Âm thầm làm việc nghĩa
Đời sống - Ngày đăng : 06:08, 02/09/2010
Năm 1993, gia đình ông Líu nhận được lá thư gửi từ Sư đoàn 312, báo tin mộ liệt sỹ Lê Văn Nho (em ruột vợ ông), chiến sĩ của đơn vị, hy sinh năm 1972 tại chiến trường Phước Môn (Quảng Trị), đã được quy tập về Nghĩa trang Hải Thượng (Hải Lăng, Quảng Trị). Lập tức, ông Líu cùng người nhà vào Quảng Trị tìm thân nhân liệt sỹ, nhưng không thấy. Sau đó, ông lại lặn lội tìm đến nơi Sư đoàn 312 đóng quân, hỏi rõ sự tình thì được trả lời: "Các vị tiền nhiệm họ đã về nghỉ cả rồi". Trở về trong nỗi thất vọng thì tình cờ ông nhận được lá thư của người bạn gửi từ Quảng Trị kèm tờ báo với lời nhắn: "Ở trong này có một bài báo. Anh hãy đọc cho cụ ngoại nghe để cụ hiểu tấm lòng của đồng bào đối với các liệt sỹ". Đọc bài báo, thấy trên mục "Nhắn tìm đồng đội" có 7 liệt sỹ thuộc Quảng Ninh, Hà Nam Ninh (cũ), Thanh Hóa mới quy tập ở các nghĩa trang về nghĩa trang trung tâm Hải Lăng (Quảng Trị). "Đăng ở báo địa phương thì ít gia đình ở tỉnh khác biết được" - ông nghĩ vậy rồi nảy ra sáng kiến photocopy tên từng liệt sỹ, từng địa chỉ (kèm theo địa chỉ của mình) và gửi tới thân nhân họ. Kết quả sau một thời gian, ông nhận được thư hồi âm đều với nội dung: "Nhờ ông báo giúp, gia đình vào tìm và đã đưa được hài cốt liệt sỹ ra ngoài này…".
Từ đó, ông Líu theo dõi rất chặt chẽ mục "Nhắn tìm đồng đội" trên đài phát thanh, đài truyền hình, dùng băng ghi âm thu lại; lục tìm tất cả các tờ báo có mục này cả cũ, mới và ghi chép lại cẩn thận tên, tuổi, địa chỉ các liệt sỹ. Ông làm như vậy, một mặt là để tìm kiếm thân nhân, mặt khác dựa vào đó có thể gửi thư thông báo cho các gia đình thân nhân liệt sỹ khác. Ông làm một cách chăm chỉ, miệt mài. Có đêm, ông ngồi một mình tới tận 2-3h sáng để viết hàng trăm địa chỉ khác nhau thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước. Những địa chỉ thấy chưa chắc chắn, ông viết thư, gọi điện thoại trực tiếp đến nơi cung cấp địa chỉ, hỏi lại cặn kẽ…
Ông tâm sự: "Chúng tôi cũng có người thân là liệt sỹ, còn chưa tìm thấy nên rất thấu hiểu nỗi lòng của các gia đình cùng cảnh ngộ. Bởi thế, tôi làm việc nghĩa không hề quản ngại”. Trung bình cứ 10 thư gửi đi, ông nhận được 3 thư hồi âm. Hiện ông đang giữ tới hàng nghìn thư hồi âm, cất gọn gàng trong tủ. Nội dung nhiều thư hồi âm viết rất cảm động, tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Thư của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Hợi ở Quỳnh Bá (Quỳnh Lưu - Nghệ An) viết: "Thư ông báo tin cho gia đình về liệt sỹ Lê Minh Bình, hiện đang nằm tại Nghĩa trang Đắc Tô (Kon Tum). Gia đình rất cảm phục và biết ơn ông vô cùng. Từ trước đến nay, gia đình cũng đã tìm kiếm khắp nơi, nhưng không có cơ quan, đơn vị nào biết được mộ liệt sỹ Lê Minh Bình nằm ở đâu. May sao, được ông báo tin, chúng tôi mới biết. Ân nghĩa này gia đình chúng tôi không bao giờ quên"… Có không ít người, nhất là các cụ già đã không quản đường sá xa xôi trực tiếp tìm đến nhà ông Líu cảm ơn ân nhân. Có người nhận ông Líu là anh em kết nghĩa, bố nuôi… Còn ông - ông chỉ cười trừ: "Những việc tôi đã và đang làm chỉ là việc nhỏ - nó là việc nghĩa. Tôi cũng coi đó như là công việc tìm kiếm phần mộ liệt sỹ cho chính gia đình mình".