Tinh thần Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9 mãi lan tỏa trong người dân Việt Nam
Chính trị - Ngày đăng : 11:13, 01/09/2010
Tới dự có Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Huỳnh Đảm cùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp khác của Đảng và Nhà nước qua các thời kỳ, các đồng chí lão thành cách mạng, bà mẹ Việt Nam Anh hùng, đại diện lãnh đạo, các tầng lớp nhân dân và lực lượng vũ trang, bạn bè quốc tế…
Lễ kỷ niệm mở đầu bằng những điệu múa, lời ca hào hùng, xúc động chào mừng Đảng, đất nước, tưởng nhớ công ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong diễn văn kỷ niệm, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ôn lại lịch sử hào hùng, chói lọi của quá trình đấu tranh cách mạng của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20, trong đó có mốc son chói lọi là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, mở đầu cho sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra kỷ nguyên mới vô cùng rạng rỡ cho dân tộc Việt Nam: độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội.
Trong giờ phút linh thiêng nhớ về những ngày tháng hào hùng đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã tưởng nhớ công ơn của lãnh tụ Hồ Chí Minh, người cống hiến cả đời cho sự nghiệp cách mạng, dẫn dắt dân tộc Việt Nam đi theo con đường đúng đắn, làm rạng rỡ dân tộc; Khắc ghi công ơn to lớn của hàng triệu người con ưu tú đã hi sinh vì độc lập dân tộc, nghĩa vụ quốc tế, các gia đình có công với cách mạng, đồng bào và bạn bè quốc tế, đã đóng góp tài năng, sức lực và của cải cho công cuộc bảo vệ và xây dựng Việt Nam...
Chủ tịch nước cũng bày tỏ niềm tự hào về dân tộc Việt Nam, một dân tộc anh hùng, đầy lòng nhân ái, có lòng yêu nước nồng nàn, luôn đồng lòng, nhất trí đi theo Đảng, xây dựng quốc gia phồn vinh, độc lập.
Chủ tịch nước khẳng định, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 là bước ngoặt trong lịch sử Việt Nam, đập tan xiềng xích thực dân, giành chính quyền về tay nhân dân. Lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, một nhà nước kiểu mới của dân, do dân, vì dân đã được thành lập. Thắng lợi này cũng là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và tinh thần đấu tranh quật cường của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch nước cũng khẳng định, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 cũng mang đến những bài học vô giá cho cách mạng nước ta: Độc lập dân tộc phải gắn liền với CNXH và chỉ có CNXH mới mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân ta; Sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, nhân dân là người làm nên lịch sử; Luôn giữ vững đoàn kết toàn Đảng, toàn dân, đoàn kết quốc tế; Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Những bài học đó luôn được phát huy, nhất là trong những bước ngoặt lịch sử của dân tộc, làm nên những điều kỳ diệu.
Sau hơn 30 năm kháng chiến gian khổ thắng lợi, đất nước Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới: hòa bình, thống nhất và đi lên CNXH. Vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức, Việt Nam đã không ngừng vươn lên, khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. Công cuộc đổi mới toàn diện đang tiếp tục tạo ra những tiền đề quan trọng để Việt Nam tiến lên trên con đường HĐH, CNH đất nước.
Tuy nhiên, Chủ tịch nước thẳng thắn nhìn nhận, Việt Nam vẫn phát triển chưa bền vững, cân đối vĩ mô chưa vững chắc, các lĩnh vực văn hóa-xã hội còn nhiều bất cập, thể chế kinh tế, kết cấu hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn những yếu tố cản trở sự phát triển… Những hạn chế đó đặt ra yêu cầu phải đổi mới cho phù hợp với tình hình mới, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, nước ta cơ bản là nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đời sống nhân dân được nâng lên một bước, tạo tiền đề để đất nước phát triển nhanh và vững chắc hơn trong những giai đoạn tiếp theo.
Phát huy tinh thần Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Chủ tịch nước kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước đồng tâm hiệp lực, ra sức tận dụng vận hội, thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ đề ra. Chủ tịch nước tin tưởng, một dân tộc đã làm nên những chiến công hiển hách nhất định sẽ làm nên những kỳ tích mới trong thời kỳ xây dựng đất nước.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị lão thành cách mạng cùng đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô tới dự buổi lễ. (Ảnh: Sáng Nhất/TTXVN) |
Tiếp nối dòng hồi ức tươi đẹp về những tháng ngày hào hùng của dân tộc, bà Nguyễn Thị Hoài, 84 tuổi, cán bộ tiền khởi nghĩa, đang sống tại xã Thượng Cát, huyện Từ Liêm, Hà Nội, tham gia cách mạng từ năm 1943, được kết nạp Đảng năm 1948 cho biết, với bà, những ngày tháng đã qua không thể nào quên.
