Thuốc lá - “kẻ thù giấu mặt” của phụ nữ
Xã hội - Ngày đăng : 07:09, 08/09/2010
Gia tăng tử vong do thuốc lá ở phụ nữ
Cứ 8 giây lại có một người chết do hút thuốc lá. Đây là con số cảnh báo dễ hiểu nhất đến những người đang hút thuốc về tác hại của việc hút thuốc lá. Điều đáng nói là trong số trên 5 triệu ca tử vong hằng năm do thuốc lá, xấp xỉ 1,5 triệu ca là nữ giới. Nếu các biện pháp hiệu quả không được áp dụng từ hôm nay thì ước tính số tử vong do thuốc lá sẽ tăng lên hơn 8 triệu ca vào năm 2030 và khoảng 2,5 triệu ca trong số này sẽ là nữ giới; 3/4 số ca tử vong ở nữ giới sẽ xảy ra tại những nước có thu nhập thấp và trung bình, những quốc gia ít có khả năng nhất để đối phó với những mất mát này. Nguy cơ cao mắc nhiều loại ung thư như ung thư phổi, miệng, họng, thực quản, thanh quản, bàng quang, lá lách, thận, cổ tử cung và có thể cả ung thư vú tiền mãn kinh của phụ nữ không chỉ đến từ việc họ hút hay nhai thuốc lá mà chủ yếu là do họ hít phải (phơi nhiễm với) khói thuốc của nam giới - gọi là "hút thuốc thụ động". Tính trên toàn cầu, trong 600.000 ca tử vong hằng năm do hút thuốc thụ động, khoảng 64% là nữ giới.
Theo điều tra của Khoa Y tế công cộng ĐH Y Hà Nội, 78% người hút thuốc thường hút trong nhà và nơi làm việc. Ảnh: Như Ý |
Riêng với phụ nữ mang thai hút thuốc hoặc luôn phải sống trong môi trường có khói thuốc thì đặc biệt nguy hại: tăng nguy cơ thai chết lưu do thuốc, gây các biến chứng ở rau thai và làm thai nhi phát triển chậm trong tử cung. Ở người mẹ hút thuốc, nguy cơ sinh ra trẻ ít cân cũng cao gấp từ 3,4 đến 4 lần ở bà mẹ không hút thuốc. Những phụ nữ hút thuốc trên 1 bao/ngày khi mang thai thì nguy cơ con bị dị tật bẩm sinh cao gấp 1,6-2,3 lần. Người mẹ hút thuốc lá khi mang thai còn ảnh hưởng lâu dài sau thời kỳ sinh con. Con của những người này thường gặp khó khăn trong nhận thức, bị rối loạn hành vi và giảm khả năng học tập ở trường. Tỷ lệ chậm phát triển trí tuệ tăng hơn 50% so với người không hút thuốc khi mang thai và tăng lên 70% ở những bà mẹ hút từ 1 bao/ngày trở lên. Đây là những con số rất đáng báo động và đã được chứng minh rõ ràng qua nhiều nghiên cứu khoa học.
Phụ nữ được quyền bảo vệ khỏi tác hại của thuốc lá
Theo nhận định của Tổ chức Y tế thế giới, những lý do mà phụ nữ bắt đầu hút thuốc lá thường khác với lý do của nam giới. Ngành công nghiệp thuốc lá từ xưa đến nay thường làm phụ nữ hiểu sai rằng, hút thuốc lá là biểu hiện của tự do và cũng có nhiều phụ nữ tin rằng hút thuốc là một biện pháp để giảm cân, giữ dáng. Từ cơ sở này, ngành công nghiệp thuốc lá luôn nỗ lực tìm kiếm những khách hàng mới - chính là những đối tượng phụ nữ trên để thay thế cho những khách hàng "truyền thống" - nam giới đã bỏ thuốc hoặc chết sớm vì các bệnh do hút thuốc như ung thư, tim mạch, đột qụy (số này chiếm khoảng một nửa những người hút thuốc thường xuyên).
Thời điểm hiện tại, mặc dù tỷ lệ phụ nữ sử dụng thuốc lá (kể cả thuốc hút và thuốc nhai) còn khá thấp (tại Việt Nam, khoảng 50% nam giới và 2% nữ giới trưởng thành hút thuốc), nhưng tỷ lệ này cũng đang tăng đáng kể so với vài năm trước đây. Vì thế, ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, đã đưa ra lời kêu gọi chính phủ, các tổ chức xã hội cần quan tâm hơn nữa đến những nhu cầu cụ thể của cả nam giới và nữ giới trong việc xây dựng các chiến lược kiểm soát thuốc lá; hỗ trợ việc thông tin cho phụ nữ biết về nguy cơ của hút thuốc và những chiêu thức "câu khách" của ngành công nghiệp thuốc lá nhằm lôi cuốn họ vào hút thuốc. Chung tay với chính phủ, mọi người trong cộng đồng cũng phải cùng nhau lên tiếng để làm cho nam giới nhận thức rõ hơn về những tác hại của việc hút thuốc lá thụ động mà họ gây ra cho phụ nữ, trẻ em, những người sống và làm việc cùng họ. Riêng đối tượng nữ giới, vì sức khỏe của mình và con mình, hãy vận động mạnh mẽ cho việc thực hiện quyền của phụ nữ là được bảo vệ khỏi tác hại của thuốc lá.
Kết quả nghiên cứu tình hình hút thuốc lá tại Việt Nam * 78% người hút thuốc thường hút trong nhà tại gia đình và nơi làm việc (điều tra của Khoa Y tế công cộng ĐH Y Hà Nội. 2005). * 2/3 phụ nữ thường xuyên phải hút thuốc thụ động tại nhà và nơi công cộng (nghiên cứu của Health Bridge. 2002). * Hơn 60% học sinh độ tuổi từ 13-15 thường xuyên phải hút thuốc thụ động tại nhà và nơi công cộng (điều tra năm 2007). * Phí tổn y tế và giảm năng suất lao động do 3 căn bệnh có liên quan đến hút thuốc lá gây ra khoảng trên 1.160 tỷ đồng mỗi năm (nghiên cứu của ĐH Y tế công cộng. 2006). |