Hy vọng vào tương lai gần
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:18, 06/09/2010
Cùng với học sinh, sinh viên là hơn 1 triệu thầy, cô giáo cũng đang có chung một mong muốn, đó là dạy tốt, đúng với lương tâm và trách nhiệm, vì thế hệ tương lai và cũng vì cuộc sống của mình.
Và lễ khai giảng năm học mới này cũng đúng dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Quốc khánh, chuẩn bị Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng XI. Là dịp Giáo sư Ngô Bảo Châu được nhận giải thưởng Felds - giải “Nobel trong toán học”. Sự kiện tựu trường năm nay vì thế không đơn thuần là niềm vui, mà còn là niềm tin về một tương lai giáo dục trình
độ cao.
Nói sự nghiệp giáo dục hôm nay là hy vọng cho một nền giáo dục Việt Nam trình độ cao, hiệu quả cao trong tương lai là bởi nếu chỉ nhìn vào những yếu kém, bất cập, tiêu cực trong giáo dục, không khỏi có người thất vọng. Nhưng gạt con sâu không phải là hất đổ cả nồi canh. Trong nhiều điều không hài lòng, vẫn cần tỉnh táo để trân trọng những thành tựu. Một hệ thống trường lớp đa hệ tới tận thôn, bản hẻo lánh, cho mọi tầng lớp xã hội. Một tỷ lệ người biết chữ đến suýt soát 100%. Một mặt bằng phổ cập tiểu học, trung học cơ sở, đôi nơi đến tận trung học phổ thông cho toàn tỉnh, toàn huyện. Hàng chục vạn cử nhân, kỹ sư, bác sĩ đã ra trường, đang có mặt ở tận các trạm xá, doanh nghiệp, các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… là điều không phải quốc gia nào cũng làm được.
Tuy thế, giáo dục là đầu tư cơ bản để đào tạo con người, là việc lớn nhất của quốc gia, là ươm mầm cho tương lai, vì thế không thể thỏa mãn với những gì đang có. Chế độ giáo dục hoàn toàn do nhà nước gánh vác có mặt hạn chế nhưng không thể phủ nhận những mặt mạnh, những kết quả to lớn của nó. Có thể nói tất cả các vị trí chủ chốt, ở mọi lĩnh vực đời sống, đã và đang làm nên nước Việt Nam hôm nay đều do những con người được giáo dục dưới mái trường XHCN, đã học sách giáo khoa ấy, được những thầy, cô giáo ấy dạy dỗ. Ngay những người đã ngã xuống để có được nền độc lập tự do hôm nay cũng là những người từ mái trường XHCN bước ra.
Cơ chế quản lý đất nước thay đổi, từ tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, từ nhà nước độc quyền quản lý sang xã hội hóa, một số cái cũ đã không còn lý do khách quan để tồn tại, cái mới chưa đến hoặc đến rồi nhưng chưa định hình, chưa được thừa nhận, là cơ sở cho những tiêu cực nảy sinh. Chất lượng giáo dục giảm sút do bị thương mại hóa; do những tiêu cực từ xã hội tràn vào. Tình trạng quản lý lơi lỏng, yếu kém. Những thử nghiệm không có hiệu quả. Tình trạng thiếu đồng thuận trên dưới về quan điểm giáo dục, về phương pháp quản lý đã triệt tiêu nhiều cố gắng, nhiều sáng kiến… Tất cả những điều đó đã gây bức xúc cho xã hội, đã khiến giáo dục trở thành vấn đề nóng hàng chục năm nay. Từ thực trạng đó, nói như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong lễ đón Giáo sư Ngô Bảo Châu về nước, là phải cải cách tận gốc hệ thống giáo dục nước ta.
Năm học mới lại đến, ngành giáo dục đang tiếp tục quá trình thử nghiệm tìm hướng đi lâu dài trong quá trình cải cách sâu sắc, triệt để đó… Đừng ca hát một chiều nhưng cũng đừng thất vọng buông xuôi. Một đất nước đang đi lên không bao giờ có một nền giáo dục tụt hậu. Vấn đề là đừng sốt ruột. Có thể mười năm nữa, nhiều năm nữa kể từ năm học mới này, nền giáo dục của chúng ta sẽ ngang tầm với đòi hỏi của đất nước, một nền giáo dục do chính những người đang ngồi trên ghế nhà trường hôm nay sẽ sáng tạo nên và trực tiếp quản lý. Đó là hy vọng và cũng là hiện thực trong tương lai gần.