Âm thầm ở nơi không thấy mặt trời
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:20, 07/09/2010
Một lần... chui xuống cống
Phóng viên làm vệ sinh sau “hành trình dưới cống ngầm”. Ảnh: Hà Trang
Nếu những phần việc nạo vét cơ giới, điều hành hệ thống mương, sông thoát nước, các hồ điều hòa, trạm bơm Yên Sở được coi là dễ dàng, thuận lợi thì phần việc nạo vét thủ công lại gặp nhiều khó khăn và ít được biết đến. Trong số 634km cống rãnh các loại do Công ty Thoát nước Hà Nội quản lý, có tới 74km trong khu phố cổ được xây dựng từ thời Pháp. Phần lớn hệ thống cống này đều có tiết diện nhỏ và quá tuổi nên khả năng thoát nước kém, nhất là những cống xuống cấp, ngóc ngách hoặc những nơi địa hình hiểm trở. Ở những "điểm chết" đó, chỉ có thể nạo vét bằng thủ công, phải có người chui xuống tận nơi để kiểm tra, xúc bùn và khơi thông dòng chảy bằng tay với những dụng cụ thô sơ.
Sau trận mưa to cuối tháng Tám khiến nhiều tuyến phố bị ngập, tôi được Xí nghiệp Thoát nước số 1 bố trí xuống "tham quan" một đoạn cống ngầm trên phố Hàng Gà. Trước đó, anh Nguyễn Xuân Phong, tổ trưởng tổ cống ngầm, người đã hơn 30 năm trong nghề chui cống đã chỉ đạo anh em mở sẵn hai nắp cống. Anh Phong bảo, nếu không mở hai nắp cống để thông khí độc thì không thể xuống được, nếu có xuống thì cũng xây xẩm mặt mày rồi cũng phải ngoi lên để thở, thậm chí ngày trước có trường hợp đã bị ngất dưới cống. Bốn "lính mới" của tổ cống ngầm phải mất cả tháng ở trên cống để học cách mở nắp cống, xua khí mêtan và tập ngửi mùi cống rồi mới dám cho xuống.
Khi tôi có mặt trên phố Hàng Gà, hai đầu cống đã được mở từ lâu và chặn bằng hai xe thu bùn để bảo đảm an toàn cho người đi đường cũng như người xuống cống. Được anh em "ưu tiên" cho mặc chiếc áo bảo hộ lao động bằng cao su mới toanh, chuyên dùng cho những công nhân xuống cống, phải loay hoay mất gần 10 phút tôi mới mặc xong. Trời mát, nắng nhẹ, vậy mà sau khi được hướng dẫn cẩn thận cách mặc, cách gài khuy…, khoác được chiếc áo của "thợ móc cống" vào, mồ hôi đã túa ra đẫm người và nhỏ thành từng giọt trên mặt. Chắc lúc đó nom tôi khổ sở lắm, mấy anh thợ trẻ can: "Nhà báo xuống cống làm gì cho khổ! Cứ ở trên này chụp ảnh, ghi hình anh em là quý lắm rồi!".
Anh Phong nhanh nhẹn hướng dẫn tôi cách xuống cống an toàn. Ngồi trên mặt cống, lựa chiều thuận với mấy bậc thang sắt đã hoen gỉ, đưa chân xuống trước, đặt vào bậc thang, rồi gồng người để hông làm điểm tì giống như lính đặc công, tôi nhích xuống dần. Mùi cống, dù đã được thông khí độc từ lâu, vẫn xộc thẳng vào mũi, khiến tôi choáng váng. Nhích dần xuống, chân chạm nước, vẫn chưa được thả lỏng người, hai tay tôi gồng cứng bám chặt vào mấy bậc thang bằng sắt mà chỉ sợ tung ra. Bùn ngập tới gần đầu gối, nước cống đen quánh, lờ đờ chạy qua chân, dù đã mặc quần áo bảo hộ nhưng tôi vẫn cảm thấy ớn lạnh.
