Trăn trở việc học văn hóa của VĐV trẻ
Thể thao - Ngày đăng : 08:12, 05/09/2010
Một VĐV triển vọng như thế tất nhiên được báo chí tìm hiểu kỹ. Nhờ đó, một thông tin không mấy vui được lộ ra: Thạch Kim Tuấn tuy 16 tuổi nhưng chỉ mới học đến lớp 6 phổ thông. Với triển vọng lớn lao như thế, rồi đây Kim Tuấn thường xuyên có mặt trên các cuộc đua tranh quốc tế là chuyện đương nhiên. Nhưng với học lực như thế, em sẽ giao tiếp thế nào với bạn bè để họ hiểu Việt Nam nhiều hơn. Xa hơn, Tuấn sẽ phát huy khả năng của mình ra sao sau khi giã từ thể thao đỉnh cao?
Băn khoăn ấy là một lẽ tự nhiên. Với thể thao, tuổi nghề VĐV thường rất ngắn, quãng thời gian sau khi giã từ sân bãi mới là chính yếu. Khi sức đã xuống, nếu không có trình độ văn hóa phổ thông thì VĐV rất khó xoay sở trong cuộc sống, dù tiếp tục theo đuổi thể thao hay làm một nghề khác.
Lâu nay người ta đã bàn nhiều về sự khập khiễng trong đào tạo VĐV. Thực tế ấy đặt cho các nhà lãnh đạo ngành thể thao một bài toán: Đào tạo VĐV "đi được bằng 2 chân".
Khi đất nước chưa thống nhất, hàng loạt trường văn hóa - thể thao đã ra đời với mục tiêu đào tạo những VĐV toàn diện. Vừa tập luyện thể thao vừa học văn hóa (tất nhiên là chỉ học một số môn rất cơ bản), các VĐV trẻ được cung cấp tri thức để phát triển toàn diện. Năm 1967, Đội Thể Công trẻ sang Triều Tiên tập luyện 1 năm, Phòng Thể thao quân đội đã bố trí một nhóm giáo viên văn hóa đi cùng để việc học của các VĐV không gián đoạn. Trong các giải bóng đá trẻ, thời gian thi đấu thường kéo dài, nhiều địa phương còn bố trí giáo viên văn hóa đi cùng để bảo đảm quyền lợi học tập của các em. Đã có rất nhiều địa phương làm tốt việc dạy văn hóa trong trường TDTT và Trường Văn hóa - Thể thao Hà Nội là ngọn cờ đầu. Sau khi giã từ sân bãi, nhiều VĐV học tiếp chuyên tu, tại chức của trường ĐH như TDTT, Bách khoa, Xây dựng; có người đã đạt được học vị Tiến sĩ TDTT như ông Hoàng Vĩnh Giang, ông Dương Đức Thủy.
Chính vì thế, khi làm Giám đốc Sở TDTT Hà Nội, ông Hoàng Vĩnh Giang đã rất quan tâm đến việc tạo môi trường học văn hóa cho các VĐV trẻ. Đa số VĐV dưới thời của ông khi giã từ sân bãi đều theo học các lớp chuyên tu đại học TDTT và tiếp tục làm việc trong lĩnh vực này. Còn Tiến sĩ Dương Đức Thủy trở thành Trưởng bộ môn Điền kinh của Tổng cục TDTT, HLV trưởng Đội tuyển Điền kinh Việt Nam ở các kỳ SEA Games. Dưới sự chỉ đạo của ông, Đội tuyển Điền kinh Việt Nam luôn gặt hái HCV vượt chỉ tiêu. Ông "bật mí" về công việc của mình: "Làm HLV trưởng ĐTQG phải hơn đồng nghiệp một cái đầu. Điều đó chỉ có được nếu có vốn văn hóa tốt".
Ở các nước tiên tiến, khi đưa con em vào các trường thể thao, bao giờ gia đình cũng ký với nhà trường một bản hợp đồng có nhiều nội dung nhưng điều khoản "nhà trường bảo đảm cho con chúng tôi được học hết phổ thông" bắt buộc phải có.
Việc VĐV 16 tuổi Thạch Kim Tuấn mới học hết lớp 6 đáng phải suy nghĩ. Phải chăng, địa phương vì chạy theo thành tích mà quên mất quyền lợi chính đáng của VĐV? Đã có người nói rằng bây giờ, khi thể thao đang tiến tới chuyên nghiệp, thành tích thể thao mới quan trọng vì nó đem lại tiền bạc ngay (nhất là ở môn bóng đá), chuyện học văn hóa của VĐV bị xem nhẹ. Nếu tư tưởng ấy có thật thì vô cùng nguy hiểm vì nó sẽ đưa VĐV trở về thời kỳ "tứ chi phát đạt, đầu óc đơn thuần", hoàn toàn đi ngược lại thời đại. Một khi trình độ văn hóa kém, nó sẽ kéo theo những hệ lụy không ngờ.