Thăng Long có lụa Hà Đông...

Xã hội - Ngày đăng : 08:41, 10/09/2010

(HNM) - Còn 30 ngày nữa là Thăng Long - Hà Nội tròn 1000 năm tuổi, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) hối hả, tất bật chuẩn bị sản phẩm lụa truyền thống phục vụ Đại lễ. Nhắc tới Vạn Phúc là nhắc tới những mẫu lụa nổi tiếng xa gần như lụa vân, lụa sa, lụa hoa, gấm, lanh... những sản phẩm làm nên niềm tự hào của người dân nơi đây.

Lụa Vạn Phúc là một trong những món quà không thể thiếu của Hà Nội gửi tới bạn bè trong và ngoài nước khi về dự lễ Thủ đô tròn 1000 năm tuổi.

Vạn Phúc rộn ràng đón khách

Tới thăm Vạn Phúc vào những ngày này, du khách bắt gặp không khí rộn ràng, tấp nập khác những ngày thường. Hơn 800 máy dệt của gần 800 hộ dân trong làng đang sản xuất dồn dập, trong không khí phấn khởi để đem tới du khách những tấm lụa, những mẫu lụa đẹp nhất. Tiếng thoi đưa trong xưởng mỗi gia đình dường như cũng trở lên gấp gáp, bận rộn hơn. Về với Vạn Phúc, người ta thấy cái đẹp hiện lên ở khắp nơi, trong những mảnh lụa mỏng manh nhưng có sức cuốn hút đến lạ kỳ. Đã từ lâu, lụa Vạn Phúc làm nên nét yêu kiều, thướt tha của phái đẹp Hà thành. Khách tham quan đến với phố lụa thật đông, đa dạng, khách trong nước, khách nước ngoài, khách đi lẻ, khách đi theo đoàn đã khiến làng lụa trở nên tươi vui, náo nhiệt. Dọc bờ sông Nhuệ trên hai tuyến phố Cầu Am, các cửa hàng bán lụa tơ tằm luôn đông đúc. Bước qua khu phố vào tới cổng làng du khách sẽ bị choáng ngợp bởi gần 150 cửa hàng kinh doanh các sản phẩm trên tuyến phố giữa làng.

Ảnh internet

Ông Nguyễn Văn Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Vạn Phúc cho biết, Vạn Phúc đang chuẩn bị nhiều hoạt động để chào mừng Đại lễ, tưng bừng nhất là lễ rước thành hoàng làng với 10 làng nghề cùng 1.000 người tham gia, trong đó làng lụa Vạn Phúc có 100 người. Đặc biệt, các nghệ nhân nơi đây sẽ dồn hết tinh hoa dệt lụa trong buổi biểu diễn tay nghề và trưng bày các sản phẩm tại Công viên Bách Thảo, Hà Nội từ ngày 3 đến 8-10. UBND phường Vạn Phúc phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các lớp tập huấn cho trên 100 hộ kinh doanh về giao tiếp, thuyết minh về lịch sử làng nghề.

Gửi du khách hồn đất Thăng Long

Hưởng ứng cuộc thi "Sáng tác mẫu quà tặng thủ công mỹ nghệ chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" do UBND thành phố Hà Nội cùng các cơ quan chức năng tổ chức, các nghệ nhân trong làng đã đem đến hội thi những mẫu lụa độc đáo đầy ý nghĩa. Ông Nguyễn Hữu Chỉnh, một trong ba nghệ nhân nổi tiếng nhất trong làng, đã dồn hết tình yêu sáng tác hai mẫu lụa Hoa Ban và Long Vân dâng lên ngày Đại lễ. Sinh ra trong gia đình có truyền thống dệt lụa, nghệ nhân Chỉnh đã thừa hưởng được những gì tinh túy nhất của làng lụa. Ông nội là cụ Nguyễn Chấp Chung khi xưa chuyên dệt các mặt hàng tơ lụa phục vụ triều đình nhà Nguyễn. Cha ông Chỉnh là Nguyễn Văn Thiệp cũng là một nghệ nhân của làng nghề, chính ông đã thừa hưởng tay nghề từ cha trong việc thiết kế mẫu mã hoa văn trên chất liệu tơ tằm.

