Hơn 3,2 triệu bài thi: Sáng tạo, công phu và tâm huyết
Xã hội - Ngày đăng : 10:14, 10/09/2010
Tái dựng tuyên Chiếu Dời đô
Ban tổ chức cuộc thi đã khéo chọn chính thời khắc đặc biệt, ngày 10/9, khi chỉ còn đúng 30 ngày nữa Thủ đô Hà Nội và cả nước bước vào Đại lễ 1000 năm Thăng Long, để tổ chức Hội thu bài. Trụ sở TƯ Đoàn TNCS HCM sáng nay ngợp trong cờ hội và trống chiêng rộn rã. Các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam với màn tái dựng lại cảnh tuyên Chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn đã khiến cho không khí của Hội thu thêm thiêng liêng, ý nghĩa.
Có lẽ chưa một cuộc thi nào lại được tổ chức quy mô và trang trọng đến thế. 13 đơn vị, đại diện của 69 tỉnh, thành đoàn và đoàn trực thuộc có số lượng bài dự thi cao nhất đã vinh dự được trao tượng trưng bài dự thi đến Ban tổ chức, Ban giám khảo với những con số hết sức ấn tượng.
Ban tổ chức tiếp nhận tượng trưng bài dự thi của 13 đơn vị
Đồng chí Tô Quang Phán, TBT Báo Hànộimới, Trưởng ban Tổ chức cuộc thi vui mừng thông báo, sau hơn 10 tháng phát động và triển khai, Cuộc thi đã được BTC của 69 tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc triển khai rộng rãi và thu hút 3.273.479 bài dự thi của đoàn viên, thanh thiếu niên và các tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, Hà Nội là đơn vị có số lượng bài dự thi cao nhất, với 728.365 bài, tiếp đó đến Bắc Ninh, Thanh niên Quân đội, Hải Dương, Thanh Hoá, Ninh Bình, Đồng Nai...
Các tác phẩm dự thi đã được trình bày với hình thức rất phong phú, đa dạng, thể hiện sự sáng tạo công phu và tâm huyết của tác giả. Nhiều tác phẩm được chọn lọc để trưng bày trong sáng nay đều là những bài thi hay, độc đáo, ý nghĩa và hấp dẫn. Người xem đã dành sự thán phục khi được chiêm ngưỡng bài dự thi dày nhất, hơn 1000 trang của tác giả Nguyễn Thị Thuỷ, Chi đoàn Đài truyền thanh Thị xã Từ Sơn và tác giả Chu Thị Hồng Ánh, Giáo viên trường THCS Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh.
Đáng quý hơn cả là cụ Vũ Duy Bính, là người cao tuổi nhất, tròn 100 tuổi ở Hà Nội cũng đã tham dự cuộc thi. Còn người nhỏ tuổi nhất là em Ngô Hoàng Khánh văn, lớp 2E, Trường tiểu học Mai Động, Hà Nội và các học sinh lớp 2 trường Tiểu học Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh.
Đ/c Nguyễn Bắc Son, Uỷ viên TƯ Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc thi; Đ/c Ngô Thị Thanh Hằng, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội chiêm ngưỡng các tác phẩm dự thi
Trên tổng số hơn 3 triệu bài dự thi ấy, mỗi bài thi mỗi vẻ, nhưng trội lên hơn cả, gây ấn tượng hơn cả là bài dự thi in trên hình Rồng cao 2,2m, dài 28m của Đoàn Thanh niên Công ty Cavico Việt Nam; bài dự thi của ông Steven Tait người Canada làm trên nón lá; bài dự thi in trên khổ A0 của Đoàn cơ sở Trung đoàn BB38, Quân khu V; bài dự thi được trình bày bằng vật liệu mika, giấy dó với kiểu chữ thư pháp của Cung Thiếu nhi Hà Nội...
Để lựa chọn, trao giải và tôn vinh những bài thi xuất sắc, Ban tổ chức đã mời những nhà khoa học, những chuyên gia giàu kinh nghiệm tham gia Hội đồng Giám khảm và Ban Chấm thi. Đồng chí Nguyễn Bắc Son, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ là chủ tịch Hội đồng giám khảo. GS sử học Lê Văn Lan được mời là Trưởng ban chấm thi. Ban chấm thi sẽ tiến hành ba vòng chấm để chọn ra những bài dự thi xuất sắc nhất trước khi Hội đồng Giám khảo thẩm định và xét giải.
Ông Steven Tait cùng bài dự thi làm trên nón lá
Lễ tổng kết trao giải Cuộc thi chắc chắn sẽ là một sự kiện được tổ chức vô cùng trang trọng, như một món quà đặc biệt ý nghĩa chào mừng Đại lễ.
Bày tỏ cảm xúc về những thành công ban đầu của Cuộc thi, Đồng chí Nguyễn Bắc Son xúc động đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc thi của TƯ Đoàn TNCS HCM và Báo Hà Nội mới. Nếu ban đầu, Ban tổ chức dự kiến cuộc thi chỉ thu hút được khoảng trên 2 triệu bài dự thi thì con số 3,2 triệu bài thu được là thành công ngoài mong đợi.
Thành công này chứng tỏ sức lan toả của cuộc thi rất lớn. Hà Nội không chỉ là của riêng người Hà Nội, mà còn là niềm tin yêu của người dân cả nước.