Khát vọng Thăng Long
Xã hội - Ngày đăng : 08:33, 10/09/2010
Thách thức đối với những người thực hiện "Khát vọng Thăng Long" là làm sao cho ra được hồn cốt Việt trong lúc nguồn tư liệu lịch sử còn khá nhiều "vùng trắng". Ấn tượng đầu tiên trong những hình ảnh về phục trang của diễn viên phim "Khát vọng Thăng Long" được công bố mới đây là chất liệu và màu sắc khá nhã nhặn, nghiêng về gam trầm, tạo cảm giác hoài cổ.
Một cảnh trong phim “Khát vọng Thăng Long”. |
Bên cạnh phục trang, phần chọn bối cảnh cũng từng gây sự tranh luận trong đoàn. Quay ở Trung Quốc thì chi phí sẽ giảm nhiều, nhưng người xem chắc chắn sẽ có ấn tượng "phim Trung Quốc" trong một tác phẩm điện ảnh Việt. Giải pháp cuối cùng là quay hoàn toàn trong nước, tận dụng danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử rồi dùng kỹ xảo để ghép lại thành bối cảnh 1000 năm trước. Một vấn đề khác cũng khiến nhiều người băn khoăn, ấy là kịch bản "Khát vọng Thăng Long" do một Việt kiều viết, liệu có đủ độ sâu đằm rất cần phải có trong tác phẩm ý nghĩa này? Tuy thế, theo ý kiến của một nhà sử học tại cuộc giới thiệu tiến độ phim vừa qua thì không nên đặt vấn đề Việt kiều ở đây, nhất là trong bầu không khí không chỉ cả nước mà cả triệu tấm lòng người Việt đều đang hướng về Hà Nội. Điều quan trọng nhất là kịch bản đó phải toát lên tinh thần Việt, nhất là thông điệp về khát vọng Thăng Long cháy bỏng - khát vọng hòa bình ngàn đời của dân tộc, hội tụ ở đất Rồng bay.
Cho đến nay, nhà sản xuất vẫn chưa công bố chi tiết về tài chính cần có cho bộ phim này, nhưng những thông tin "bên lề" mới đây cho thấy khoản tiền cần có đã tăng ít nhất 3 lần so với dự kiến ban đầu. Nguồn lực xã hội hóa cũng là một đặc điểm đáng ghi nhận của nhiều phim lịch sử hướng tới Đại lễ. Trong buổi chiếu "Tây Sơn hào kiệt" của đạo diễn Lý Huỳnh vừa qua, nhiều nhà làm phim tên tuổi như Hải Ninh, Bạch Diệp… đã có mặt, ghi nhận tấm lòng, nỗ lực của một hãng phim tư nhân.
Nói về việc tham gia "Khát vọng Thăng Long" và chuyện không nhận cát sê trong phim này, diễn viên Ngô Mỹ Uyên chia sẻ với báo giới rằng cảm giác được làm một bộ phim lịch sử nước nhà, bên cạnh những đồng nghiệp Việt Nam thật đặc biệt, điều mà ở nước ngoài không thể có được dù là làm việc với một ê kíp chuyên nghiệp của Hollywood. Cô cho rằng, tuy chưa thể nói trước nhưng việc tập luyện cả tháng trời cho một cảnh quay vỏn vẹn 30 giây, cũng như việc chuẩn bị kỹ trong suốt khoảng thời gian dài trước lúc bấm máy có thể đưa đến dự báo về thành công của phim.
Đoàn phim cũng lưu truyền một câu chuyện xúc động về một diễn viên quần chúng, cụ bà 85 tuổi với câu nói giản dị trước cảnh quay được thực hiện vào lúc 3 giờ sáng: "1000 năm mới có một lần. Người Việt ở nước ngoài còn về góp sức, huống hồ là người ở trong nước. Đây không chỉ là khát vọng Thăng Long mà còn là khát vọng của những tấm lòng hướng về Hà Nội".