Căng thẳng, rắc rối
Giáo dục - Ngày đăng : 06:38, 07/09/2010
Cạnh tranh nguồn tuyển
Thí sinh xem điểm thi đại học. Ảnh: Đàm Duy
Xu hướng chung là TS vẫn muốn nộp đơn vào các trường công lập và nhóm ngành kinh tế. Tuy nhiên, hầu hết các trường ĐH công lập đều có tổ chức thi và đã dành phần lớn chỉ tiêu để xét trúng tuyển NV1. Còn các ngành kinh tế lại cạnh tranh rất cao. Một số trường như ĐH Công nghiệp Hà Nội, ĐH Điện lực... ngay trong ngày đầu tiên nhận hồ sơ đã có hàng trăm TS tới đăng ký.
Cơ hội trúng tuyển NV2, NV3 vào các trường công lập thường thấp hơn đáng kể so với các trường ngoài công lập, vốn thường không tổ chức thi tuyển và gần như dành toàn bộ chỉ tiêu để xét tuyển NV2, NV3. Trường ĐH Phương Đông những ngày này đã nhận được hơn 1.300 hồ sơ đăng ký trong tổng chỉ tiêu là 1.500. Những ngành "đắt hàng" vẫn là kế toán, tài chính - ngân hàng (mỗi ngành có 100 chỉ tiêu). Năm 2009, điểm trúng tuyển NV 2 của hai ngành này đều là 16. Các ngành có ít hồ sơ nhất là cơ - điện tử và điện (mỗi ngành có 70 chỉ tiêu), điểm trúng tuyển NV2 năm 2009 đều bằng điểm sàn.
Tuy nhiên, khối các trường ngoài công lập năm nay cũng chịu sự cạnh tranh về nguồn tuyển khá mạnh bởi các trường công lập cũng tham gia xét tuyển NV2 nhiều hơn năm trước. Năm nay Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội có tới hơn 4.000 chỉ tiêu NV2, nhiều hơn năm ngoái tới 1.000 chỉ tiêu. Trong hơn 1.000 chỉ tiêu ĐH, phần lớn các ngành khối A có điểm xét tuyển từ 15,5 trở lên. Trường ĐH Bách khoa năm nay lần đầu tiên tuyển NV2 với 500 chỉ tiêu cho bậc ĐH và 200 chỉ tiêu cho bậc CĐ.
Từ thực tế tuyển sinh những năm qua, các chuyên gia đã thấy một tình trạng, nhiều trường có số lượng chỉ tiêu NV2 không nhiều nhưng cuối cùng vẫn không thể tuyển đủ do TS thấy ít chỉ tiêu thì sợ trượt nên không dám nộp hồ sơ. Thêm nữa, không phải ngành nào của các trường công lập cũng có điểm xét tuyển cao. Có nhiều ngành, nhất là khối nông - lâm, kỹ thuật... có điểm xét tuyển chỉ bằng hoặc nhỉnh hơn điểm sàn chút ít. Trong khi đó, chỉ tiêu của những khối này thường khá lớn để đáp ứng nhu cầu xã hội. Đây là những thông tin quan trọng mà các TS đang tìm kiếm cơ hội lọt qua "cánh cửa hẹp" cần lưu ý.
Còn nhiều băn khoăn
Để chấn chỉnh tình trạng nhiều trường ĐH, CĐ tiếp nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển trước thời hạn quy định, năm nay Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường thực hiện công tác xét tuyển theo đúng thời hạn, nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2 từ ngày 25-8 đến 17h ngày 10-9. Các trường không được nhận trước thời hạn cũng như kết thúc sớm hơn thời gian quy định trên.
Yêu cầu trên của Bộ đã khiến các trường không dám ngang nhiên "xé rào" nữa. Tuy nhiên, cũng như năm ngoái, vẫn tồn tại tình trạng có những TS nhận được giấy báo trúng tuyển của nhiều trường mà mình không hề đăng ký nguyện vọng. Thậm chí có TS nhận được tới cả chục giấy báo như vậy kèm theo giới thiệu về nhà trường, học phí, ngành học... Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, cả nước hiện có 440 trường ĐH, CĐ, trong đó có tới 76 trường dân lập và tư thục. Số lượng trường lớn, chỉ tiêu tuyển sinh cao trong khi nguồn tuyển không tăng nên việc trống vắng TS ở nhiều trường đã dẫn tới tình trạng lôi kéo TS bất chấp quy định.
Một TS khi nhận được gần 20 giấy báo hoặc tài liệu giới thiệu về cơ sở đào tạo đã đặt câu hỏi: Không hiểu làm sao các trường biết được thông tin cá nhân của TS mà gửi giấy báo? Bởi vậy, dư luận đặt câu hỏi, những thông tin về TS đã bị "rò rỉ" từ đâu và liệu Bộ GD-ĐT đã kiểm soát việc này hay chưa? Phải chăng có sự "chia sẻ" lợi ích của cả hai bên, giữa các trường tổ chức thi (nơi có dữ liệu về TS) với các trường không tổ chức thi? Nhiều TS còn băn khoăn: Nếu nhận được giấy báo trúng tuyển và nhập học tại trường mà họ chưa từng nộp hồ sơ đăng ký thì họ có phải là những học sinh, sinh viên hợp pháp hay không? Trước tình trạng này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Trần Thị Hà chỉ bình luận về khía cạnh tích cực của vấn đề: "Việc TS nhận được những thông báo có khả năng trúng tuyển vào trường với mức điểm ra sao, học phí thế nào, đó cũng là cơ hội cho TS lựa chọn tốt hơn".
Trong khi nhiều TS đã tới tấp nhận được giấy báo trúng tuyển thì đến ngày 31-8, một số trường không tổ chức thi lại cho biết nhiều TS mượn trường thi để xét tuyển vào trường không tổ chức thi vẫn chưa nhận được phiếu báo điểm. Theo cán bộ đào tạo của một trường ĐH, nguyên nhân của việc này là do quy trình trả phiếu báo điểm cho đối tượng này khá vòng vèo. Cụ thể, trường tổ chức thi phải gửi kết quả và phiếu báo điểm của TS cho trường không tổ chức thi để xét tuyển. Sau đó trường không tổ chức thi mới lấy phiếu báo điểm của TS gửi về các sở và các ban tuyển sinh. Trong trường hợp thất lạc, TS phải đến trường tổ chức thi để xin giấy xác nhận lại điểm thi.
Phương án 3 chung có nhiều ưu việt song nó cũng gây ra những rắc rối cả cho cơ sở đào tạo lẫn người học. Việc tuyển sinh NV2 của các trường ĐH, việc đăng ký xét tuyển của TS dường như vẫn là chuyện may rủi. Tại hội nghị tổng kết năm học 2009-2010, triển khai nhiệm vụ năm học mới 2010-2011 khối ĐH, CĐ vừa diễn ra tuần qua, công tác tuyển sinh vẫn là đề tài nóng. Điều đó cho thấy, thực tiễn đang đòi hỏi về một sự đổi mới cơ bản trong công tác này.