"Cống này vẫn còn "ngon" hơn nhiều cống khác. Cũng mới mưa xong nên đỡ đấy!" - anh Phong nói. Càng vào sâu, cống càng tối. Chân dò từng bước vì sợ gặp phải hố hoặc kim tiêm. Nhìn ra hai phía đầu cống, ánh sáng chiếu xuống mờ mờ, trên đường vốn ồn ào là thế, nhưng dưới này chỉ khi những chiếc xe to như xe buýt chạy qua mới cảm nhận được rung động. Chìm đắm trong bóng tối với mùi hôi thối không thể tả nổi, tôi bỗng nhớ đến thế giới cống ngầm trong tiểu thuyết "Những người khốn khổ" của Vích-to Huy-gô, nơi mà Giăng Van Giăng chạy trốn mật thám Gia-ve dưới những vòm cống đầy những chuột và gián. Ở nơi ánh sáng hiếm hoi này, tôi chợt nhận ra công sức lớn lao nhưng âm thầm của những người thợ nạo vét cống.
Lần mò trong cống hồi lâu, khi ra đến sát miệng cống, anh Phong cho tôi "súc miệng" thêm mấy xô bùn đưa lên phía trên cho anh em. Cách múc bùn, rồi đưa lên cũng là cả "một nghệ thuật" nếu muốn làm đủ khối lượng và không bị bùn đổ vào đầu.
Ba mươi năm vẫn... "sinh nghệ, tử nghệ"
Bắt đầu cuộc hành trình trong lòng cống. Ảnh: Hà Trang
Cởi bỏ bộ đồ chuyên dụng ra, người tôi ướt đẫm mồ hôi. Lúc này mọi người mới phát hiện ra là tôi quên không đi găng tay. Anh em công nhân chỉ cười và lắc đầu bảo: "May cho nhà báo là cống này còn ngon đấy!". Đưa tôi ra chỗ rửa tay nhờ một nhà mặt phố, anh em giải thích rằng có nước để rửa tay chân là còn may chán, nhiều chỗ xin nước rửa tay, rửa chân cũng chẳng được, anh em phải mang cả bùn cống về xí nghiệp để rửa ráy, tắm táp.
Trong ba mươi năm làm nghề móc cống, anh Phong đã phải nhiều lần chui xuống những đoạn cống kinh khủng hơn nhiều. Sợ nhất là cống thoát ở Bệnh viện K. Mỗi lần trong viện chạy hóa chất, anh em chỉ còn nước nhảy ngay lên đường. Mùi hóa chất xộc thẳng vào mắt, mũi, mồm không thể chịu được. Cống ở viện K là cống nhỏ, lại hay bị tắc, muốn vào phải ép sát người, nước cống ngấp nghé ngay mồm và tai. Viện K hiện luôn trong tình trạng quá tải, thế nên cống cũng tắc suốt. Cống đáng sợ nữa mà cánh thợ hay kháo nhau là cống Phúc Xá, có những hố ga mở lên, múc được cả mấy xô xilanh kim tiêm, có cái vẫn còn... nguyên máu. Anh Phong kể, trong tổ có anh Phú bị kim ở đây đâm xuyên áo bảo hộ vào người mà vết thương sau này "đóng kén", chữa mãi không khỏi. Cống tiếp theo là cống Mai Xuân Thưởng, cống này bản to, xây từ thời Pháp, đây là nơi bùn, rác thải từ lưu vực Hàng Đậu, Hàng Than dồn về. Để vào cống này, anh em phải mở nắp ga rất lâu và phải dùng cả cành cây để quạt xua khí mêtan đi rồi mới dám xuống.
