Có một địa đạo bị lãng quên
Đời sống - Ngày đăng : 05:48, 01/09/2010
Di tích lịch sử
Địa đạo Phú Thọ Hòa ra đời năm 1947, gồm 2 cụm địa hình nối liền nhau, đường xương sống có nhiều nhánh và hầm lớn cách mặt đất 2m, lòng địa đạo cao 1m, chiều rộng khoảng 0,8m, các tuyến nối liền dài khoảng 1km với nhiều hầm rộng để hội họp. Do nơi đây rất gần với các đồn bốt địch như bốt Phú Thọ, Bình Long, Bà Quẹo, Bình Trị Đông, Phú Lâm, An Thái… nên lực lượng cách mạng phải đào hầm bí mật vào ban đêm; nhờ nhân dân nuôi dưỡng, giúp đỡ, ban ngày đến xóa dấu vết, để tránh giặc phát hiện.
Theo ông Ngô Văn Chung, Trưởng ban Quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia Địa đạo chiến đấu Phú Thọ Hòa, khi đó chính quyền tổ chức xã kháng chiến, ấp kháng chiến, rào tre, lấp ngõ, đắp bờ đê, trồng tre, dứa ở gần giao thông hào, tạo địa hình, địa vật để bộ đội chiến đấu, có nơi rút về dưỡng quân. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, địa đạo Phú Thọ Hòa được nhắc đến như là một căn cứ địa cách mạng vững chắc của quận Tân Bình (nay là quận Tân Phú). Từ đây, bộ đội ta đã nhiều lần xuất kích gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề, tiêu biểu là 2 trận đánh vào kho bom Phú Thọ phá hủy hàng ngàn tấn bom đạn, đốt cháy hàng triệu lít xăng, dầu…
Bên cạnh đó, từ địa đạo này, các mũi tiến công của quân ta đã tiêu diệt 2 tiểu đoàn lính Âu Phi, diệt toàn bộ địch ở đồn Cao Đài (ngã 5 Vĩnh Lộc), tập kích vào sân bay Tân Sơn Nhất… Đã có không ít người con của cách mạng ra đi mãi mãi từ nơi này. Chỉ tính riêng ở phường Phú Thọ Hòa, trong hai cuộc kháng chiến đã có trên 500 liệt sĩ, 21 thương binh, 246 gia đình có công với cách mạng và 22 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, dẫn đầu về số lượng người có công cách mạng ở quận Tân Phú. Với những giá trị lịch sử và vai trò quan trọng trong kháng chiến, địa đạo chiến đấu Phú Thọ Hòa đã được Nhà nước công nhận là "Di tích lịch sử quốc gia" vào năm 1996.
… Thành phế tích
Năm 1981 về thăm Phú Thọ Hòa, cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nhắc nhở, phải xây dựng lại cuộc chiến đấu của những người đã hy sinh và còn sống để giáo dục nhân dân TP, nhất là thế hệ thanh, thiếu niên. Thế nhưng, khi di tích lịch sử Địa đạo Phú Thọ Hòa đã được Nhà nước công nhận: "Di tích lịch sử quốc gia" thì lại rơi vào quên lãng!
Nằm tận sâu trong con hẻm của đường Phú Thọ Hòa, khu di tích chỉ có vỏn vẹn khoảng 4.000m2. Bên trong khuôn viên là ngôi nhà truyền thống, xung quanh chỉ là những mảng cỏ dại mọc um tùm, chẳng có cây xanh, cây cảnh, tượng đài hay nhà bia tưởng niệm nào. Tiếng là nhà truyền thống, nhưng bên trong, hiện vật quý giá nhất chỉ là hơn chục bức ảnh của những nhân vật đã từng sống và chiến đấu ở địa đạo này cùng với tấm bằng "Di tích lịch sử quốc gia". Hệ thống chiếu sáng ở các đường hầm không có, tường rào thì tạm bợ, có nơi trống hơ, trống hoác. Ông Chung than thở: Ở TP này, nói đến địa đạo thì du khách chỉ biết đến Địa đạo Củ Chi chứ có mấy ai biết đến Phú Thọ Hòa. Mà cũng phải, du khách có muốn tham quan địa đạo này cũng chẳng dám, bởi đường hầm thì đã xuống cấp nghiêm trọng, lại không có đèn chiếu sáng, làm sao du khách dám xuống.
Đem vấn đề này trao đổi với chính quyền địa phương, chúng tôi được ông Trần Văn Thiệp, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao quận Tân Phú cho biết, hiện quận và Sở VH-TT-DL đang thống nhất các hạng mục để lập dự toán cho công trình trùng tu "Khu di tích lịch sử Địa đạo chiến đấu Phú Thọ Hòa" trình UBND TP phê duyệt (!?) Trước mắt, một số hạng mục sẽ được trùng tu như đường hầm, cảnh quan, tường rào, hệ thống chiếu sáng… Dự kiến tổng kinh phí cho việc trùng tu này khoảng 4,5 tỷ đồng. Người dân Phú Thọ Hòa đang trông chờ từng ngày để có được một khu di tích lịch sử văn hóa đúng nghĩa, nơi không chỉ mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ mà còn là một điểm tham quan du lịch cho du khách.