Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện - tấm gương sáng cho thế hệ mai sau

Xã hội - Ngày đăng : 10:15, 07/09/2010

(HNMO) - Có một câu chuyện xưa đáng khâm phục về bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, người đã quyết tử ở lại cầm súng chống Pháp, bảo vệ Thủ đô và đã anh dũng hy sinh ngay trong đêm 19/12/1946 cùng 2 người con trai (lúc đó là tự vệ thành).


Bằng Tổ Quốc ghi công cho liệt sĩ Nguyễn Văn Luyện


Theo hồi ký còn giữ lại được của cố GS. Nguyễn Xiển, nguyên Tổng thư ký Đảng Xã hội, nguyên Phó chủ tịch UBTV Quốc hội Việt Nam, trận chiến bảo vệ Thủ đô ngày 19/12/1946 diễn ra rất ác liệt với nhiều thương vong. Giặc Pháp điên cuồng truy lùng những cán bộ lãnh đạo của chính quyền cách mạng non trẻ. Buổi đêm, giặc đưa quân tới bắt bác sĩ Nguyễn Văn Luyện (một trong những đại biểu QH đầu tiên của Việt Nam lúc đó) trong ngôi nhà riêng của ông tại 65 phố Lý Thường Kiệt. Không chịu đầu hàng, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện đã cùng 2 người con trai cầm súng chiến đấu tới hơi thở cuối cùng và đã ngã xuống vì Thủ đô…


Bàn thờ bác sĩ Nguyễn Văn Luyện tại 45 Hàm Long


Đến nay vẫn còn những bằng chứng ghi công liệt sĩ của 3 cha con bác sĩ Nguyễn Văn Luyện trong cuộc chiến tranh chống Pháp. Riêng bác sĩ Nguyễn Văn Luyện được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến Hạng Nhất. Theo ông Nguyễn Quý Chất (68 tuổi, cháu gọi ông Luyện bằng bác), những ngày cuối năm 1946, tình hình ở Hà Nội căng thẳng với những hành động gây hấn liên tục của thực dân Pháp. Trong bối cảnh nguy cấp đó nhiều người đã khuyên bác sĩ nên đi sơ tán, nhưng bác sĩ cùng 2 cậu con trai đã quyết định ở lại chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Chỉ có vợ ông là bà Phùng Thị Thược cùng 3 cô con gái đi tản cư…Ngoài 3 cha con bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, trong đêm định mệnh đó còn có thêm người em vợ ông cũng hy sinh trong ngôi nhà 65 Lý Thường Kiệt. 


Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện sinh ngày 30 tháng 4 năm 1898, trong một gia đình nhà nho tại Bắc Ninh. Năm 24 tuổi, ông vào học trường Y Đông Dương (Hà Nội). Sau 4 năm học tại đây, ông đã đạt thành tích xuất sắc và được cấp học bổng sang học ở Pháp. Năm 1928, ông hoàn thành luận án bác sĩ với đề tài: “Nghiên cứu y học xã hội về tử vong của trẻ sơ sinh” (Etude médico-sociale de la mortalité des enfants du primiers age). Ngoài những cơ sở khoa học, xã hội học có logic, bản luận văn của vị bác sĩ Nguyễn Văn Luyện hồi đó còn toát lên nỗi đau một dân tộc nghèo khổ, lạc hậu, nơi rất nhiều trẻ em mới sinh ra đã không được chăm sóc đầy đủ nên đã phải chết một cách oan uổng. Ông cũng kêu gọi cộng đồng xã hội, chính quyền hãy chú trọng tới sự nghiệp vì trẻ em, chống lại cái họa tử vong cao ở trẻ em, đặc biệt là ở lứa tuổi sơ sinh…

