Giấy ăn càng trắng, càng độc
Xã hội - Ngày đăng : 16:36, 01/09/2010
Giấy ăn càng trắng, độ độc hại càng cao. Ảnh: MK |
Có thể gây nhiều bệnh nguy hiểm
Theo các chuyên gia, trong giấy nói chung và giấy ăn nói riêng thường có chứa các chất cơclo, trong đó có cả các chất độc hại như policlobiphenyl. Tùy thuộc vào quy trình công nghệ mà mỗi loại giấy sẽ có mức nồng độ các chất policlobiphenyl khác nhau. Nhưng có một đặc điểm chung là giấy càng được tẩy trắng càng có nhiều chất này. Bởi lẽ để có giấy càng trắng thì càng cần lượng clo nhiều, từ đó phản ứng tạo ra các chất policlobiphenyl từ các chất thơm và phenol với clo càng nhiều.
Các chuyên gia cũng cho biết, hàm lượng chất độc policlobiphenyl trong giấy là rất thấp, chỉ nhỏ hơn vài microgam/kg giấy đã được tẩy trắng. Dù hàm lượng thấp nhưng có chất này vẫn có thể gây ung thư và các bệnh nguy hiểm khác.
Tại các vùng nông thôn, các quán ăn bình dân vẫn thường sử dụng loại giấy ăn xỉn màu, được gấp làm đôi hoặc làm tư. Đây là loại giấy được sản xuất từ các loại giấy phế liệu, bìa các tông cộng thêm các loại hoá chất như javen, chất tiba phản quang... Giấy càng trắng thì càng cần nhiều hoá chất và như vậy càng nguy hại hơn.
Theo các bác sĩ ở Viện Da liễu Quốc gia cho biết, giấy ăn không đảm bảo vệ sinh là môi trường lý tưởng để các vi khuẩn gây bệnh ngoài da sinh sôi phát triển, đặc biệt là virus herpes gây lở rộp môi. Các hóa chất còn tồn đọng trong giấy ăn có thể gây nguy hiểm cho người sử dụng.
Chưa có cơ quan kiểm soát chất lượng
Hiện nay, vẫn chưa có tổ chức hay nhà máy nào có kiểm soát polyclobiphenyl trong quá trình sản xuất giấy và sản phẩm giấy. Nhất là các loại giấy ăn được bán cho các nhà hàng, quán ăn vỉa hè theo cân, gói cần phải càng cần phải được kiểm soát độc chất. Vì theo các chuyên gia nghiên cứu, các loại giấy này được sản xuất theo cách tận dụng lại giấy cũ, dù không tẩy trắng nhiều bằng các loại giấy khác nhưng trong bản thân nó đã tích lũy chất policlobiphenyl. Vì thế, việc dùng lại giấy cũ và với kỹ thuật sản xuất gia công giấy lạc hậu như hiện nay sẽ cho các sản phẩm giấy không hợp vệ sinh và tiềm ẩn nguy cơ gây độc.
Việc người dân có thói quen sử dụng giấy ăn chưa được kiểm soát độc chất để lau tay, miệng hay thậm chí lau chùi bát đũa trước khi ăn uống sẽ bị ảnh hưởng bởi các loại chất này.
Theo các chuyên gia, để hạn chế nhiễm độc, trước hết cần thay đổi ý thức của người dân trong việc sử dụng giấy ăn và không nên dùng loại giấy tái chế, kém chất lượng trong vệ sinh các đồ vật dùng trong ăn uống. Hạn chế ở mức tối đa hoặc không sử dụng giấy ăn lau chùi bát đĩa, lau miệng, hay gói thức ăn. Nên dùng khăn ăn thay thế cho giấy. Bát đũa nên rửa sạch, phơi khô trước khi ăn. Giấy vệ sinh nên mua các loại giấy mịn, chất lượng cao và đã được kiểm soát độc chất để đảm bảo sức khỏe.