Nước mắt ngày trở về
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:48, 05/09/2010
Phạm nhân Trại giam Hoàng Tiến (Bộ Công an) xem danh sách đặc xá đợt 2-9-2010. |
Mọi con đường phạm tội đều dẫn đến... trại giam
Con đường phạm tội của hoa khôi Trại Tạm giam số 1 - CATP Hà Nội Trương Thị Phương Thảo (SN 1988) vừa đáng thương vừa đáng trách. Đang học năm thứ 3 Cao đẳng Tài chính Bắc Ninh, nhan sắc xứ Tuyên mặn mà của cô nữ sinh học giỏi, chăm ngoan lọt vào "tầm ngắm" của nhiều đại gia, và "con nai vàng ngơ ngác" vướng vào cạm bẫy cuộc đời từ lúc nào không biết. Những cuộc tiệc tùng thâu đêm suốt sáng đã biến cô nữ sinh thành dân chơi thứ thiệt. Với nhan sắc và chút kiến thức, Thảo không cam chịu làm đàn em mà tự đứng ra tổ chức và điều hành một đường dây mại dâm gây nhức nhối một vùng quê. Hậu quả của thói ham vui và mong có thật nhiều tiền, dù là tiền phi pháp đã khiến Thảo phải trả giá. "Lầu xanh" bị triệt phá, Thảo phải chịu hình phạt thích đáng bằng bản án 20 tháng tù giam.
Thảo kể, hôm tòa xét xử tội tổ chức và chứa mại dâm, cô không dám nhìn bố. Ánh mắt nghiêm nghị nhưng đầy xót xa, đau đớn của người cha đã làm cô khóc bao đêm, nhưng cũng chính ánh mắt đó là chỗ dựa tinh thần để Thảo quyết tâm làm lại cuộc đời. Có một thay đổi như bước ngoặt đối với cô gái trẻ này sau buổi giao lưu giữa các thủ khoa và phạm nhân do Thành đoàn và CATP tổ chức vào tháng 7 vừa qua. Sau buổi giao lưu ấy, Thảo sống cởi mở, tự tin hơn. Cô cho biết, cả nhà đã hứa xuống đón em về. Em không biết bố có xuống không, nhưng em sẽ xin lỗi bố và hứa làm lại từ đầu, năm nay em mới 23 tuổi, cánh cửa giảng đường vẫn còn mở với em.
"Dung hoa hậu" - đó là cái tên mà giới giang hồ gọi Nguyễn Thị Phương Dung (SN 1993) khi còn là "thủ lĩnh" băng cướp "tuổi teen" chuyên chặn xe, đánh người, cướp tài sản hai năm trước. 14 tuổi, cao 1m70, vóc dáng cân đối, khuôn mặt thanh tú cộng với ba năm "ăn ghế đá, ngủ công viên" đã bồi đắp thêm cho Dung những đức tính ngang tàng, liều lĩnh của một "đại tẩu" khiến đám đệ tử vừa thích, vừa phải vị nể. Dung là "đại tẩu" từ năm học hết lớp 6 sau khi bỏ học theo đám bạn chát lên Hà Nội. Tập tọe qua lại với đám anh chị, Dung lấy "nghệ danh" là Nguyễn Tú Linh, cầm đầu băng nhóm chỉ có hai nữ, còn lại là nam trong đó có đồng bọn hơn Dung tới 5-6 tuổi. Một đêm trung tuần tháng 8-2007, "đại tẩu Tú Linh" dàn dựng phi vụ cướp xe máy của một đôi nam nữ trên địa bàn xã Trung Hòa, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên.
