Cải cách hành chính ở Việt Nam đang đi đúng hướng !
Chính trị - Ngày đăng : 06:57, 07/09/2010
- Ông đánh giá như thế nào về việc triển khai, thực hiện Đề án 30 tại Việt Nam?
Tổ Đề án 30 rà soát các TTHC tại UBND TP. Ảnh: Huyền Linh
- Ông Josef Konvitz: Tôi cho rằng đây là một đề án lớn, cần nhiều thời gian bởi các cơ quan chức năng phải xác định các TTHC không hợp lý để đơn giản hóa. Điều quan trọng là Việt Nam đã bắt tay vào thực hiện cải cách trong khi trên thế giới, nhiều nước còn chưa bắt đầu. Khi bắt tay vào thì mới phát hiện ra sự bất hợp lý của TTHC nằm ở đâu, tìm hiểu và đề xuất hướng giải quyết. Đến thời điểm này, có thể khẳng định Việt Nam đang đi đúng hướng, thực hiện khá hiệu quả và huy động được nhiều đối tượng tham gia. Tôi cũng đánh giá cao công tác chỉ đạo kiên quyết của giới lãnh đạo như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc. Quyết tâm chính trị sẽ tạo nên những sự khác biệt và là tiền đề dẫn tới thành công.
- Vậy theo ông, những khó khăn mà Việt Nam gặp phải trong quá trình thực hiện Đề án 30 là gì và làm sao để duy trì những kết quả đã đạt được?
- Chính phủ đã đạt được những kết quả đáng khích lệ với Đề án 30 và giờ đây mọi người muốn đơn giản hóa TTHC hơn nữa. Kỳ vọng đó của người dân chính là thách thức lớn. Vì vậy, công tác đơn giản hóa TTHC phải được làm thường xuyên, nếu không niềm tin của người dân sẽ đi xuống. Bên cạnh đó, Chính phủ cần ban hành những quy định hợp lý hơn để xử lý những vấn đề còn tồn tại nhằm phục vụ người dân tốt hơn. Bên cạnh đó, cần có những cam kết về mặt chính trị, xây dựng được khung nguyên tắc thực hiện, huy động sự tham gia của các bên, áp dụng kinh nghiệm của các nước khác.
- Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của một vài nước đã thực hiện tốt quá trình cải cách?
- Nhờ xây dựng và áp dụng khung nguyên tắc thực hiện cải cách, có sự phối hợp của nhiều đối tượng mà Hà Lan đã giảm được 25% TTHC. Còn Mexico đã thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả, xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu trên mạng mà tại đó người dân và doanh nghiệp có thể truy cập miễn phí, tìm hiểu, trao đổi mọi thông tin về TTHC. Khi lãnh đạo và người dân cùng chia sẻ tầm nhìn thì kết quả cải cách sẽ hiệu quả hơn.
- OECD sẽ đánh giá về Đề án 30 tại Việt Nam trên nguyên tắc nào?
- Đề án 30 của Việt Nam được thực hiện trong 3 năm, với sự phối hợp của OECD. Năm nay là năm kết thúc việc thực hiện đề án này và Chính phủ Việt Nam đã mời OECD đánh giá lại quá trình thực hiện cũng như xây dựng khung chiến lược cho thời gian tới. Tôi cho rằng đây là thời điểm thích hợp để nhìn nhận lại. Trên cơ sở có kinh nghiệm thực hiện các đề án tương tự tại các nước khác, OECD sẽ nhìn nhận một cách khách quan, so sánh thực tiễn giữa nước này với nước kia và cùng Chính phủ Việt Nam rút ra kinh nghiệm, xây dựng khung chiến lược cho thời gian tới phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.
- Vấn đề truyền thông đã được Việt Nam chú trọng trong việc triển khai Đề án 30, song hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn. Ông có thể đưa ra những gợi ý nào cho chiến lược truyền thông trong giai đoạn tiếp theo?
- Truyền thông là vấn đề đặc biệt quan trọng. Công chúng cần biết đề án đang làm gì và hiệu quả mang lại cho xã hội như thế nào. Do vậy, yêu cầu bắt buộc là thông tin phải công khai. Trong đó, Chính phủ chịu trách nhiệm chính với cả tiến trình thực hiện. Tuy nhiên, truyền thông không phải lúc nào cũng dễ dàng. Mỗi đề án lại có đặc thù khác nhau nên việc truyền thông cần phải thử nghiệm các phương án khác nhau và rút ra kinh nghiệm trong hoàn cảnh cụ thể của một quốc gia. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, báo chí là một kênh truyền thông hiệu quả.
- OECD sẽ có hình thức hợp tác nào khác với Việt Nam trong thời gian tới?
- Tôi hy vọng việc hợp tác đánh giá Đề án 30 sẽ tạo dựng mối quan hệ tin cậy giữa Việt Nam và OECD. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có thái độ cầu thị và OECD cũng mong muốn hợp tác. Vào tháng 11 tới, chúng tôi sẽ chính thức công bố báo cáo đánh giá quá trình thực hiện Đề án 30 cũng như thảo luận về cải cách TTHC tại Hội nghị quan chức ASEAN tại Hà Nội. Lúc đó, Việt Nam và OECD có thể đề ra một chương trình hợp tác trong tương lai.
- Xin cảm ơn ông !