Khải hoàn ta ca
Chính trị - Ngày đăng : 05:51, 02/09/2010
Tháng Tám năm 1945, chỉ trong chừng nửa tháng, Đảng ta với hơn 5.000 đảng viên, đã lãnh đạo toàn dân đứng lên giành chính quyền trong cả nước. Và từ khi chính quyền ở Hà Nội về tay nhân dân tới ngày Quốc khánh 2-9, ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố với toàn thế giới rằng “nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập và thật sự đã trở thành một nước tự do và độc lập”. Bốn tháng sau, kỳ họp đầu tiên của Quốc hội nước Việt Nam mới long trọng khai mạc và thông qua Hiến pháp khẳng định chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước ta. Những khối lượng công việc khổng lồ, quyết định vận mệnh của dân tộc được tiến hành trong những thời gian kỷ lục. Đó là Cách mạng. Cách mạng vĩ đại.
Nhưng để thực sự trở thành một nước Việt Nam độc lập, tự do và toàn vẹn lãnh thổ từ Bắc tới Nam, chúng ta còn phải trải qua một chặng đường dài đầy gian khổ, hy sinh. Chúng ta phải trải qua 9 năm gian khổ, nắng núi mưa ngàn để có thể:
Hớp ngụm nước suối trong đỡ khát
Trông trời cao mà mát tâm can...
Và tiếp đó là 21 năm trời đằng đẵng:
Cách nhau chỉ một mái chèo
Mà đi trăm núi vạn đèo tới đây!
Mấy triệu người đã ngã xuống, hàng chục vạn người giờ đây vẫn còn vô danh trên những nẻo đường giữ nước để cho đoàn quân ngày nào trùng trùng như sóng, lớp lớp tiến về tiếp quản Thủ đô, lại tiến về giải phóng Sài Gòn, kết thúc bản hùng ca giải phóng vĩ đại của dân tộc.
Khải hoàn ta ca đã sạch bóng thù
Tự do ra khơi, tự do vô lộng...
Những ngày Tháng Tám này, tôi bao giờ cũng nhớ mẹ, nhớ da diết dù mẹ đã đi xa được gần mười năm. Bao giờ cũng vậy, những ngày mùa thu đến, mẹ lại bồi hồi, náo nức và hớn hở như trẻ thơ được mặc áo mới mang cặp lần đầu tới trường. Dần dà, theo năm tháng tôi được biết mẹ, thủa con gái áo trắng nữ sinh Trường Đồng Khánh, đã tham gia cuộc mít tinh giành chính quyền ở quảng trường Nhà hát Lớn, lễ ra mắt Chính phủ mới và thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945... Mẹ vui mừng, rạng rỡ, quên tất cả mọi lo toan thường ngày dù mẹ rất ít khi kể lại những gì đã trải qua, dù nhiều cô từng hoạt động thời đó với mẹ đã trở thành những người lãnh đạo quan trọng. Thế hệ những người làm nên cách mạng của đất nước là như vậy.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp huyền thoại của chúng ta là đại diện tiêu biểu cho thế hệ mở nước đó.
Những năm đầu sau giải phóng là những năm gian khổ khẳng định một chân lý - Cách mạng chỉ có mở đầu, không có kết thúc!
Những năm 80 của thế kỷ XX là những năm đầy khó khăn, có những lúc không còn biết đâu là bạn, đâu là thù; nhiều giá trị đã bị đảo lộn, nhiều quan niệm đã thay đổi. Đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, còn bao nhiêu vết thương chưa lành đã lại phải gánh lấy những trách nhiệm lịch sử hết sức nặng nề - giữ vững toàn vẹn lãnh thổ; khẳng định quyền tự do, bất chấp mọi bao vây, cấm vận, vu khống từ mọi phía. Và chúng ta đã thành công với sứ mệnh lịch sử đó cho dù không phải ai cũng dám chấp nhận sự thật là nước Việt Nam nhỏ bé đã làm được một việc mà ngay cả các cường quốc không thể hoặc chưa thể làm nổi. Và đó là một trong sự tiếp nối, phát huy những thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám. Dù muốn hay không, dù mau hay chậm, thế giới sẽ phải công nhận sự thật đó. Cùng trong giai đoạn này, những sai lầm trong quản lý kinh tế làm cho tình hình đất nước càng nghiêm trọng. Trong hoàn cảnh sống còn đó, Đảng ta đã một lần nữa biết nắm thời cơ và vận dụng vào cuộc sống. Quyết định Đổi mới được Đại hội VI của Đảng thông qua là phương châm chiến lược quyết định vận mệnh đổi mới đất nước. Một cuộc chuyển mình vĩ đại bắt đầu. Từ đó đất nước thật sự, lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng vô sản, bắt tay vào xây dựng kinh tế đúng với nghĩa của từ đó.
Những năm 1990 là những năm tháng chuyển đổi khổng lồ và toàn diện. Diện mạo đất nước đổi mới từng ngày, sức mạnh kinh tế tăng theo từng năm; quan hệ quốc tế ngày càng rộng mở và vững chắc; chúng ta đã có vị thế nhất định, có tiếng nói trong khu vực và trên diễn đàn thế giới. Nhưng quan trọng hơn cả là thời gian này chúng ta đã định hướng được mục tiêu và con đường cho tương lai; đã tìm ra được con đường của riêng mình và dần dần đứng vững trên đôi chân của mình trong thế giới đầy biến động.
Thế kỷ XX là thế kỷ đầy đau thương, hy sinh của dân tộc để giành độc lập, tự do, để vươn lên tạo dựng cuộc sống mới cho các thế hệ ngày mai. Chúng ta bước vào thế kỷ XXI với niềm tin sâu sắc vào tương lai tươi sáng của dân tộc. Và thực tế trong thập niên đầu tiên của thế kỷ này chúng ta đã làm được rất nhiều về mặt xây dựng và phát triển kinh tế. Đất nước đang đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn, giàu mạnh hơn và tự tin hơn vào trí tuệ, tiềm lực và khả năng của mình. Chúng ta đã tự tin hơn, bình đẳng hơn trong quan hệ quốc tế, tạo dựng những nền móng của bản sắc Việt Nam trong mọi lĩnh vực.
Chúng ta kỷ niệm 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh trong không khí cả nước hân hoan chuẩn bị cho Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội bằng những công trình lớn; với những kế hoạch rộng lớn để nước ta có thể trở thành một nước công nghiệp trong mười năm nữa.
Và cũng chẳng bao lâu nữa, sang năm 2011, cả nước sẽ kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Mới đó đã cả một thế kỷ. Mới ngày nào đó mà giờ đây chúng ta đã có tất cả non sông gấm vóc, độc lập tự do và một cuộc sống ngày càng no đủ, hạnh phúc.
Mới ngày nào ta mới “giũ bùn đứng dậy sáng lòa” mà giờ đây khúc khải hoàn ca của đất nước, của dân tộc đã vang khắp năm châu, bốn biển! Khúc ca khải hoàn của người Việt Nam!