Có ai còn nhớ…

Xã hội - Ngày đăng : 06:51, 06/09/2010

(HNM) - Sau ngày 19-12-1946, bộ máy lãnh đạo trong Việt Minh rút lên Việt Bắc chỉ huy cuộc kháng chiến toàn quốc. Hà Nội trở lại là thành phố tạm chiếm và đấy cũng là thời kỳ tuổi thơ của tôi.


Hà Nội hồi ấy nhỏ "bằng lỗ mũi" như các cụ nói, đi ô tô một giờ đã hết chu vi, xuống Mơ vào Hoàng Mai đã thuộc tổng Hoàn Long (tỉnh Hà Đông). Nhà cửa thì ngoài phố cũ, phố Tây ra, xuống phía dưới hay đầu ô đã là cửa sông, toàn người lao động, buôn bán nhỏ, thợ, bồi, phu xe, con sen, thằng ở… trú ngụ. Dân có 200 ngàn người, phố vắng tanh, xe đạp Pơ giô đã sang, đến năm 1953 có Mô bi lét, Sô lếch.


Sau những tháng ngày bức bối trong thành phố tạm chiếm, sáng 10-10-1954 người dân  Hà Nội ùa ra các ngả đường đón chào “đoàn quân chiến thắng tiến về Thủ đô”.

Từ 1950-1954, bọn tôi học tiểu học, đi bộ đến trường. Trường tư thục rất ít. Con nhà giàu làm cho Tây bố mẹ vào "làng Tây" mới được học ở Lít - xê, nhưng cũng ít. Rất lạ, là dân không mua nhà mấy, mà toàn ở thuê, quan niệm nhà cửa rất bình thường, thuê đâu chẳng được.

Từ năm 1950 Hà Nội là "phồn vinh", nhưng là giả tạo, hứng hàng hóa thừa của mẫu quốc, không sản xuất. Chia để trị nên nạn phân biệt chủng tộc, đời sống giữa khu lao động và khu phố Tây quá khác biệt. Tây ra sức đào tạo người bản xứ để làm tay sai. Chính quyền dùng thuốc phiện, tiền bạc, gái, rượu, để mua chuộc người bản xứ, làm quên nỗi đau mất nước. Thuốc phiện, rượu ty nhiều lắm, còn khu nhà thổ, đèn đỏ thì vô kể; các cụ có câu "Giàu Khâm Thiên, ít tiền Vạn Thái (ngõ 357 Bạch Mai)… Đường phố thường vắng lặng, thỉnh thoảng có xe quân sự GMC đi qua. Khệnh khạng, ông tướng, ra vẻ ta đây là bọn Tây say, chúng ăn quịt, đi xe quỵt. Tôi đã thấy ở chợ Hôm khối thằng no đòn với những người lao động.

Gia đình buôn bán, hôm nào tôi cũng mua tờ Tia Sáng (tiền thân của Thời mới) cho bố, để ông theo dõi tình hình chiến sự và kháng chiến. Nhà ở phố Mai Hắc Đế có đến 5, 6 chủ toàn người lao động, dưới nhà là tên làm phòng nhì. Không hiểu sao mà mãi tôi mới biết bố tôi nuôi 3 cán bộ biệt động thành ngay trước mũi của bọn chó săn. Sau này tôi mới nghe ông nói: "Không đi kháng chiến được thì phải làm công việc giúp "đàng mình".

Năm 1952, Nguyễn Văn Tâm (tay sai Pháp) được chỉ định làm Thủ hiến Bắc Việt. Tâm có con nuôi là tướng Hinh (sau năm 1954 theo Diệm vào Nam và năm 1956 định làm đảo chính, CIA ghi âm được, đầy Hinh và vợ con đi Philippin - theo tập "CIA như thế đấy"). Tâm thích hai môn đua xe đạp và đấm bốc. Quanh hồ Hoàn Kiếm thường tổ chức đua 20 vòng (35km), tôi thường được bác tôi làm ở rạp Phi-la-mô-ních (bây giờ là múa rối Thăng Long) cho lên sân thượng xem. Các cua rơ nổi tiếng của ta là Ngô Văn Lai, Mạc Đình Trường (bị câm) và Bát Già, thường về 1, 2, 3. Gác thượng rạp Phi-la-mô-ních kín đáo, từ năm 1952 bố tôi thường trốn lính trên đó.