Về nước, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện vẫn tâm nguyện với sự nghiệp cứu giúp, bảo vệ trẻ em. Ông đã từng đi tới các vùng núi xa xôi như Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái… để khám, chữa bệnh cho người nghèo. Sau này, ông đã quyết định không làm cho Pháp, mở nhà thương tư ở 167 Phùng Hưng (Hà Nội) để hỗ trợ người nghèo, khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, đồng thời viết báo, tuyên truyền kiến thức y học rộng rãi, nâng cao kiến thức bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng. Đặc biệt, cuốn “Sản dục chỉ nam” (hướng dẫn cách chăm sóc bà mẹ và trẻ sơ sinh) của ông được in ấn, tái bản nhiều lần, có tác dụng rộng rãi trong nhiều cộng đồng dân cư. Ngoài ra, vợ chồng ông đã mua ngôi nhà ở 15 Hồ Xuân Hương với mục đích định mở trường tư thục Lam Sơn, giúp con em người nghèo mở mang dân trí. Ý nguyện tốt đẹp đó chưa kịp thực hiện thì chiến tranh nổ ra và ông đã hy sinh trong những ngày đầu chống Pháp…

Là một trí thức yêu nước có trái tim nhân hậu, luôn hướng tới lợi ích dân tộc, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện đã được Bác Hồ cảm hóa tham gia mặt trận Việt Minh và đã trở thành một trong những nhân tố tích cực nhất của Cách mạng Tháng 8. Với tài năng và nhiệt huyết cách mạng của mình, tại cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện được chọn là 1 trong 6 vị đại biểu QH đầu tiên của Hà Nội (gồm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bs.Trần Duy Hưng, ông Vũ Đình Hoè, Nguyễn Văn Luyện, Hoàng Văn Đức và Nguyễn Thị Thục Viên). Kỳ họp Quốc hội đầu tiên (2/3/1946), ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết Ban thường trực QH (đến tháng 10/1946 là ủy viên chính thức). Ông cũng còn là một trong những người được Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng giao nhiệm vụ tham gia phái đoàn của Việt Nam đi thương lượng tại Hội nghị Fontainebleau (Pháp) từ 6 tháng 7 đến ngày 10 tháng 9 năm 1946. Cuộc đàm phán không thành, ông cùng phái đoàn lên tàu thủy về Cảng Hải Phòng tháng 10 năm 1946, trước ngày ông hy sinh gần 2 tháng…

Những mẩu chuyện về cuộc đời hoạt động của cố bác sĩ Nguyễn Văn Luyện tuy không nhiều, bạn bè và những người hoạt động cùng ông hồi đó như KTS. Nguyễn Cao Luyện, họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhà điêu khắc Vũ Văn Cẩn… tới nay đều đã khuất núi, nhưng lịch sử chắc sẽ không quên người nhân sĩ trí thức đã sẵn sàng từ bỏ vinh hoa, phú quý, hiến dâng tất cả vì Tổ quốc quyết sinh theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ. Sinh thời, khi nói về bác sĩ Nguyễn Văn Luyện, giáo sư Nguyễn Tấn Di Trọng (nguyên đại biểu QH từ khóa I tới khóa VII) thường nhắc tới những đóng góp của ông đối với cách mạng. Đơn cử như việc nhiều lần dùng tiền của gia đình để mua vũ khí ủng hộ Việt Minh, dùng nhà của mình làm cơ sở cách mạng... Đặc biệt ngôi nhà 65 Lý Thường Kiệt của ông trước kia đã từngđược sử dụng làm nơi hoạt động của Ban soạn thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Trong thời gian họp ở Hội nghị Fontainebleau tại Pháp, bác sĩ Nguyễn Văn Luyện đã bỏ tiền của mình để mua 1 máy in hiện đại tặng cho Chính phủ nhằm phục vụ cho công tác thông tin, tuyên truyền. Rất tiếc là máy in chưa kịp về nước thì ông đã “ra đi mãi mãi” vì sự nghiệp bảo vệ Thủ đô...

Với những đóng góp lớn lao của bản thân và gia đình, Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện đã thực sự để lại tấm gương sáng cho thế hệ mai sau và ông hoàn toàn xứng đáng được vinh danh với Thủ đô Hà Nội ngàn năm tuổi. 

Minh Quang