Rệu rã xe buýt
Đời sống - Ngày đăng : 07:22, 08/09/2010
Thiếu tiền
Sau 8 năm hoạt động, hành khách đi xe buýt bắt đầu ngán ngẩm bởi chất lượng ngày càng đi xuống mà không được nâng cấp sửa chữa. Anh Nguyễn Văn Thành, hành khách thường đi xe buýt tuyến Củ Chi - chợ Bến Thành than thở, có những hôm gặp chiếc xe chẳng khác nào ngồi trên máy cày, khói mù mịt, máy lạnh bị hỏng, xe kêu răng rắc như sắp bị gãy...
Nhiều xe buýt đã xuống cấp nhưng không có tiền sửa chữa. |
Ông Phùng Đăng Hải - Tổng GĐ Liên hiệp HTX vận tải TP cho biết, một số xã viên đang rất lo lắng khi xe của mình đã xuống cấp nhưng không có tiền sửa chữa. Điều thật sự lo ngại là nhiều xe vào giai đoạn hư hỏng nặng rất cần phải sửa chữa lớn, nhưng nhiều đơn vị vận tải, cá nhân lại không có khả năng nâng cấp. Đến nay nhiều xã viên vẫn còn nợ khoảng 30% tiền vay đầu tư phương tiện chưa trả hết, trong khi sự biến động của giá nhiên liệu đã ảnh hưởng khá lớn đến hoạt động của xe buýt thời gian vừa qua. Hiện tại, liên hiệp HTX của ông Hải đang quản lý 800 xe buýt của các xã viên, trong đó có cả dự án 1.318 xe buýt do Nhà nước hỗ trợ lãi vay trong 10 năm, đều đã đến thời kỳ cần phải… đại tu!
Từ năm 2002, sau nhiều vụ xe buýt cũ nát "trôi tự do" gây ra các vụ tai nạn thương tâm thì vấn đề này mới thật sự được quan tâm. Dự án đầu tư mới 1.318 xe buýt do UBND TP ban hành cũng bắt đầu được thực hiện từ đó. Tuy nhiên, sau 8 năm hoạt động những chiếc xe buýt mới tinh ngày nào, giờ chất lượng ngày càng xuống đi trông thấy. Mục nát và rệu rã, không ít xe buýt không có tiền sửa chữa đang chờ ngày "khai tử" trong khi "khổ chủ" của nó vẫn chưa trả hết nợ vay ngân hàng. Nếu TP không sớm có những chính sách, cơ chế hỗ trợ khuyến khích đầu tư, nâng cấp phương tiện, nhiều khả năng sẽ lặp lại tình trạng khủng hoảng thiếu xe mới thay thế như đã từng xảy ra cách đây… 8 năm!
Thiếu bãi đậu
Đến nay TP Hồ Chí Minh vẫn chưa có một hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn như tàu điện ngầm, xe điện mặt đất, xe điện trên cao… hoàn chỉnh, thì xe buýt vẫn giữ một vai trò chủ lực trong việc giải quyết bài toán giao thông công cộng ít nhất 5-10 năm tới. Thế nhưng hiện nay, hầu hết các bến bãi cho xe buýt đều nằm tạm ven đường hoặc trước các khu công nghiệp. Còn tại các địa điểm vui chơi, sinh hoạt công cộng thì xe buýt phải đậu chờ khách chen với xe khách. Như ở khu vực Suối Tiên, quận Thủ Đức, nơi những ngày cao điểm có hàng chục ngàn lượt hành khách tham quan nhưng xe phải đậu lấn vào phần đường dốc trước cổng khu du lịch.
Sau 8 năm với hàng ngàn tỷ đồng hỗ trợ, TP đã có trên 3.434 xe chạy 270 tuyến nhưng mới chỉ có vẻn vẹn 3 bến xe buýt. Trong khi đó từ năm 2007, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 101/QĐ-TTg, trong đó quy định rõ về diện tích đất dành cho 30 bến bãi vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh là 1.146ha; nhưng đến nay các sở, ngành chỉ mới sắp xếp được 28ha! Nguyên nhân là mặt bằng cho các tuyến xe, bến bãi, trạm trung chuyển vẫn thiếu sự chỉ đạo nhất quán của chính quyền địa phương, đặc biệt là các quận, huyện vẫn chưa thực hiện nghiêm túc. Từ năm 2002, Sở GTVT đã đề nghị quy hoạch 22 bến bãi cho xe buýt. Thế nhưng các quận, huyện đã lấy đất dự kiến làm bãi đậu xe sử dụng vào việc khác. Như bến Văn Thánh (quận Bình Thạnh) gần 4.000m2 đang bị giải tỏa để xây trung tâm thương mại; bến Tân Thuận (quận 7) rộng 5.000m2 bị lấy làm công viên; nhiều bến khác bị nhà dân lấn chiếm.
Theo ông Lê Hải Phong, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng: Nếu muốn có mạng lưới xe buýt hoàn thiện để nâng cao khả năng phục vụ người dân thì phải xây dựng được mạng lưới các trạm trung chuyển phù hợp. Mục tiêu của thành phố là thu hút lượng khách đi xe buýt càng nhiều càng tốt, nhằm hạn chế dần việc sử dụng phương tiện xe cá nhân. Thế nhưng, với tình trạng xe thì xuống cấp còn bãi đậu tạm bợ làm cho "bộ mặt" xe buýt càng trở nên xấu xí, rất khó thu hút người dân lên xe.