Những năm trước cách mạng Tháng 8, quê bà đang sống chịu nhiều áp bức của thực dân Pháp và tay sai, khiến đời sống nhân dân rơi vào bần cùng, cơ cực, nhiều người phải rời bỏ quê hương đi kiếm sống khắp nơi… Những ngày tháng đó đã khiến nhiều người dân sớm giác ngộ cách mạng, chung tay xây dựng phong trào cách mạng ở địa phương và được nhân dân ủng hộ. Năm 1938, chi bộ Đảng đầu tiên ở xã Thượng Cát được thành lập, lãnh đạo nhân dân đi làm cách mạng, ủng hộ Việt Minh và xã Thượng Cát đã trở thành một trụ sở cách mạng của Đảng.
Nhớ lại những ngày tháng ấy, kỷ niệm sâu sắc nhất với bà là sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, khí thế cách mạng bùng lên mạnh mẽ từ thành thị đến nông thôn, sáng 21/8/1945, tại đình làng Thượng Cát đã diễn ra cuộc mít tinh lớn với hàng nghìn quần chúng nhân dân tham gia. Tại đây, nhà lãnh đạo cách mạng Hoàng Tùng đã đứng lên tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến, khiến nhân dân sung sướng tột cùng vì từ đây đã có Đảng, chính quyền lãnh đạo sau một thời kỳ dài bị kìm kẹp bởi thực dân phong kiến.
Kỷ niệm 65 năm Quốc khánh, hướng tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, là người dân Thủ đô, bà Hoài càng thêm tự hào về truyền thống dân tộc đã được xây dựng bởi công lao biết bao thế hệ. Bà hứa sẽ tiếp tục giáo dục con cháu, vận động đồng chí, đồng đội, bà con xóm làng cùng xây dựng người Hà Nội thanh lịch ,văn minh, xây dựng phong trào đời sống mới ở khu dân cư, đóng góp hết sức vào sự nghiệp chung của đất nước. Bà mong thế hệ trẻ luôn ghi nhớ công lao, xương máu của bao thế hệ cha anh, tự hào truyền thống anh hùng của dân tộc, quý trọng tự do, độc lập, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện để bảo vệ và xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Đại diện thế hệ trẻ Thủ đô, Nguyễn Phương Thảo, đoàn viên trẻ, đã bày tỏ niềm tự hào, khâm phục và biết ơn công lao trời biển của Đảng, của Bác, của các thế hệ chiến sĩ, thanh niên Việt Nam đã chiến đấu kiên cường, anh dũng hi sinh cho độc lập, tự do của dân tộc, cho hạnh phúc của nhân dân và tương lai tươi sáng của tuổi trẻ. 65 năm đã trôi qua nhưng tinh thần sục sôi cách mạng của những ngày cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2-9 vẫn đang tiếp tục lan tỏa và in đậm trong tâm trí các tầng lớp nhân dân, trong đó có thế hệ trẻ hôm nay.
Sinh ra ở Hà Nội trong gia đình có truyền thống cách mạng, dù không được chứng kiến những giờ phút hào hùng đã qua của dân tộc, nhưng qua những câu chuyện, cuốn phim, hình ảnh..., Thảo cảm nhận sâu sắc khát khao được sống trong độc lập, tự do của dân tộc ta và giá trị to lớn của Cách mạng Tháng 8, Quốc khánh 2-9. Thế hệ trẻ hôm nay luôn hướng về những ngày tháng hào hùng ấy với niềm tự hào lớn lao vì mình là người con của một đất nước anh hùng, một dân tộc anh hùng.
Thảo cho biết, thế hệ trẻ hôm nay luôn nhận thức sâu sắc rằng, để được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc, để được hưởng những thành quả của đất nước hôm nay, dân tộc ta đã phải trả bằng biết bao mồ hôi, xương máu. Thế hệ trẻ luôn nhắc nhở mình phải cố gắng vươn lên để xứng đáng với những hi sinh cao cả ấy, để Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến không chỉ bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại chiến mùa xuân 1975… mà còn được biết đến là quốc gia yêu chuộng hòa bình, là đất nước có nhiều học sinh, sinh viên, nhà khoa học trẻ đạt được nhiều giải thưởng cao ở tầm quốc tế, một Việt Nam luôn vượt qua khó khăn, thách thức để đổi mới, phát triển và hội nhập.