Quyết định đầu tư thuộc về Quốc hội

Xã hội - Ngày đăng : 06:34, 01/09/2010

Thời gian hoàn thành báo cáo khả thi từ 3 tới 4 năm (HNM) - 17h hôm qua 31-8, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã xuất hiện tại cuộc họp báo thông báo kết quả Phiên họp thường kỳ tháng 8 của Chính phủ do Văn phòng Chính phủ (VPCP) tổ chức, để giải đáp về một số vấn đề thời sự liên quan đến dư luận cho rằng


Chưa có bất cứ hành động nào đầu tư dự án


Theo Bộ trưởng Bộ GTVT, nhu cầu tương lai không thể không có tuyến đường sắt thứ hai, ngoài đường sắt Bắc - Nam hiện nay.

Mở đầu cuộc họp báo, VPCP đã cung cấp cho báo chí Công văn 5143 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về đề nghị của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và ý kiến của các cơ quan liên quan về việc lập dự án đầu tư xây dựng công trình (báo cáo nghiên cứu khả thi) một số đoạn tuyến đường sắt cao tốc. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về nguyên tắc việc tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật (vốn ODA không hoàn lại) của Chính phủ Nhật Bản để lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng công trình đoạn Hà Nội-Vinh, TP Hồ Chí Minh - Nha Trang thuộc dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP Hồ Chí Minh và Dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội-Nội Bài. Trên cơ sở những ý kiến của Quốc hội tổng hợp đưa vào nội dung nghiên cứu, Bộ GTVT đánh giá. Đây có thể là điểm xuất phát cho những bình luận cho rằng "Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam đang được tái khởi động".

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định: "Chính phủ chưa có bất cứ hành động nào đầu tư xây dựng dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Chính phủ nhận thức rằng cần làm rõ thêm các ý kiến, góp ý của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua mà trong báo cáo tiền khả thi (vì khuôn khổ thời gian tại kỳ họp) chưa đề cập rõ".

Lý giải về việc có những thông tin cho rằng dự án đang được "tái khởi động", Bộ trưởng cho biết, đây mới chỉ là việc nghiên cứu báo cáo khả thi để làm rõ các vấn đề mà báo cáo tiền khả thi tại kỳ họp Quốc hội vừa qua chưa làm được. Nếu báo cáo khả thi cho thấy tính hiệu quả mới bàn tới việc đầu tư. "Không có bất cứ ràng buộc nào giữa việc nghiên cứu với việc đầu tư dự án. Quyền quyết định đầu tư thuộc về Quốc hội". - Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng nhấn mạnh. Bộ trưởng cũng nêu rõ quan điểm cho rằng việc nghiên cứu là cần thiết, còn việc đầu tư thế nào, Chính phủ sẽ xem xét tính khả thi của dự án, tính thời điểm và khả năng tài chính, điều kiện kinh tế, xã hội để quyết định có trình ra Quốc hội hay không. "Việc sử dụng vốn ODA của Nhật Bản để nghiên cứu báo cáo khả thi của dự án không có ràng buộc với nội dung đầu tư, cũng như việc sử dụng công nghệ của nước nào" - ông nói thêm.

Thực hiện báo cáo khả thi từ 3 tới 4 năm


Tính khả thi của việc xây dựng đường sắt cao tốc đang được Bộ GTVT
nghiên cứu kỹ trước khi trình Quốc hội.


Giải đáp về những nội dung mà Bộ GTVT đặt ra với bên tư vấn phía JICA trong quá trình thực hiện báo cáo khả thi, Bộ trưởng cho biết có 3 nội dung chính. Thứ nhất, là cần lên được quy hoạch toàn tuyến Bắc - Nam. Trên cơ sở đó mới xác định được mốc giới mặt bằng để giữ đất cho xây dựng sau này. Thứ hai là báo cáo phải đi sâu vào kỹ thuật, công nghệ và phải xác định tương đối chính xác hiệu quả kinh tế của dự án. Thứ ba là đánh giá tác động môi trường, tác động kinh tế sâu hơn.

Điều khiến nhiều người có mặt tại cuộc họp báo bất ngờ chính là khoảng thời gian thực hiện báo cáo trên. Ông Hồ Nghĩa Dũng cho biết: "Đây là báo cáo lớn. Nên thời gian hoàn thành có thể là 3 đến 4 năm. Còn khi nào trình lại ra Quốc hội thì chưa được xác định". Trước ý kiến cho rằng thay vì tập trung nghiên cứu về đường sắt cao tốc, ngành GTVT nên tập trung nâng cấp tuyến đường sắt hiện có lên khổ đường 1,435m sẽ có hiệu quả kinh tế cao hơn, Bộ trưởng Bộ GTVT khẳng định: "Chúng tôi đã nghiên cứu và xác định triển khai đường sắt lồng khổ 1,435m là không khả thi. Vì hệ thống đường sắt hiện nay đã bị lấn tuyến, xâm phạm hai bên quá nan giải, không thể giải quyết được. Thay vào đó, nhất định phải xây dựng một tuyến đường sắt mới".

Liên quan đến dư luận về dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc (chủ trì cuộc họp báo) nêu rõ, cần hiểu đúng vấn đề là Quốc hội không "bác" dự án như một số báo chí nêu, mà Quốc hội chỉ chưa đồng ý về chủ trương và yêu cầu Chính phủ làm kỹ hơn, toàn diện hơn về dự án.

Năm 2011 phấn đấu tăng trưởng GDP đạt khoảng 7,5%
Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng - Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tình hình kinh tế tháng 8 và 8 tháng đầu năm rất đáng mừng. Qua đó đã thấy rõ khả năng hoàn thành các mục tiêu kinh tế quan trọng như: Tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt 6,7%, ổn định về vĩ mô, kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 7%, bội chi ngân sách có thể giữ không quá 6%, nhập siêu cả năm có thể ở trong khoảng 18-19%. Tại phiên họp thường kỳ tháng 8, Chính phủ đã thảo luận về báo cáo phát triển kinh tế, xã hội giai đoạn 2010-2015. Năm 2011 nỗ lực phấn đấu tăng GDP khoảng 7,5% và giảm 2% hộ nghèo mỗi năm trong giai đoạn 2011-2015.

Hiền Lương