Anh Phong nhớ mãi lần xuống cống ở Trần Quý Cáp, đúng lúc Xí nghiệp Nhuộm Tô Châu xả hóa chất. Lúc đầu thì không biết, nhưng khi biết được rồi thì hóa chất đã ngập ủng. Anh Phong bị bỏng cả hai chân, phải nằm viện điều trị bỏng axít mất hơn 2 tuần. Anh nhớ lại, hồi mới vào nghề, chui xuống cống ở Trần Phú, rễ sấu đâm ngang cống làm anh sợ chết khiếp vì tưởng là rắn. Vẫn chưa hết, anh bị mắc cứng trong đám rễ sấu, loay hoay mãi không ra nổi, sau phải dùng cái đục bạt đẽo mấy chiếc rễ bám quanh người mới thoát... Cánh thợ nạo vét cống còn nói rõ cho tôi biết cống Phan Chu Trinh nứt ít, cống Ngô Quyền nứt to, cống Phan Đình Phùng không nứt mấy, cống ở Công ty Xe điện (đường Thụy Khuê), Tạ Hiện và Trần Bình Trọng là mỏ dầu, mỡ của thế giới ngầm…
Sau ba mươi năm làm nghề, trải qua nhiều khó khăn, gian khổ, giờ anh Phong mang hai căn bệnh nghề nghiệp trong người. Một là bị nấm đầu, chữa mãi không khỏi. Hai là bị gai đôi mấy đốt xương sống. Mang bệnh "đầy mình" như vậy, nhưng anh vẫn hết lòng vì nghề. Anh tự nhủ, cũng là do xã hội phân công, mình làm nghề tốt thì cái nghề cũng nuôi mình và gia đình mình. Ngay như buổi sáng 28-8 vừa rồi, trận mưa khá lớn làm nước dồn về khu vực ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu, Quang Trung mạnh đến nỗi đẩy nắp ghi gang nhẩy tưng tưng trên mặt đường. Những lúc như thế, anh cùng với anh em trong tổ phải đứng trực tại chỗ để hướng dẫn ô tô, xe máy không kẹt vào hố ga.
Những người thợ nạo vét cống tâm sự: Nhiều lúc chúng tôi cũng rất buồn khi nghe người ta dè bỉu "bọn móc cống", "quân móc cống", nhưng buồn hơn cả là ý thức của một bộ phận người dân bây giờ không được như ngày trước. "Họ xả mọi thứ xuống cống, từ lá cây, rác, dầu, mỡ, kim tiêm, than tổ ong… đến cả bỉm trẻ con nữa", anh Phong phàn nàn, "gỡ bỉm trẻ con ở dưới cống giờ là khổ nhất". Một điều khiến anh trăn trở là anh em trẻ không mấy ai dám kế tục cái nghề nạo vét cống rãnh của anh. Có mấy cậu trẻ vào công ty thử việc, chỉ mon men ở trên cống nhìn xuống, được vài bữa đã trốn biệt. Lứa công nhân già chắc việc, yêu nghề thì cứ lần lượt đến tuổi nghỉ hưu. Quân số cứ teo dần. Tổ cống ngầm do anh phụ trách có 7 người thì giờ đã có tới 5 người là thợ bậc 7. Xí nghiệp mới điều xuống thêm 4 người, nhưng nếu so với nhu cầu công việc thì vẫn chưa đủ.
Anh Phong khoe, dịp Đại lễ, Công ty anh đã tăng cường nạo vét những điểm cống dễ tắc, tăng cường lực lượng ứng trực những nơi xung yếu... nhưng cũng như nhiều người dân Thủ đô và cả nước, các anh cầu mong dịp Đại lễ thời tiết sẽ đẹp.
Qua ba mươi năm làm nghề nạo vét cống, anh Phong đã phụ giúp bố mẹ nuôi lớn 6 người em trong gia đình. Gia đình nhỏ của anh giờ cũng êm ấm với một cậu con trai đang học ở Học viện Quân y và một cô con gái đang học Cao đẳng Kế toán, doanh nghiệp FPT. Vợ anh vốn là người gắn cả đời với bốn sào rưỡi ruộng ở Xuân Đỉnh, sắp tới cũng không còn được làm nữa vì người ta sẽ lấy đất để làm khu đô thị Tây Hồ Tây, bố mẹ anh năm nay bảy mươi lăm tuổi vẫn đang sống cùng anh. Cả nhà năm miệng ăn vẫn trông vào đồng lương anh kiếm được từ nghề nạo vét cống. Thế nhưng, trong anh vẫn chỉ đau đáu làm sao công ty phát triển được thêm phần nạo vét bằng cơ giới và có mấy con rôbốt thông cống để anh em bớt khổ.
(Còn tiếp)