuộc Công ty Yến sào Khánh Hòa. Thành công của quy trình nêu trên là cơ sở để phát triển nghề nuôi yến nhân tạo, tạo nguồn giống cho các hang yến phát triển mới, mở ra một nghề nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, bảo vệ môi trường sinh thái. Ước tính, mỗi năm giải pháp nêu trên làm lợi cho ngân sách khoảng 50 tỷ đồng.
Đối với bà con nông dân nhiều tỉnh, công trình nghiên cứu "Chọn tạo và phát triển giống sắn KM 140" của tác giả Trần Công Khanh và cộng sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc (Viện KHKT nông nghiệp miền Nam) là "cứu tinh", giúp họ xóa đói, giảm nghèo. Theo đó, KM 140 được lai tạo từ nhiều loại sắn cao sản và có thời gian thu hoạch sau 7-10 tháng gieo trồng, tùy từng vùng địa lý. Loại sắn này cho năng suất củ tươi đạt 33,4 tấn/ha, hàm lượng tinh bột 26,7%, năng suất tinh bột đạt 9,45 tấn/ha.
Đặc biệt, có những hộ nông dân đã đạt năng suất 35-40 tấn/ha trên quy mô đất trồng 2-10ha, cao hơn nhiều so với các giống sắn đang được trồng phổ biến hiện nay. Theo đánh giá của các chuyên gia, KM 140 hiện là giống cho năng suất, chất lượng tốt nhất trong cơ cấu giống sắn của Việt Nam và đã được trồng trên diện tích 30.000ha. KM 140 sinh trưởng và phát triển tốt ở vùng Đông Nam bộ, Trung bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc.
Hội thi STKT toàn quốc lần thứ 11 (2010-2011) đang được tổ chức, dành cho người Việt Nam ở trong nước và nước ngoài, cá nhân người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam, không phân biệt lứa tuổi, thành phần..., có các giải pháp kỹ thuật là kết quả của hoạt động sáng tạo, sáng kiến, cải tiến và ứng dụng KHCN trong hoạt động kinh tế - xã hội được tạo ra và áp dụng tại Việt Nam từ năm 2003 trở lại đây. |
Không chỉ nhà khoa học mới có những công trình nghiên cứu để lại nhiều dấu ấn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhiều người dân đam mê sáng tạo cũng trở thành chủ nhân của những đề tài khoa học thực sự có giá trị. Trong số này có thể kể đến công trình "Hoàn thiện giải pháp kỹ thuật cho máy gặt đập liên hợp" của tác giả Nguyễn Hồng Thiện (tỉnh Tiền Giang). Máy gặt đập do anh Thiện nghiên cứu có xích bằng cao su để tăng khả năng chống lún khi di chuyển trên ruộng lúa lầy lội thay vì xích sắt trước kia. Đặc biệt, giàn cào gạt lúa kiểu guồng gạt được cải tiến, có thể bốc được những cây lúa đổ nghiêng đến 45 độ. Tính năng đặc biệt này giúp giảm việc gặt sót lúa, đồng thời rất hữu dụng trên những ruộng lúa bị mưa gió làm xiêu đổ. Loại máy gặt đập này đang được ưa chuộng nhờ chất lượng vượt trội mà giá chỉ tương đương máy nhập ngoại, chỉ tốn một nửa nhiên liệu so với hàng ngoại nhưng dễ điều khiển... Sản phẩm này cũng được thị trường Campuchia ưa chuộng.
Mô hình cần nhân rộng
PGS-TS Hồ Uy Liêm cho biết thêm, tuy có nhiều kết quả tốt nhưng việc tổ chức Hội thi STKT theo tinh thần Quyết định 165/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về định kỳ tổ chức 2 năm/lần trên phạm vi toàn quốc và tại các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở đâu đó vẫn chưa nghiêm túc. Một số địa phương có điều kiện kinh tế, dân trí khá phát triển vẫn thờ ơ với hoạt động này, tiêu biểu là tỉnh Bắc Ninh. Ngoài ra, PGS Hồ Uy Liêm cho rằng, đã đến lúc Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ (hỗ trợ kinh phí không hoàn lại hoặc cho vay ưu đãi) đối với tác giả của những công trình đoạt giải cao, có khả năng áp dụng rộng rãi trong xã hội. Thực tế, đây chính là khâu yếu nhất trong việc tổ chức Hội thi STKT những năm gần đây.
Theo ông Phạm Văn Sáng (Giám đốc Sở KHCN Đồng Nai), do việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam còn bất cập nên khá nhiều tác giả dự thi STKT gặp khó khăn trong việc xây dựng hồ sơ, đặc biệt là sợ lộ bí mật công nghệ nên chưa hào hứng tham gia dự thi. Trong khi đó, mô hình chung cho việc tổ chức giải thưởng cấp địa phương chưa thống nhất, dẫn đến tình trạng lúng túng trong quá trình triển khai ở nhiều nơi.
Rõ ràng, đất nước đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ nên ngoài đầu tư của Nhà nước cho hoạt động KHCN thì việc phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, sáng tạo trong lao động sản xuất là nhu cầu bức thiết của đất nước cũng như từng địa phương. Những khó khăn, cản trở cần được nhanh chóng giải quyết để phát huy hơn nữa nguồn lực STKT trong cộng đồng.