Mẫu Hoa Ban của ông Chỉnh đã giành giải nhất của cuộc thi thành phố. Còn mẫu Long Vân cũng đã lọt vào chung khảo cuộc thi "Sáng tạo mẫu thủ công mỹ nghệ tiêu biểu 1000 năm Thăng Long - Hà Nội" do Bộ NN&PTNT tổ chức. Đến thăm nhà nghệ nhân, lụa được bày khắp nhà, đâu đâu cũng thấy lụa với những màu sắc, mẫu mã khác nhau. Khi được hỏi về mẫu lụa Hoa Ban, ông Chỉnh chia sẻ, 20 năm sống ở Tây Bắc, bên những cánh rừng hoa ban trắng đã thôi thúc ông sáng tạo mẫu lụa này. Ông muốn gửi vào tấm lụa Hoa Ban sắc thái văn hóa của một bộ phận dân tộc trong cộng đồng người Việt. Ngắm nhìn những tấm lụa dệt hoa ban, người ta sẽ thấy những bông hoa ban cách điệu với nhiều chiều và nhiều sắc độ khác nhau. Những thủ pháp bắt sáng nhờ thay đổi hiệu ứng giữa sợi đan ngang và dọc đã tạo nên những cánh hoa ban đặc sắc đó.

Nhắc đến lụa Vạn Phúc người ta không thể không nói đến lụa vân, thứ lụa tinh hoa nhất chỉ làng nghề này mới có. Lụa vân là loại lụa mỏng có hoa nổi, hoa chìm; hoa nổi trên mặt lụa thì bóng mịn còn hoa chìm thì phải soi lên ánh sáng mới thấy được. Điều khiến lụa vân lưu tiếng trong dân gian bởi các loại vân lụa này rất tinh xảo. Nét hoa văn trên lụa vân mềm mại, phóng khoáng mà dứt khoát, màu sắc biến ảo lung linh theo các góc nhìn khác nhau. Những tên gọi thanh cao, quý phái như vân tứ quý, vân song hạc, vân hồng điệp… đã gắn liền với tên tuổi làng nghề này. Ý thức được chất lụa quý này, nghệ nhân Nguyễn Hữu Chỉnh lại miệt mài sáng tác mẫu lụa Long Vân với những hình ảnh: rồng bay, Khuê Văn Các và đài sen. Ông Chỉnh cho biết, rồng bay lên chính là hình ảnh của Thăng Long, Khuê Văn Các đại diện cho trí tuệ hiền tài, nguyên khí quốc gia, đài sen tượng trưng cho sự tinh khiết trong sạch của dân tộc Việt Nam. Lụa Long Vân sẽ là sản phẩm hồn cốt Thăng Long 1000 năm trong lòng dân tộc Việt.

Xưởng dệt của cố nghệ nhân Triệu Văn Mão cũng rộn ràng không kém. Gần một chục chiếc máy dệt đang hoạt động hết công suất để kịp hoàn thành 1.000 mét vải lụa mang tên "Lụa Vân ngàn năm Thăng Long" do quận Hà Đông đặt hàng kịp vào thời điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Bà Nguyễn Thị Tâm (con dâu cả của nghệ nhân Triệu Văn Mão) cho biết, mẫu lụa này rất đặc biệt, trên nền lụa dệt vân có hình hai con rồng chầu vào tượng Khuê Văn Các, biểu tượng Thăng Long nghìn năm văn hiến. Bên cạnh đó có chữ Triện và chữ Thọ. Cố nghệ nhân Triệu Văn Mão khi sáng tác mẫu lụa này đã mong muốn gửi đến Đại lễ tình yêu của người thợ dệt trên đất Kinh kỳ.

Đào Huyền