Người lao động chưa nhất trí về các chế độ nghỉ việc
Đời sống - Ngày đăng : 07:14, 09/09/2010
Bà Nguyễn Thị Tân - Chủ tịch Công đoàn công ty cho biết, Công ty TNHH Dệt 8-3 phải thực hiện việc di dời theo chủ trương của thành phố Hà Nội đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Công ty đã xây dựng phương án chuyển về 3 địa điểm mới là Phú Xuyên (Hà Nội), Yên Mỹ và Phố Nối (Hưng Yên).
Ngày 25-8-2010, công ty đã có văn bản số 159/TCHC hướng dẫn các bước khi sắp xếp lại sản xuất và giải quyết các chế độ, quyền lợi của NLĐ khi di dời. Cụ thể: Toàn bộ CBCNVC-LĐ sẽ được hưởng lương ngừng việc khi đơn vị tạm dừng sản xuất, kinh doanh để di dời máy móc, thiết bị đến địa điểm mới. Những người đăng ký đi theo nhà máy sang địa điểm làm việc mới sẽ được hưởng lương ngừng việc trong 6 tháng. Những người không đi theo sang địa điểm mới chỉ được hưởng lương ngừng việc 3 tháng. Trong thời gian hưởng lương ngừng việc, công ty sẽ hỗ trợ 21,5% đối với các khoản BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho những lao động đăng ký tiếp tục làm việc tại địa điểm mới. Số lao động không đăng ký tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp tại địa điểm mới sẽ chỉ được hỗ trợ 4,5% trong 3 tháng. Những trường hợp thôi việc, công ty sẽ làm thủ tục trợ cấp thôi việc theo Luật LĐ.
Theo tập thể NLĐ, Công ty TNHH Dệt 8-3 được xây dựng từ năm 1960 và có nhiều thế hệ lao động, nhiều gia đình có đến 3 thế hệ làm việc tại công ty. Nay công ty chuyển về địa điểm mới, NLĐ đều chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương. Song, NLĐ cũng gặp quá nhiều khó khăn khi các địa điểm di dời quá xa. Gần nhất là xí nghiệp sợi về Phú Xuyên cũng 40km, nếu cả đi và về thì mỗi ngày họ phải đi 80km.
Với những khó khăn này, đa số NLĐ cho rằng, Công ty Dệt 8-3 cần có phương án hỗ trợ nghỉ việc công bằng hơn cũng như cần có chế độ hỗ trợ tốt hơn để họ có khả năng đi theo xưởng sản xuất hoặc tìm một công việc phù hợp với khả năng và phù hợp với vùng địa lý.