Kinh tế thế giới: Vẫn chưa thoát hiểm

Thế giới - Ngày đăng : 06:34, 06/09/2010

(HNM) - Sắc xanh phủ khắp thị trường chứng khoán toàn cầu trong tuần qua sau nhiều ngày ảm đạm đã mang lại cảm giác hứng khởi về đà hồi phục của nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên, dư luận chưa thể quay lưng với mối lo: con tàu kinh tế thế giới chưa thực sự thoát hiểm.

Thị trường nhà đất vẫn trong tình trạng khủng hoảng là vấn đề dai dẳng của nền kinh tế Mỹ.

Nguy cơ về một cuộc suy thoái mới trên hành tinh là chủ đề nóng bỏng trong ít ngày qua khiến các quốc gia phải cảnh giác. Cho dù chưa thật chắc chắn, song một thực tế đang ngày càng trở nên rõ ràng là nền kinh tế toàn cầu đang chìm dần vào trạng thái trì trệ.

Tăng trưởng dè dặt của hầu hết các nền kinh tế và các chính sách vĩ mô tại nhiều nền kinh tế hàng đầu gần như bế tắc trong nỗ lực nhanh chóng đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo hồi phục là tín hiệu cho thấy cỗ máy kinh tế thế giới đang trong đà giảm tốc đáng ngại.

Cho đến lúc này, con bệnh "giảm phát" từng tấn công nước Mỹ trong thời đại khủng hoảng (1930) đang hội tụ những yếu tố gây "nội thương" trầm trọng với nền kinh tế số 1 hành tinh. Các con số dương trong tăng trưởng như một bằng chứng cho việc GDP của Mỹ tăng chứ không sụt giảm đã che giấu sự thật về sức khỏe của đầu tàu kinh tế thế giới. Trên thực tế, tốc độ tăng trưởng trong quý II năm nay chỉ đạt 2,4%, giảm đáng kể so với 3,7% của quý I năm 2010 và 5,7% của quý IV năm 2009 là dấu hiệu cảnh báo về xu thế giảm phát và đình trệ kéo dài ở Mỹ.

Những dữ liệu kinh tế sống còn đang yếu đi đã phủ màu ảm đạm cho tương lai kinh tế xứ Cờ hoa. Cuối tuần qua, Bộ Lao động Mỹ cho biết 54.000 việc làm đã bị mất trong tháng 8, tiếp tục duy trì tỉ lệ thất nghiệp cao kỷ lục 9,6% từ tháng 5 đến nay. Con số này khẳng định các doanh nghiệp Mỹ chưa thể đem lại việc làm cho hàng triệu người lao động tại nước này. Trong khi đó, doanh số nhà đất chưa được cải thiện cùng sức tiêu dùng èo uột cũng cho thấy những biện pháp nới lỏng tiền tệ nhằm hỗ trợ tốc độ hồi phục mà Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đưa ra thời gian qua chưa đem lại kết quả như mong đợi. Dường như nước Mỹ đang gặp khó khăn lớn trước căn bệnh nan y đang đe dọa nền kinh tế.

Sức mua lớn từng tiếp sức cho con tàu kinh tế thế giới vượt qua nhiều trở ngại trong hơn một thập kỷ qua là nguyên nhân khiến nhiều chính phủ thời gian qua đã không ngần ngại tung ra những gói kích thích táo bạo. Song, đến nay, biện pháp bơm tiền tăng sức cầu này đã lộ rõ những rủi ro cho ngân sách quốc gia. Cảnh báo nợ công của các nước thuộc G-20 đã lên tới 97% GDP của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) buộc các nước phải đồng loạt xem lại túi tiền của mình trước khi có bước đi tiếp theo. Hậu quả của cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu từ Hy Lạp đến Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha... đưa nền kinh tế châu lục vào trạng thái ì ạch nhất trên bản đồ kinh tế thế giới là một cảnh báo về con dao hai lưỡi này. Nhưng ngược lại, việc thực thi những chính sách chi tiêu hà khắc để giảm áp lực ngân sách tại Lục địa già đã hình thành một rào cản đáng kể với chiến lược tăng trưởng. Thị trường tài chính vẫn trong tình trạng bất ổn, hoạt động cho vay của ngân hàng còn yếu và thể trạng của một số nền kinh tế châu Âu vẫn rất đáng quan ngại đã xóa bỏ tin vui về tăng trưởng GDP 2,2% của Đức trong quý II. Tâm lý cảnh giác đang khiến các hoạt động đầu tư bị hạn chế đáng kể tại châu Âu được nhìn nhận là lý do châu lục này gặp khó khăn trong tìm kiếm nấc thang tăng trưởng. Trong khi đó, khối nợ khổng lồ gấp đôi GDP của năm 2009 đang kéo tụt những nỗ lực chấn hưng nền kinh tế của Chính phủ Thủ tướng Naoto Kan. Mọi biện pháp thúc đẩy đà đi lên của kinh tế tỏ ra không tác dụng đã khiến nhiều người nghi ngờ kỳ vọng gói kích thích 11 tỷ USD vừa được Tokyo thông qua sẽ đưa xứ sở Hoa anh đào thoát khỏi bờ vực tái suy thoái.

Bóng ma với những thương tổn chưa lành của "Thập kỷ mất mát" với kinh tế Nhật Bản trong những năm 1990 đang có dấu hiệu trở lại với cấp độ toàn cầu. Trong bề bộn khó khăn, tuyên bố về các biện pháp kinh tế mới của Mỹ dự kiến được Tổng thống Barack Obama đưa ra trong tuần này cùng những nỗ lực từ hầu khắp các quốc gia tiếp tục được thực hiện cho thấy: cơn khủng hoảng kinh tế thật sự chưa đi đến hồi kết.

Vân Khanh