Hành trình cô đơn của môn khoa học phương pháp luận sáng tạo
Xe++ - Ngày đăng : 09:53, 09/11/2003
Phương pháp luận sáng tạo (PPLST) đã được truyền bá vào Việt Nam trước người Mỹ 14 năm, người Pháp 19 năm, người Nhật 20 năm... nhưng đến nay vẫn là quá mới. Hai người thầy truyền bá môn khoa học mang tính sáng tạo này vào Việt Nam là Giáo sư, Tiến sĩ vật lý thực nghiệm Phan Dũng và Kỹ sư Dương Xuân Bảo, với giáo án gồm 60 tiết được công nhận là tốt nhất thế giới, suốt 26 năm qua cũng mới chỉ giảng dạy được cho 15.000 học viên.
Vốn kiến thức "độc" học bên trời Nga của hai "ông vua sáng tạo"
PPLST theo quan niệm hiện đại trên thế giới là một môn khoa học cơ bản. Nó được phát triển từ Lý thuyết giải các bài toán sáng chế (viết tắt theo tiếng Nga là TRIZ) của Genrick Saulovic Altshuller (1926-1998). Ông là người gốc Do Thái, sinh tại Tashkent, Uzbekistan. Năm 14 tuổi, ông đã có vài bằng chứng nhận sáng chế. Năm 1971, Hội Các nhà sáng chế Liên Xô thành lập Đại học Sáng chế nhằm đào tạo các nhà sáng chế chuyên nghiệp, các nhà nghiên cứu giảng dạy PPLST và các nhà tổ chức hoạt động sáng tạo, sáng chế. Họ chiêu sinh chủ yếu là những người đã tốt nghiệp đại học, có thành tích sáng tạo trong công tác. Trong hai khóa học, trường đã nhận 6 sinh viên Việt Nam đang theo học ở Liên Xô (cũ) vào học như một ngoại lệ. Song khi về nước, chỉ có hai trong số họ truyền bá môn học này vào Việt Nam. Đó là thầy Phan Dũng - Tiến sĩ Vật lý thực nghiệm đầu tiên của Việt Nam (khóa 1971-1973) và thầy Dương Xuân Bảo - Kỹ sư Vật lý điện tử bán dẫn (khóa 1973-1975). Giáo sư, Tiến sĩ Phan Dũng trở thành một trong những học trò đầu tiên của ông Altshuller - người sáng tạo ra TRIZ. Sau này, trong hơn 20 năm giảng dạy TRIZ ở Việt Nam, thầy vẫn trao đổi thư từ và tài liệu quý với ông Altshuller cho đến khi ông mất. Thầy Phan Dũng bắt đầu giảng dạy PPLST ngay từ năm 1977, còn thầy Dương Xuân Bảo dạy từ năm 1987. Ban đầu, hai thầy dạy PPLST cho nhân viên Công ty Xi-măng Bỉm Sơn, Viện Công nghệ thực phẩm, chuyên viên Bộ KHCNMT, Công ty Unilever Việt Nam... Sau đó mới mở lớp chiêu sinh rộng rãi. Hai trung tâm nghiên cứu và giảng dạy PPLST đã được mở đồng thời tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vào năm 1991. Tính đến nay, thầy Phan Dũng đã giảng dạy được hơn 210 khóa tại phía nam, thầy Dương Xuân Bảo dạy được 40 khóa tại phía bắc.
Lớp PPLST chiêu sinh tự do dành cho người có trình độ từ phổ thông trung học trở lên. Các học viên sẽ được học 40 thuật sáng tạo và các quy luật phát triển khách quan thuộc TRIZ. Tuy vậy, TRIZ không phải là lời giải cho những bài toán hóc búa hay một dạng toán học cao cấp như nhiều người đã hình dung, mà được dành cho tất cả mọi người và hướng đến giải quyết những vấn đề trong thực tế. Có thể hình dung một cách đơn giản về môn PPLST như sau: Khi đứng trước một vấn đề cần ra quyết định trong đời sống, người ta thường rơi vào hai tình huống, hoặc là không biết cách đạt được mục đích, hoặc là không biết cách tối ưu để đạt được mục đích trong một số cách đã chọn. Vì thế, người ta thường chấp nhận thử và sai, mò mẫm tìm cách giải quyết. Người Việt Nam lại thường có tâm lý "thua keo này ta bày keo khác". PPLST giúp người ta nhanh chóng tìm ra con đường ngắn nhất để đạt được mục đích dựa trên các quy luật phát triển của tư duy và khoa học.
Tại sao một môn khoa học cơ bản đã tồn tại ở Việt Nam 26 năm vẫn là... quá mới?
Ngay từ năm 1977, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Dũng đã đề cập với một vị cán bộ lãnh đạo khoa học rằng: "Nếu tôi được đầu tư và cho vay vốn (quy ra tiền bây giờ khoảng 1 tỷ đồng) cho 6 người đã theo học PPLST, thì tôi xin hứa, chúng ta sẽ có bộ mặt riêng về lĩnh vực này. Sau 20 năm nữa trình độ của chúng ta sẽ tương đương không thua kém so với thế giới". Song ý tưởng "táo bạo này của ông đã bị từ chối. Sau đó Giáo sư, Tiến sĩ Phan Dũng liên tiếp đề cập vấn đề này với ba vị bộ trưởng Bộ Giáo dục ở những thời kỳ khác nhau. Ông đã gửi đi hàng chục kg tài liệu báo cáo về môn học và hoạt động của trung tâm, nhưng câu trả lời vẫn là sự im lặng, hoặc vấn đề còn quá mới. Mới đây, ông là một trong hai đại biểu duy nhất đến từ nước đang phát triển (Việt Nam và Mexico) tại Hội nghị quốc tế về Đổi mới và sáng tạo năm 2001 (TRIZCON) tổ chức tại Mỹ. Điều đáng nói là ông được mời làm báo cáo viên chính. Đề tài Tư duy sáng tạo và giảng dạy tư duy sáng tạo cho mọi người được đại biểu đến từ các nước phát triển, trong đó có nhiều nhà khoa học hàng đầu thế giới hoan nghênh.