Dưới sự chỉ huy của cô bé 14 tuổi, phi vụ trót lọt, nạn nhân bị thương. Có được số tiền 10 triệu đồng từ việc đặt chiếc xe máy cướp được, Linh dẫn cả nhóm huênh hoang vác đi tiêu xài. Một thời gian ngắn sau, vụ án bị phanh phui, với vai trò chủ mưu, Dung bị kết án 4 năm rưỡi tù giam. Theo các cán bộ trại giam Hoàng Tiến, ngày mới vào, Dung tỏ vẻ bất cần và sẵn sàng đánh nhau với bạn tù chỉ vì mâu thuẫn nhỏ. Để có được một Nguyễn Thị Phương Dung như ngày hôm nay, các nữ quản giáo đã phải mất rất nhiều công sức. Cô gái mới lớn được hướng dẫn làm quen với lao động bắt đầu từ công việc nhẹ nhàng là dán giấy bạc. Qua công việc, các chiến sỹ CA đã tiếp cận, tìm hiểu, động viên, khuyên Dung nên cải tạo tốt để hưởng chính sách khoan hồng. Và mầm thiện gieo đã nảy nở, đơm trái. Cán bộ quản giáo Phân trại K1, Trại giam Hoàng Tiến kể, Dung làm việc chăm chỉ và bắt đầu học hát. Khi biết sắp được về nhà, ngày nào Dung cũng hát. Trong buồng giam, tiếng hát tuổi 17 trong veo của cô bé khơi dậy nhiều khát khao hoàn lương.
Vóc người nhỏ thó với nụ cười ngượng ngùng như con gái, Nguyễn Đức Hậu (SN 1989) khiến ít người nghĩ rằng cậu ta từng phạm tội cướp giật. Là con trong một gia đình khá giả ở Tiên Lãng, Hải Phòng, Hậu được cha mẹ chăm chút để trở thành sinh viên Cao đẳng Điện. Lên Hà Nội học, Hậu tiếp tục được chu cấp không thiếu gì. Nhưng trong nhiều lần đi chơi với lũ bạn hư hỏng, Hậu đã trượt dài từ một con ngoan, trò giỏi trở thành một tay chơi. Tiền không thiếu, xe cộ không phải vấn đề, điều mà Hậu muốn khẳng định với chúng bạn trên thành phố chính là bản lĩnh một dân chơi. Hậu và đồng bọn đã gây ra 2 vụ cướp điện thoại di động. Giá phải trả cho những giây phút ngẫu hứng tìm cảm giác mạnh đó là 36 tháng tù cùng quyết định buộc thôi học đối với cậu sinh viên năm thứ 3 này. Hơn 23 tháng thụ án là quá dài, nhiều lúc Hậu cảm thấy chán nản vô cùng. Nhưng mỗi lần chán nản suy sụp, Hậu lại được Trung úy Nguyễn Anh Dũng, cán bộ quản giáo giúp đỡ. Theo lời Hậu, chuyện của thầy Dũng đầy chất nhân văn với bao nghĩa cử tốt đẹp mà con người cần đối xử với nhau, như việc phải giúp đỡ khi người khác gặp khó khăn...
Những câu chuyện của thầy làm Hậu thấy xấu hổ và dằn vặt khi nhớ lại hình ảnh người phụ nữ ngã dúi ngã dụi khi bị Hậu và đồng bọn cướp chiếc điện thoại di động... Bài học lớn nhất đối với Hậu trong những ngày được giáo dục trong trại chính là đã biết phân biệt tốt, xấu. Khi ngày về chỉ còn tính bằng giờ khiến Hậu ngổn ngang tâm trạng. Cậu khẳng định sẽ không bao giờ liên hệ với bạn xấu nữa và mong muốn bạn bè, gia đình và xã hội tha thứ để làm lại cuộc đời. Ước mơ hoàn lương của Hậu thật giản dị: "Nếu còn gặp lại hình ảnh có người bị ngã trên đường vì gặp lũ bất lương, em sẽ đuổi theo bắt tên cướp, vì em biết những người vấp ngã sẽ còn rất nhiều người tốt khác giúp đỡ. Bản thân em vẫn tự hứa sẽ trở lại trại thăm các thầy, thăm những người bạn tốt khi thành đạt sau này".