Giữa năm 1952, Tâm tổ chức trận đấu bốc nổi tiếng Đông Dương giữa Rít Pha (da màu) với Ngọc Long (võ sĩ Việt Nam). Hiệp 8, Ngọc Long bị cú móc vào gáy và chết. Tâm phải tổ chức một trận nữa lấy tiền mai táng ông này, cho tiền vợ con. Báo Tia Sáng chụp đám tang Ngọc Long có đôi găng bốc để trên áo quan.

Văn hóa khá nghèo nàn. Rạp Chuông Vàng chuyên cải lương, vài rạp chiếu phim Pháp, Mỹ. Điện ảnh Việt Nam đóng được phim "Bến cũ" toàn diễn viên cải lương. Rạp Ma-giét-tic (Tháng 8) là lớn nhất, sau đó đến Ci-rốt (Kim Đồng), Ê-đen (Công Nhân), Olimpia (Hồng Hà), ngoài ra còn rạp Lửa Hồng 126 phố Hàng Trống phục vụ hướng đạo sinh (đeo khăn quàng xanh). Bắc Đô ở Hàng Giấy là rạp đầu tiên có nhạc sống thay chiếu phim thời sự, hai ca sĩ rất nổi tiếng hay biểu diễn là Thanh Hiếu và Minh Đỗ. Đầu năm 1953 rạp Đại Nam hoàn thành, mở cửa.

Từ năm 1950-1953, năm nào cũng mở "Chợ Phiên" rồi "Hội Chợ", năm thì Bờ Hồ (lấy cót quây lại), năm ở Đấu Xảo (Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt - Xô), năm cuối ở Ấu Trĩ Viên (Cung Thiếu nhi Hà Nội). Hội chợ nhưng hình thức cờ bạc được nhà nước bảo hộ, có lính ngụy bảo vệ là chính. Hằng ngày xe tải 5 tấn chở hàng chục bao tải tiền về Ngân hàng Đông Dương.

Hè năm 1952, quân đội Liên hiệp Pháp Việt chơi trò "nắn gân Việt Minh", biểu diễn nhảy dù ngay hồ Gươm. Nhiều người xem, thấy nhiều tên nhảy không đúng đích, mắc vào cây quanh hồ hay gãy chân. Mấy ông bạn bố tôi thì thầm: "Mẹ kiếp, giỏi thì lên Tây Bắc mà đánh nhau với Việt Minh".

Năm 1953 ngay tối 30 Tết sang năm Quý Tỵ thì đổ cầu Thê Húc vì đông người vào thắp hương quá. Trời chỉ 10oC, mưa lây phây, may không chết ai. Thành phố nghẹt thở dưới chính quyền bảo hộ. Ngoài kháng chiến ta thắng lớn, chuyển sang giai đoạn phản công, nhất là sau khi thắng Chiến dịch Đông Xuân. Ta đã thông biên giới, cắt đường sang Bắc Lào, Pháp co cụm lại và nhảy dù chiếm thung lũng Điện Biên, xây căn cứ vững chắc "bất khả xâm phạm". Người Hà Nội kín kín hở hở nói về chiến sự. Càng về mùa thu càng nhốn nháo. Bố tôi trốn lính hằng tháng trời ở rạp Phi-la-mô-ních. Hà Nội rất lộn xộn về xã hội vì Pháp đang thua ở chiến trường, bọn ngụy thì sợ sệt, Bảo Đại chỉ làm bù nhìn. Kỳ thi tiểu học năm 1953 Pháp lên giây cót cho Bảo Đại bằng cách ra đề để Bảo Đại ký và rao trên báo: "Đề thi của Đức Quốc trưởng!". Lại thách thức tướng Giáp nhảy vào "cối xay thịt Việt Minh" ở Điện Biên. Toàn bộ chợ Đồng Xuân bãi thị, các bà búi tóc, áo dài, răng đen đi tuần hành, trương biểu ngữ đòi giảm thuế, đòi quyền sống. Bên chợ Mơ, chợ Hàng Da hưởng ứng, vào cứ vắng như nhà mồ, làm thành phố càng lung tung tợn.