Trong khi TRIZ đang "giậm chân tại chỗ" ở Việt Nam thì trên thế giới đã tiến được những bước rất dài. Mỹ mới du nhập TRIZ từ năm 1991, nhưng họ đã nhanh chóng nhận thấy "đây là công nghệ mới mang tính cách mạng" và chỉ chưa đầy 10 năm đi học TRIZ, họ lôi kéo các chuyên gia TRIZ của Liên Xô (cũ), dịch tài liệu từ tiếng Nga sang tiếng Anh, xuất bản các tạp chí chuyên ngành, thành lập Viện TRIZ ở California, Viện Altshuller ở Massachusetts, thành lập Đại học TRIZ và giảng dạy cho các nhân viên của mình. Thập niên 80 thế kỷ 20, hàng trăm thành phố ở Liên Xô mở trường, trung tâm, câu lạc bộ giảng dạy TRIZ. Rất nhiều nước trên thế giới đã và đang du nhập TRIZ như Nhật Bản, Pháp, Anh, Đức, Thụy Điển, Tây Ban Nha, lsrael, Phần Lan, Hà Lan, Mexico, Hàn Quốc,... Hiện nay, danh sách các công ty sử dụng TRIZ để giải quyết các vấn đề của mình ngày càng dài như: Ford, Boeing, BMW, Kodak, Motorola, Siemens, Air Force, 3M. General Motors,...
Phần lớn số người theo học PPLST tại Việt Nam đang là học sinh, sinh viên. Nhiều người trong số họ đã giành được các giải cao nhất trong những cuộc thi Câu đố doanh nghiệp, Ý tưởng kinh doanh sáng tạo, Lập dự án khởi nghiệp,... được tổ chức gần đây có lẽ đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên (!). Trong đó, bạn Bùi Xuân Lộc, theo học PPLST khóa 10 tại Hà Nội khi mới 15 tuổi, đã đạt Huy chương vàng cùng nhóm tác giả công trình "Hệ thống tách tinh dầu tự động", trong Triển lãm quốc tế về sáng tạo cho học sinh, tổ chức tại Hàn Quốc tháng 7-2003, cho biết. Sau khóa học, điều cụ thể nhất mà bạn thu được là không còn cảm thấy sợ, bất ngờ trước những vấn đề khó khăn, cần cù và sáng tạo ắt sẽ tìm ra giải pháp. Đa số các học viên đều thừa nhận PPLST rất hữu ích và mới mẻ đối với tư duy của họ, song một số học viên còn lúng túng trong việc áp dụng chúng vào thực tế công việc và đời sống.
Sau rất nhiều nỗ lực không thành, Giáo sư, Tiến sĩ Phan Dũng tâm sự rằng, nhiều lúc ông cảm thấy cô đơn và mệt mỏi. Ông cho biết: "Chúng tôi vẫn phải làm việc cần làm theo cách của mình". Hai trung tâm PPLST được mở là minh chứng cho cách làm này. Đầu tư cho PPLST theo ông là rất thiết thực và "rẻ". Thiết thực vì ai cũng phải suy nghĩ, cũng có vấn đề cần giải quyết. Rẻ vì ở các nước phát triển người ta phải học TRIZ với giá 500USD/ngày, ở TP Hồ Chí Minh chỉ có 420.000 đồng/khóa, còn ở Hà Nội là 320.000 đồng/khóa. Rẻ còn vì một lý do quan trọng hơn là nguồn lợi từ tư duy sáng tạo. Tuy nhiên, vấn đề đào tạo giảng viên kế tiếp đang rất khó khăn. Theo ông, đào tạo giảng viên PPLST khó ở chỗ, đây là môn khoa học tổng hợp, đòi hỏi ở người thầy lượng kiến thức phong phú, trong khi hầu hết các môn khoa học khác, giảng viên chỉ được đào tạo sâu ở một chuyên ngành. Giáo sư, Tiến sĩ Phan Dũng đã có ba giảng viên thay thế, còn Kỹ sư Dương Xuân Bảo chỉ có một số trợ giảng. Hằng năm, thầy Phan Dũng có bài đăng đều đặn trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trên thế giới ông "tâm sự" được nhiều hơn với bạn bè trên thế giới những vấn đề mà trong nước ông cảm thấy cô đơn. Thầy Dương Xuân Bảo với cửa hiệu kính gương nhỏ "vợ nuôi" trên đường Trần Nhân Tông đang lo vốn kiến thức quý báu được học cách đây hơn 20 năm bên trời Nga sẽ mai một dần. Giáo án giảng dạy TRIZ gồm 60 tiết của Giáo sư, Tiến sĩ Phan Dũng được TRIZCON 2001 công nhận là đầy đủ và tốt nhất thế giới. Song tại Việt Nam, giáo án của ông có lẽ chỉ được khoảng 15.000 học viên biết đến (!).
Xin được lấy lời của Giáo sư, Tiến sĩ Phan Dũng sau chuyến đi giảng PPLST ở Bộ Giáo dục Malaysia thay cho lời kết của bài viết này: "Bây giờ mình sang dạy PPLST, nhưng với đà này trong tương lai họ sẽ sang dạy lại mình hoặc mình phải sang học lại họ".
Theo An ninh thế giới