Loạn thị, loạn kính
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:46, 07/09/2010
Những ngày qua, khu vực quanh Bệnh viện Mắt trung ương (phố Bà Triệu) nói riêng cũng như các phòng khám, cửa hiệu kính thuốc tư nhân ở Hà Nội nói chung luôn nườm nượp khách ra vào. Nhìn vào các lớp học bây giờ, nơi nào cũng loang loáng kính trắng. Chuyện học quá tải, chương trình nặng... đã có quá nhiều lời bàn. Ở đây, xin đề cập tới một khía cạnh khác: Đó là chuyện kính thuốc.
Thời cơ chế thị trường, chả riêng học sinh bận "dùi mài kinh sử", các bậc cha mẹ cũng bị cuốn vào vòng quay công việc, dứt ra đâu có dễ. Thế nên, như nhiều phụ huynh tâm sự, vẫn biết vào Bệnh viện Mắt trung ương khám cho con cái (đo kính) thì tốt hơn, nhưng khổ nỗi, ngày thường không dễ nghỉ, mà ngày nghỉ thì bệnh viện chỉ tiếp nhận những ca cấp cứu. Thôi thì đành đến các phòng khám tư vậy, vừa nhanh gọn, thái độ phục vụ cũng chu đáo, tận tình. Nhưng ngay lập tức, một nỗi lo khác lại xuất hiện và không phải các bậc phụ huynh cùng học sinh nào cũng biết.
Theo kết quả khảo sát mới đây do Viện Đo lường Việt Nam phối hợp với các địa phương thực hiện thì 90% mắt kính thuốc được lấy mẫu trên thị trường để kiểm tra đều không có tem của nhà nhập khẩu, nhà phân phối và nơi sản xuất, vỏ bao bì đa phần đều do các cửa hàng kinh doanh kính mắt tự in... Vẫn chưa hết bàng hoàng khi kiểm tra chất lượng máy móc tại các phòng khám để đo, lắp kính thuốc thì tới 95% máy đo khúc xạ, máy đo kính mắt có sai số vượt quá tiêu chuẩn, thậm chí có những máy đo sai số gấp 3-4 lần quy định. Một phóng viên thử xâm nhập thực tế thì 3 lần đo tại 3 phòng khám cho những kết quả trái ngược nhau, không thể xác định được mắt mình bị cận, viễn hay... loạn thị. Chuyện đo vênh nhau ở phòng khám này với phòng khám khác từ 1,25 điôp tới 2 điôp đã được không ít phụ huynh phàn nàn. Vậy nên mới có chuyện, đeo kính rồi, có cũng như không, được vài ngày lại mất công đi khám lại, rồi lại được phán phải mua kính khác. Nhiều người phải khám, phải tốn tiền dăm lần mới sắm được chiếc kính phù hợp...
Các bác sĩ chuyên ngành khuyến cáo, đeo kính không đúng số, tâm kính sai vì đo thị lực và khám mắt không chuẩn sẽ khiến các bệnh về thị lực thêm trầm trọng, mắt thường xuyên bị nhức mỏi, khó chịu, ảnh hưởng lâu dài tới cuộc sống.
Các cụ xưa dạy "giàu hai con mắt, khó hai bàn tay". Điều đó cho thấy tầm quan trọng của đôi mắt trong cuộc sống như thế nào. Vậy mà dường như lâu nay chuyện đo kính, bán kính của các phòng khám, cửa hiệu vẫn cứ thả nổi, không ai kiểm tra, không ai quản lý. Do đó, họ vô tư nhập về các loại máy móc, mắt kính mà không phải tuân theo bất cứ tiêu chuẩn nào, cũng chẳng thấy ai kiểm tra, kiểm soát. Chẳng lẽ lực lượng chức năng được giao trách nhiệm quản lý nhà nước của chúng ta thấy rằng, chưa phải siết chặt quản lý lĩnh vực này hay còn bận quá nhiều công kia việc nọ nên sao nhãng. Vì bất kể lý do gì đi chăng nữa thì điều đó cũng không thể chấp nhận được.
Xét về tổng thể xã hội, có thể dễ dàng nhận thấy, hiện nay có hàng triệu người đang phải sử dụng kính cận thị, viễn thị hoặc loạn thị. Và một bộ phận không nhỏ trong số đó đang bị ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe do tình trạng bát nháo của các loại hình dịch vụ trong lĩnh vực chăm sóc mắt (từ máy đo, kiểm tra tại các phòng khám đến các cửa hiệu bán kính thuốc). Vậy cơ quan chức năng và những người được giao trách nhiệm quản lý nghĩ gì? Không lẽ tồn tại tình trạng đó mà tất cả vẫn cứ "bình chân như vại" ?