Thời tiết ngày trước mùa nào ra mùa ấy. Xuân Giáp Ngọ 1954 Hà Nội ảm đạm và mưa phùn, trời lạnh liên miên nửa tháng. Ta chuẩn bị tấn công Điện Biên Phủ. Bọn mắt xanh mũi lõ ra đường là gặp ánh mắt khinh miệt của người dân. Có linh cảm đây là những ngày cuối cùng… Nhiều thanh niên đi xem ở Ma - giét - tích, Đại Nam, Bắc Đô… vừa tan thì hàng chục xe GMC chờ sẵn bịt bùng, lính nhảy xuống lùa thanh niên lên. Thanh niên trốn hàng loạt về quê, ra ngoại thành… Một mặt lùa lính người Việt đỡ đạn ở Điện Biên, mặt khác chính quyền gây những vụ làm dân chúng hoang mang. Tháng 2-1954 khu "đèn đỏ Phương Dung" sát phố Tuệ Tĩnh, Mai Hắc Đế bị tống tiền. Tháng 3 lại ném lựu đạn, tống tiền giáp Tô Hiến Thành… Hà Nội nơm nớp trong hoảng loạn, thì thầm về Điện Biên Phủ và hy vọng Việt Minh sẽ thắng. Trên trời liên tục ầm ì tiếng máy bay tiếp tế lên Điện Biên, cất cánh từ Cát Bi, Bạch Mai. Dần dần, sự cuống cuồng của con thú đã quá rõ. Người ta công khai chuyện chiến sự, kể cả các bà ngồi chợ.

Sau ngày 7-5-1954, báo trong thành phố đưa tin tới tấp. Có tờ chạy "tít" "Thất thủ ở Điện Biên Phủ". Dân hồ hởi lắm, hiểu đây là những ngày cuối cùng của kẻ thù. Bọn Tây ra đường có kiểu lấm lét của kẻ thất trận, không dám giả say quỵt tiền. Người Việt trong bộ máy ngụy hoảng loạn, nhiều anh tìm đường chuồn.

Rồi Giơnevơ ký, ấn định giới tuyến ở vĩ tuyến 17, ấn định ngày 10-10 quân của ta về. Nhà tôi dễ chịu hẳn, bố sống công khai, không phải trốn nữa. Năm 1946 tiêu thổ kháng chiến, công nhân phá nhà máy. Giờ, năm 1954, từ tháng 7 làm hoàn toàn ngược lại, giữ thiết bị, máy móc không cho địch mang đi hay phá hoại, chuẩn bị cho lực lượng của ta vào.

Con thú cùng đường càng phá dữ, cho nổ mìn phá chùa Một Cột, may chỉ bị ở phần ngoài. Lại lôi kéo đồng bào có đạo vào Nam với khẩu hiệu rất "Mất nước hơn mất Chúa". Và tuyên truyền chia rẽ kiểu "Kháng chiến về sẽ không được mặc áo dài, không được đánh móng tay móng chân, sẽ có “tắm máu”...”. Thế mà cũng có người bán tín bán nghi. Bố tôi và nhiều người khác phải giải thích rõ ràng về chính sách, giữ được khối người không đi Nam.

Ngày 9-10 tối mịt chẳng hiểu ông đi đâu về, kín kín hở hở với mẹ tôi rồi mở hòm cất giấy có vẻ quan trọng lắm. Đêm ấy yên ắng lạ thường, hình như cả Hà Nội không ngủ. Sáng 10-10, khoảng tám rưỡi bố tôi ra chợ Hôm về, ông đập cửa hô đến vỡ lồng ngực:

- Mở cửa ra, mở cửa ra, Việt Minh về rồi.
Cả phố túa ra, người già, thanh niên, trai gái, thiếu nhi ra đường hết…

Tiến Hồng