Bưu điện Hà Nội: Chú trọng đầu tư, ứng dụng CNTT

Kinh tế - Ngày đăng : 07:24, 08/09/2010

(HNM) - Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ hoạt động điều hành, sản xuất đã và đang được các doanh nghiệp ngày càng chú trọng, bởi đây được coi là giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh. Trong những năm gần đây, Bưu điện Hà Nội đã đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này.


Ngành bưu chính hiện nay vẫn được coi là ngành sử dụng nhiều lao động, trong đó có không ít là lao động thủ công và là lực lượng không thể thiếu tham gia vào một số quy trình sản xuất. Do vậy, việc ứng dụng CNTT không phải là điều có thể làm ngay một lúc và đồng bộ. Ngay cả khi Bưu điện Hà Nội áp dụng hệ thống chia chọn tự động - một công nghệ phân loại bưu kiện, hàng hóa tự động tiên tiến được nhiều nước phát triển áp dụng, thì việc thực hiện cũng không đơn giản. Trước hết, để thực hiện dịch vụ này, người gửi bưu phẩm phải mua hộp tiêu chuẩn (do bưu điện cung cấp) có các ký hiệu phân loại vùng, miền... nhưng không phải khách hàng nào cũng thực hiện. Đôi khi, tiền không phải là lý do quan trọng khiến khách hàng bỏ tiền thêm, do thói quen tiêu dùng đã định hình nhiều năm nên không phải khách hàng nào cũng sẵn sàng chọn giải pháp mới này. Thành ra, đầu tư cho công nghệ mới, nhưng ít khi nó hoạt động hết công suất... Nhưng, không thể vì các yếu tố như kể trên mà bỏ qua khâu ứng dụng CNTT, vì đó chỉ là một số công đoạn của một lĩnh vực kinh doanh. Trong khi đơn vị có một hệ thống bưu cục trải rộng khắp, phải làm sao để việc kinh doanh này có hiệu quả. Câu hỏi này thôi thúc lãnh đạo đơn vị đến quyết định phải đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT nhằm tối ưu hóa, rút ngắn quy trình cung cấp dịch vụ tại các bưu cục. Kết quả, hơn 70% quy trình cung cấp dịch vụ bưu chính tại bưu cục, trong đó hầu hết dịch vụ chủ yếu đã được tin học hóa. Nếu như thời điểm năm 2006, mạng tin học của Bưu điện Hà Nội mới kết nối tới các bưu điện trung tâm và phần mềm tin học mới được ứng dụng cho một số ít dịch vụ như EMS, chuyển tiền, phát hành báo chí thì đến năm 2009, đơn vị đã lắp đặt mạng máy tính tới từng bưu cục, đồng thời triển khai nhiều phần mềm ứng dụng cho các dịch vụ như: EMS 2006, CT 2003, BK 2007, VEpress...

Song song với đầu tư CNTT cho quy trình sản xuất tại các bưu cục, Bưu điện Hà Nội cũng ứng dụng mạnh CNTT trong việc điều hành bằng cách chuyển dần hoạt động hành chính lên mạng, giảm thiểu hội họp, tiết kiệm thời gian và chi phí... Tuy nhiên, do đây là ngành có nhiều lao động với đặc điểm là trình độ không đồng đều, không ít là lao động phổ thông nên đã bộc lộ tồn tại cho việc ứng dụng CNTT. Để khắc phục, lãnh đạo Bưu điện Hà Nội cho biết, bên cạnh việc tập trung đầu tư xây dựng mạng lưới bưu chính với trang thiết bị hiện đại, tự động hóa, ứng dụng CNTT trong khâu tiếp thị bán hàng, đơn vị chú trọng đào tạo, nâng cao trình độ ứng dụng CNTT cho đội ngũ CBCNV, góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Châu Anh