Công dân văn minh

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:23, 04/09/2010

(HNM) - Ngày Tết Độc lập, Hà Nội bất chợt dịu dàng đến khó tả, đến ngỡ ngàng với nhiều người bởi một tiết trời thu đẹp lãng mạn. Hình ảnh về một Hà Nội ngàn năm thêm lắng sâu, đọng mãi trong lòng người…

Nhưng (tiếc là vẫn chữ "nhưng" đáng buồn), một cảm giác mất mát vì sau đêm pháo hoa nức lòng người thì khu vực quanh hồ Gươm cũng tan tác, nhếch nhác khi hoa cỏ bị giày xéo, rác xả ngập lối đi, bị ném lềnh phềnh trên làn nước xanh… Sau vài "sự cố" đáng tiếc khiến dư luận bùng lên bàn luận cách đây ít lâu xảy ra ở một số lễ hội hoa, tưởng rằng ta sẽ không phải gặp lại cảnh chướng mắt ấy nữa. Nhưng xem ra câu chuyện vẫn còn phải nói dài dài. Giống như trước đây, dư luận cũng đã từng nhiều lần phát hoảng khi chứng kiến con đường đẹp nhất Thủ đô (đường Nguyễn Chí Thanh) cứ mỗi lần có dịp lễ hội gì đó là lại nát bươm vì sự giẫm đạp của những nam thanh, nữ tú Hà thành vốn được xếp vào diện "văn minh, hiện đại".

Hà Nội bây giờ là thành phố của hội nhập, của giao thoa văn hóa. Cũng đã có người quan niệm rằng "Hà Nội đủ tinh tế, thừa bao dung để đón nhận tất cả". Nhưng quả thật, cái sự tùy tiện, bừa bãi đến thái quá thật khó chấp nhận. Chen lấn, xả rác, nói tục, chửi thề nơi công cộng và nhiều hành vi không đẹp khác không chỉ phản ánh một lối hành xử công cộng kém văn hóa mà còn làm xấu đi những nét truyền thống thanh lịch của người Hà Nội từ hàng ngàn năm nay.

Ngày nay, trong điều kiện xã hội ngày càng phát triển, chúng ta đang cố gắng để xây dựng một xã hội văn minh mà ở đó ý thức công dân là yếu tố trung tâm. Ý thức công dân được xây dựng trên cơ sở các chuẩn mực và quy ước xã hội, nó thuộc về mỗi cá nhân, nhưng khi được thể hiện ra nơi công cộng thì có tác động đến xã hội. Chính vì thế văn hóa giao tiếp, ứng xử nơi công cộng được xem là một tiêu chuẩn quan trọng của mỗi công dân - nói cách khác đó là tiêu chuẩn quan trọng của một công dân văn minh. Hành động giúp người già trên xe buýt, nhường nhịn nhau khi tham gia giao thông, xếp hàng khi mua vé vào rạp hát, sân vận động hay ở bến xe, ga tàu..., tuy nhỏ nhưng thể hiện được nếp sống văn hóa của một công dân văn minh, hiện đại.

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, ngày lễ trọng không chỉ thành phố Hà Nội mà cả nước đều đang nỗ lực để sao cho đẹp nhất, nhưng nếu những việc đạp nát hoa, xả rác thoải mái nơi công cộng như trong đêm pháo hoa đã nói ở trên còn tái diễn thì chúng ta sẽ làm giảm đi rất nhiều hình ảnh đẹp, thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế. Và hơn thế, chúng ta sẽ tự làm giảm đi những giá trị truyền thống đáng quý được xây dựng từ ngàn năm của Thủ đô văn hiến.

Nữ Quỳnh