Phạm nhân Trại tạm giam số 1 - CATP Hà Nội nghe cán bộ quản giáo dặn dò trước khi được đặc xá. Ảnh: Dương Hiệp |
Cảm hóa phạm nhân bằng lòng nhân ái
Ngày trại tổ chức liên hoan văn nghệ mừng ngày đặc xá, người ta thấy phạm nhân "đại gia" Phan Đình Trịnh Giang (SN 1975) ngồi chăm chú nghe hát, đôi lúc còn huýt gió theo bài "Dòng máu Lạc Hồng". Kể lại chuyện mình, Giang thừa nhận: "Trước đây, tôi kiếm được khá nhiều tiền. Thế rồi vào ngày bạn tôi tổ chức sinh nhật, do biết tôi quen nhiều dân chơi, nó năn nỉ nhờ mua giúp 50 viên thuốc "lắc" để sinh nhật thêm sôi động. Không hiểu ma xui quỷ khiến thế nào, tôi đã giúp hắn và phải trả giá bằng gần 27/36 tháng tù giam. Khi mới vào trại, mọi thứ với tôi dường như sụp đổ…". Theo cán bộ quản giáo, thời gian đầu vào trại, Giang tỏ ra rất hụt hẫng và suy sụp, chẳng chịu ăn uống, gầy đi trông thấy. Cán bộ quản giáo phải mất khá nhiều thời gian gần gũi, khuyên nhủ Giang cố gắng phấn đấu cải tạo thật tốt, để được trở về trước thời hạn. Giang tâm sự: "Tôi nghĩ về mình mà thấy ân hận. Cứ suy sụp như thế này thì cũng chẳng thể thay đổi được gì. Chính các anh quản giáo đã động viên cho tôi hiểu, tội lỗi mình gây ra, mình phải gánh chịu và hơn nữa, phải cố gắng cải tạo thật tốt để sớm được trở về với gia đình và xã hội".
Thượng tá Bùi Ngọc Bình, Giám thị Trại Tạm giam số 1 kể, ngày đầu mới vào trại, đa số phạm nhân tỏ ra bất cần, chống đối, số khác thì thu mình, không chịu hòa nhập, cá biệt có những phạm nhân vẫn "ngựa quen đường cũ", lại vi phạm nội quy của trại.
Trong trại còn có một số phạm nhân luôn tìm cách "chơi" lại cán bộ. Họ không thích cán bộ, y, bác sỹ nào, thì sẽ tìm cách dò hỏi lịch trực, đến ngày cán bộ đó trực, một tối phạm nhân kêu đau bụng bốn, năm lần. Khi khám thì cứ chỉ lung tung, lúc đau bên trên, lúc lại chạy xuống dưới. Mình biết là họ cố tình làm cho các giám thị trực ăn không ngon, ngủ không yên, nhưng cán bộ, chiến sỹ trong trại luôn tâm niệm, dù thế nào, trong mỗi phạm nhân đều có phần thiện, phần nhân tính, nếu biết khơi gợi, cảm hóa, họ đều có thể trở thành người tốt. Chính vì xác định như thế nên nhiều cán bộ, y sỹ không quản ngày đêm tận tình chăm sóc bệnh nhân và những giọt mồ hôi, những đêm thức trắng của các giám thị đã góp phần đánh thức phần người trong tâm hồn nhiều phạm nhân.
Chẳng gì ngăn nổi những giọt nước mắt lúc chia tay. Nhiều phạm nhân, khi còn tung hoành trên "giang hồ" khét tiếng là lì lợm, vậy mà giờ cũng thút thít như con trẻ. Có phạm nhân trầm ngâm ví von: Lúc chào đời cha mẹ cho chúng tôi tiếng khóc làm người; sau khi phạm tội, vào tù được cán bộ cảm hóa, nay ra trại, cán bộ cho chúng tôi những giọt nước mắt để nhận rõ hơn giá trị đích thực của cuộc sống lương thiện. Sẽ không bao giờ chúng tôi quên.