Đạo diễn Đỗ Thanh Hải trở lại với hài

Giải trí - Ngày đăng : 11:23, 06/09/2010

Sau một thời gian dài thành công, chương trình Gặp nhau cuối tuần đã lâm vào tình trạng… đuối dần và ngưng phát sóng. Mới đây, chương trình này tái ngộ khán giả với cái tên mới Thư giãn cuối tuần. “Chủ xị” chương trình, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, khẳng định: “Sự mới mẻ của chương này chắc chắn sẽ làm khán giả hài lòng”.



- Thực chất "Thư giãn cuối tuần" (TGCT) là bản sao của "Gặp nhau cuối tuần" (GNCT) trước đây. Vì sao anh không giữ lại cái tên cũ đã trở thành quen thuộc đối với khán giả mà thay bằng tên mới, thưa anh ?


- Trước khi quyết định khởi động chương trình TGCT, chúng tôi đã phải tính toán, rất nhiều để có được một chương trình mới, đủ sức hấp dẫn khán giả truyền hình. Thực chất, TGCT có rất nhiều thay đổi so với GNCT trước đây, nếu không nói là mới hoàn toàn

- Trước đây, GNCT chuẩn bị trong một năm và phát sóng trong 7 năm thì ngưng. Bây giờ TGCT cũng có thời gian chuẩn bị một năm, liệu chương trình này sẽ đi vào vết xe đổ của chương trình trước không?

- Thực sự trong bốn năm đầu làm GNCT chúng tôi rất hứng khởi, ba năm sau thì phải cố gắng nhiều hơn mới duy trì được. Bây giờ, sau ba năm nghỉ ngơi, chúng tôi lại trở lại với hài. Tôi tin TGCT sẽ giữ được khán giả ngồi trước tivi. Việc chương trình tồn tại trong bao lâu phụ thuộc vào chất lượng nội dung và sự đón nhận của khán giả. Tất nhiên, về phía nhà sản xuất, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào nội dung chương trình, đội ngũ biên tập, đạo diễn và những diễn viên cả cũ và mới.

- Những điều gì ở chương trình làm cho anh và ê kíp tự tin đến thế?

- Ngoài ba phần chính: Copy & Bơm vá, Hỏi xoáy đáp xoay và Tiểu phẩm hài, chúng tôi còn kêu gọi khán giả trực tiếp tham gia vào chương trình. Khán giả có thể gửi những ý tưởng, kịch bản, cả các clip hài tự chế cho chúng tôi, sau đó chúng tôi sẽ biên tập lại để giới thiệu. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức một chương trình Gala cuối năm để trao giải cho các kịch bản, clip được đánh giá cao và mời các nghệ sĩ hài chuyên nghiệp trình diễn lại. Tóm lại, chúng tôi muốn tạo nên một sự tương tác giữa khán giả với chương trình, để chính họ cùng đóng góp cho tiếng cười thêm phong phú.

- Muốn lấy được tiếng cười của người xem, một tác giả - một diễn viên hài kịch phải có năng khiếu hài và nắm bắt tâm lý con người. Trong khi đó, ê kíp thực hiện chủ trương sử dụng kịch bản của khán giả cộng tác. Đâu là cơ sở để anh đặt niềm tin vào điều này?

- Chúng tôi vẫn có đội ngũ tác giả kịch bản giỏi là đạo diễn Lê Hoàng, Đình Lộc, Tiến Dũng… cho những phần chính là Copy & Bơm vá, và tiểu phẩm hài. Riêng phần Hỏi xoáy đáp xoay là sự phối hợp với Báo Tuổi trẻ cười TP HCM và trong chuyên mục này, chúng tôi sẽ nhận ý tưởng, kịch bản, câu hỏi của khán giả để làm sinh động thêm. Trong quá trình sản xuất, chúng tôi sẽ mở rộng tìm kiếm và hợp tác với nhiều cây viết khác, kể cả không chuyên. Tôi tin khán giả luôn rất sáng tạo và tiềm ẩn những điều bất ngờ.

- Dù thế nào đi nữa, vẫn có sự khác nhau trong "gu" thưởng thức giữa khán giả Bắc, Nam, anh làm gì để dung hòa hai điều này trong TGCT, thưa anh?

- Trước hết chúng tôi chú ý đến giọng nói. Mỗi chương trình, TGCT sẽ có giọng nói của cả hai miền. Chúng tôi sẽ đưa diễn viên Hà Nội vào TP HCM diễn xuất chung và ngược lại. Ngoài ra, chúng tôi mang nhiều tính kịch vào các tiểu phẩm hài của miền Nam, đồng thời diễn viên sẽ tiết chế hơn trong diễn xuất, làm bật ra tiếng cười qua nội dung câu chuyện, qua các tình tiết mở nút, thắt nút đầy bất ngờ. Bên cạnh đó, với các tiểu phẩm của miền Bắc, chúng tôi cũng xây dựng một cách nhẹ nhàng, châm biếm một cách trực diện hơn để khán giả miền Nam dễ xem, dễ cười hơn. Tất nhiên việc dung hòa này rất khó, nhưng chúng tôi sẽ luôn cố gắng để khán giả cả nước luôn thấy thích thú khi theo dõi chương trình.

- Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện.

Nguyễn Huy