Vấn đề là đầu tư thế nào!

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:48, 05/09/2010

(HNM) - Đầu tư cho con người là quan trọng nhất và hiệu quả nhất trong các hình thức đầu tư. Bởi đó là đầu tư cho trước mắt cũng như lâu dài, cho gia đình cũng như xã hội, cả về khía cạnh vật chất cũng như tinh thần.

Đầu tư vào con người, vào giáo dục, một lĩnh vực quan tâm đặc biệt của Nhà nước và xã hội, của mỗi gia đình và mỗi người. Trung bình nước ta cứ 4 người thì có 1 đang đi học! Và chi tiêu rất tốn kém.

Ở thành phố lớn, mỗi tháng phụ huynh phải chi cho một học sinh tiểu học không dưới 500 nghìn đồng, đó là chưa tính học phí, đồng phục và một số đóng góp khác. Và càng học lên càng tốn.

Nhà nước chi ngân sách không ít cho giáo dục. Mỗi năm ngân sách "cấp" cho mỗi cháu mầm non chừng 3,4 triệu đồng; tiểu học - 2,5 triệu đồng; THCS - 2,4 triệu đồng; THPT - 2,9 triệu đồng; học nghề từ 1,3 đến 3,8 triệu đồng; trung cấp chuyên nghiệp - 4,2 triệu đồng và đại học - 5,2 triệu đồng...

Những lượng tiền khổng lồ ấy (chưa tính đến công sức và nhiều phát sinh khác) mang lại hiệu quả chưa được như mong muốn. Chất lượng giáo dục của chúng ta, từ mầm non tới đại học, từ lâu đã làm Nhà nước và xã hội, nhà trường và gia đình bàn luận nhiều, cả về kiến thức lẫn nhận thức, cả về đạo đức lẫn ý thức xã hội.

Hình như giờ đây chỉ còn sinh viên là còn có hè. Học sinh các cấp đã từ lâu quên mất niềm vui háo hức đợi ve kêu, hoa phượng nở; thậm chí mấy tháng không học chính thức thì học thêm càng căng hơn, nhiều hơn. Hệ lụy là các cháu nhỏ chẳng còn nỗi hồi hộp mong sáng đầu tiên tựu trường, vào lớp 1. Chưa kịp rời ghế mẫu giáo đã phải cuống quýt theo bố mẹ đến nhà cô học thêm để chuẩn bị cho ngày đầu tiên đi học, ngày đầu tiên tới trường. Đi kèm theo cái sự học nhọc nhằn đó là chi phí không hề nhẹ mà các bậc phụ huynh phải lo. Chương trình giáo dục lại thường xuyên cải cách mà kiến thức nghe chừng chưa được cải tiến nhiều, nhất là kiến thức về xã hội, lịch sử, địa lý của đất nước.

Và ý thức cộng đồng, nếp sống xã hội; hành vi ứng xử nơi công cộng của học sinh chưa thực sự được quan tâm đúng mức trong đào tạo.

Mỗi năm gia đình cũng như xã hội càng thêm đầu tư nhiều hơn vào giáo dục. Điều đó cũng hợp lẽ - khao khát học hỏi vốn là một trong những truyền thống đặc trưng của người Việt. Lợi ích trăm năm không chỉ ở chỗ để "con hơn cha", mà trước hết là vì một tương lai tốt hơn cho các thế hệ mai sau, cho tương lai đất nước.

Vấn đề đến đây không phải là "đầu tư" bao nhiêu mà ở chỗ phương thức sử dụng nguồn vốn đầu tư, cách quản lý, phát triển lĩnh vực đầu tư quan trọng bậc nhất này của chúng ta chưa được nghiên cứu khoa học, nghiêm túc. Và còn thứ quan niệm trong lĩnh vực này - kiểu như "Lễ" chỉ chung chung, không thực tế, "Văn" chạy theo chữ nghĩa, bằng cấp hơn là tính thực tế của Học là để Hành.

Thế nên đầu tư vào con người sao cho hiệu quả vẫn là điều trăn trở trong ngày hội khai trường.

Nguyễn Triều