Mục tiêu là chất lượng
Giáo dục - Ngày đăng : 06:23, 06/09/2010
Giảm sự khác biệt giữa các vùng, miền
Nữ sinh Trường THPT Hà Nội - Amsterdam trong ngày khai giảng năm học mới 2010-2011. Ảnh: Viết Thành
Nâng cao dân trí, giảm dần sự khác biệt giữa các vùng, miền đã được ngành GD-ĐT xác định là một trong những mục tiêu quan trọng ngay khi Thủ đô vừa mở rộng địa giới hành chính. Mục tiêu ấy cùng với những chuyển biến khá căn bản về mọi mặt của giáo dục Hà Nội trong năm học 2009-2010 vừa qua là tiền đề để thầy và trò kiên trì nỗ lực. Để thực hiện mục tiêu ấy, trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới 2010-2011, Hà Nội đã và đang tập trung mọi nguồn lực để cải thiện các điều kiện dạy- học, nâng cao chất lượng giáo dục thực chất ở mỗi nhà trường.
Theo Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, muốn có "sản phẩm" đạt chuẩn thì các điều kiện làm ra nó cũng phải đạt chuẩn. Vì vậy, trong năm học 2010-2011, Hà Nội xác định tiếp tục tập trung đầu tư cải tạo, xây dựng các trường theo hướng đồng bộ, chuẩn hóa và từng bước hiện đại với đầy đủ hạng mục phụ trợ cho dạy - học như thư viện, nhà thể chất, nhà vệ sinh, công trình chiếu sáng… Kế hoạch xây dựng thêm 80 trường đạt chuẩn nhằm nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn của toàn TP lên khoảng 30% vào cuối năm nay là một thử thách không nhỏ, song điều quan trọng là phải làm sao để đội ngũ quản lý các trường đều hiểu rằng, việc xây dựng trường chuẩn quốc gia không phải là danh hiệu thi đua, mà là đòi hỏi thiết thân của mỗi nhà trường để cải thiện chất lượng dạy và học.
Cùng với việc nâng cao dân trí, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cũng sẽ là một nhiệm vụ quan trọng. Hà Nội có nhiều thuận lợi bởi tập trung đội ngũ thầy, cô giáo giỏi, cơ sở vật chất khá đồng đều, song yêu cầu của giai đoạn mới đòi hỏi phải có những đổi mới cụ thể, trong đó có việc tạo môi trường sinh hoạt, học tập, nâng cao kỹ năng thực hành cho HS, để thầy có thể dạy sáng tạo, trò được học chủ động. Với việc hoàn thành, đưa vào sử dụng công trình Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (kinh phí hơn 400 tỷ đồng) trong dịp khai giảng, năm học 2010-2011 đã đánh dấu một bước chuyển biến mạnh mẽ trong việc đầu tư, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn của Hà Nội.
Xây dựng thế hệ học sinh Hà Nội thanh lịch, văn minh Theo ông Nguyễn Hữu Độ, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học 2010-2011 có ý nghĩa đặc biệt đối với thầy và trò toàn ngành khi được chứng kiến thời khắc lịch sử của Thủ đô tròn 1000 năm tuổi. Góp phần vào sự kiện trọng đại ấy, từ nhiều tháng nay, những người làm công tác quản lý giáo dục, nhà khoa học đã hối hả biên soạn để hoàn thành cuốn tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh" nhằm đưa vào giảng dạy ngay trong năm học 2010-2011. Theo đó, ngay sau lễ khai giảng, tiết học đầu tiên của HS các trường trên địa bàn TP sẽ là bài học về Hà Nội, về những nét đẹp truyền thống văn minh, thanh lịch của người Hà Nội. Hiểu về con người, mảnh đất quê hương, mỗi HS sẽ vừa thấy tự hào, vừa thấy trách nhiệm của mình trong học tập, rèn luyện và phát huy giá trị truyền thống của Thủ đô.
Từng được biết đến với phong trào "Nhà giáo Hà Nội đỡ đầu HS nghèo", giúp cho hàng nghìn lượt HS khó khăn không bỏ lỡ cơ hội học tập, năm học này, hơn 2.000 cơ sở giáo dục sẽ tiếp tục hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng "Trường học thân thiện, HS tích cực", trong đó đặc biệt chú trọng tới việc dạy cho HS biết đồng cảm, sẻ chia. Cùng với tăng cường giáo dục đạo đức, pháp luật, trang bị những kỹ năng sống cần thiết và có hệ thống, việc đưa vào giảng dạy đại trà tài liệu "Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh" ở các nhà trường từ cấp tiểu học tới THPT sẽ góp phần định hướng và hình thành ở mỗi HS những kiến thức, kỹ năng để trở thành những con người có ích, sống có trách nhiệm.
Để đảm nhận những nhiệm vụ ấy, đội ngũ nhà giáo và quản lý giáo dục đóng vai trò then chốt, không chỉ trong việc giảng dạy, mà còn phải thực sự là những tấm gương về đạo đức, lối sống. Muốn thế, việc quan tâm, nâng cao chất lượng đội ngũ sẽ vừa là mục tiêu, vừa là động lực. Trong năm học này, Hà Nội sẽ chú trọng triển khai 3 nội dung: tiếp nhận và luân chuyển; đánh giá và bồi dưỡng; sử dụng và đãi ngộ. Trong đó, việc đánh giá giáo viên không chỉ căn cứ vào chuẩn đào tạo mà phải được triển khai thực chất thông qua sản phẩm đào tạo, các kiến thức, kỹ năng của chuẩn nghề nghiệp… Việc tuyển bổ sung gần 1.700 giáo viên cho các trường ngay trước thềm năm học mới với những thay đổi trong công tác tuyển dụng là minh chứng cho điều ấy.
Với khí thế và quyết tâm, ngành GD-ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục khẳng định vị thế là đơn vị dẫn đầu khối các sở GD-ĐT, xứng đáng với tấm Bằng khen mà Thủ tướng Chính phủ vừa trao tặng.
- Tổng kinh phí đầu tư xây dựng, cải tạo và sửa chữa năm 2010 TP ưu tiên đầu tư cho giáo dục là 2.900 tỷ đồng. - Hà Nội đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 24 trường học với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng; đang triển khai xây dựng hơn 3.000 phòng học mới để thay thế các phòng học tạm, phòng học bán kiên cố xuống cấp. - 12 triệu bản sách đã được cung ứng cho các nhà trường, bảo đảm không để HS nào thiếu sách ngay trong những ngày đầu năm học. |