Khởi tố 4 bị can liên quan đến sai phạm tại Tập đoàn Vinashin

Pháp luật - Ngày đăng : 17:00, 03/09/2010

(HNMO)- Được sự phê chuẩn của Viện KSND tối cao, trưa nay (3/9), Cơ quan ANĐT-Bộ CA đã bắt giữ, khám xét, tạm giam đối với 4 bị can, trong đó có Trần Quang Vũ, nguyên Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

Ông Trần Quang Vũ, nguyên Tổng Giám đốc điều hành Vinashin.

(HNMO)- Được sự phê chuẩn của Viện KSND tối cao, trưa nay (3/9), Cơ quan ANĐT-Bộ CA đã bắt giữ, khám xét, tạm giam đối với 4 bị can, trong đó có Trần Quang Vũ, nguyên Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin).

*
Nhấn vào đây để xem toàn văn thông báo của Cơ quan An ninh điều tra.

3 bị can còn lại là Trần Văn Liêm, nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, Trưởng ban Kiểm soát Tập đoàn; Nguyễn Văn Tuyên nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh và Nguyễn Tuấn Dương, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thép Cái Lân - Vinashin.

Các bị can này bị khởi tố và tạm giam về hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nuớc về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.


Trước đó, như đã đưa tin, Cơ quan ANĐT – Bộ CA khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Phạm Thanh Bình, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Vinashin. Căn cứ tài liệu, chứng cứ điều tra và lời khai nhận của bị can Phạm Thanh Bình, CQĐT nhận thấy, có căn cứ xác định 4 bị can trên đã có hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng trong quá trình thực hiện các dự án: Mua tàu cao tốc Hoa Sen, đầu tư Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng và bán tài sản thế chấp tại Tổng Công ty công nghiệp tàu thuỷ (CNTT) Nam Triệu.

Cụ thể, ông Trần Quang Vũ (SN 1958 tại Hải Dương, HKTT: Số 40, Ngõ 1, đường Hai Bà Trưng, Phường An Biên, quận Lê Chân, TP.Hải Phòng) trong thời gian làm TGĐ Tổng Công ty CNTT Nam Triệu, mặc dù biết Chính phủ không cho phép mua tàu cũ để sử dụng, nhưng vẫn cùng với Phạm Thanh Bình lập dự án hoán cải tàu Bạch Đằng Giang (do Ba Lan sản xuất năm 1973), là loại tàu được Nam Triệu mua với mục đích để phá dỡ bán sắt vụn.

Ông Vũ dùng con tàu này để thế chấp Công ty Tài chính CNTT thuộc Tập đoàn Vinashin (Công ty Tài chính) để vay 106 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ. Khi tàu này không sử dụng được, ông Vũ đã phá dỡ con tàu này để bán sắt vụn khi chưa được sự đồng ý của lãnh đạo Tập đoàn Vinashin và không thông báo cho Công ty Tài chính là đơn vị nhận thế chấp. Số tiền bán sắt vụn thu được cũng không hoàn trả cho Công ty Tài chính. Hậu quả là tài sản Nhà nước thế chấp bị mất. Hành vi của Trần Quang Vũ đã vi phạm Quyết định số 36/2006/QĐ-BTC ngày 7/7/2006 của Bộ Tài chính, gây hậu quả kinh tế đặc biệt nghiêm trọng.

Ông Trần Văn Liêm (SN 1955, tại Ninh Bình; HKTT: Phòng 1208, nhà 17T6, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) trong thời gian làm TGĐ Công ty TNHH Một thành viên vận tải Viễn Dương Vinashin, được Phạm Thanh Bình giao làm chủ đầu tư dự án mua tàu cao tốc Hoa Sen, việc này đã làm trái với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nêu trong công văn số 1956/VPCP ngày 12/4/2007 và Công văn số 3688/VPCP ngày 3/7/2007 của Văn Phòng Chính phủ.

Mặt khác, trong quá trình mua tàu, Trần Văn Liêm đã không tổ chức chào hàng cạnh tranh, ký hợp đồng mua tàu trước khi lập dự án, không khảo sát kỹ thuật trước khi nhận tàu, trái với Nghị định số 49/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quy trình mua bán tàu biển. Hậu quả khi tàu này nhập vào Việt Nam bị nứt đáy phải sửa chữa và hoạt động kinh doanh không hiệu quả, gây thiệt hại kinh tế đặc biệt nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Văn Tuyên (SN 1962 tại Nam Định, HKTT: nhà số 7, lô 21-BT1, khu đô thị Mễ Trì Hạ, Từ Liêm, Hà Nội) và ông Nguyễn Tuấn Dương (SN 1966 tại Hưng Yên, HKTT: số 17 phố Lãn Ông, Hồng Bàng, Hải Phòng). Mặc dù biết Chính phủ không cho phép thực hiện đầu tư xây dựng dự án nhà máy nhiệt điện Sông Hồng tại Nam Định nhưng ông Phạm Thanh Bình, ông Nguyễn Văn Tuyên và Nguyễn Tuấn Dương vẫn quyết định xây dựng nhà máy nói trên và giao cho Nguyễn Văn Tuyên làm chủ đầu tư và Nguyễn Tuấn Dương làm tổng thầu.

2 ông này đã quyết định mua 2 nhà máy nhiệt điện cũ sản xuất từ những năm 60 của thế kỷ trước của Hàn Quốc, đã ngừng hoạt động từ 2004, trong đó có các biến thế chứa chất độc hại mà Chính phủ Hàn Quốc cấm xuất, Chính phủ Việt Nam cấm nhập. Nguyễn Văn Tuyên và Nguyễn Tuấn Dương đã sử dụng giấy tờ giả mang danh Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương để nhập số thiết bị trên về Việt Nam gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

1, Trần Quang Vũ, sinh ngày 21/01/1958 tại Hải Dương; đăng ký hộ khẩu thường trú: số 40, ngõ 11, đường Hai Bà Trưng, phường An Biên, quận Lê Chân, TP Hải Phòng; nghề nghiệp: nguyên Ủy viên Hội đồng Quản trị, nguyên Tổng Giám đốc điều hành Vinashin.

2, Trần Văn Liêm, sinh ngày 17/7/1955 tại Ninh bình; đăng ký hộ khẩu thường trú: Phòng 1208, nhà 17T6, khu đô thị Trung Hòa-Nhân Chính, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội; nghề nghiệp: nguyên Ủy viên Hội đồng quản trị, nguyên Trưởng Ban kiểm soát Tập đoàn Vinashin.

3, Nguyễn Văn Tuyên, sinh ngày 7/9/1962 tại Nam Định; đăng ký hộ khẩu thường trú: nhà số 07, lô 21-BT1, khu đô thị Mễ Trì Hạ, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội; nghề nghiệp: nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh.

4, Nguyễn Tuấn Dương, sinh ngày 7/1/1966 tại tỉnh Hưng Yên; đăng ký hộ khẩu thường trú: số 17 phố Lãn Ông, phường Quang Trung, quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng; nghề nghiệp: nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần đầu tư Cửu Long, nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên thép Cái Lân Vinashin.

P.V