Nhật Bản thông qua gói kích thích 11 tỷ USD
Thế giới - Ngày đăng : 05:35, 01/09/2010
Kích thích tiêu dùng là một giải pháp hỗ trợ tăng trưởng của Nhật Bản. Ảnh: reuters |
Quyết định trích một khoản tài chính đáng kể từ quỹ dự trữ trong ngân sách cho tài khóa 2010 đã thể hiện rõ ý chí của nội các đất nước Mặt trời mọc, nhằm vực dậy nền kinh tế từng được xem là kỳ tích khi cất cánh từ đống tro tàn của chiến tranh. Tấm gương của nước Mỹ trong việc chưa tìm ra biện pháp hữu hiệu giảm thiểu nguy cơ dai dẳng của vấn nạn thất nghiệp đối với nền kinh tế, là động lực buộc Tokyo xác định hỗ trợ việc làm cho các doanh nghiệp, khuyến khích họ thuê các sinh viên mới tốt nghiệp là ưu tiên hàng đầu của gói biện pháp mới. Những hệ lụy nhãn tiền và khó lường từ sự tăng giá "bền bỉ" của đồng yen lên mức cao nhất so với USD trong 15 năm qua và 9 năm so với euro, đang là rào cản lớn trước nỗ lực chiến thắng sức ì của nền kinh tế Nhật Bản.
Do vậy, chiến lược trợ giúp các doanh nghiệp xây dựng nhà máy tại chính đất nước Mặt trời mọc từ nguồn vốn của gói kích thích được kỳ vọng sẽ là chìa khóa giải thoát các ảnh hưởng tiêu cực của tình trạng đồng yen mạnh bất thường. Sự đắt đỏ của đồng nội tệ không chỉ khiến đòn bẩy của nền kinh tế xuất khẩu như Nhật Bản mất dần điểm tựa vững chắc khi tính cạnh tranh và lợi nhuận của doanh nghiệp yếu đi mà còn tạo lỗ hổng lớn trong ngành công nghiệp nội địa. Trong bối cảnh đó, việc hỗ trợ tài chính để các doanh nghiệp chấm dứt làn sóng di dời các cơ sở sản xuất ra nước ngoài nhằm giảm chi phí do đồng yen tăng giá là công cụ đẩy lùi nhiều rủi ro đối với đà tăng trưởng và thị trường việc làm tại Nhật Bản.
Bài toán kìm hãm xu hướng mở rộng đà tăng đáng lo ngại của đồng nội tệ cũng là nguyên nhân khiến Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) quyết định bơm thêm 10 nghìn tỷ yen (tương đương 116 tỷ USD) để cứu nền kinh tế. Ngân khoản được đưa ra sau cuộc họp khẩn cấp của BOJ hôm 30-8 sẽ được sử dụng vào chương trình hỗ trợ tín dụng trong thời hạn 6 tháng. Việc nới lỏng chính sách tiền tệ này chính thức mở rộng thêm chương trình cung cấp tín dụng cho các ngân hàng và tổ chức tài chính của Nhật Bản lên đến 30 nghìn tỷ yen. Trước đó, ngưỡng 20 nghìn tỷ yen của gói vay kỳ hạn 3 tháng đã bắt đầu được thực hiện từ tháng 12 năm ngoái nhằm tăng tính thanh khoản của thị trường tài chính.
Sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ và BOJ để giải quyết các vấn đề làm trì hoãn quá trình thoát khỏi giảm phát cho thấy nỗi lo của chính phủ Thủ tướng Naoto Kan trước nhiệm vụ phá vỡ sự tụt hậu của nền kinh tế Nhật Bản. Tuyên bố của Thống đốc BOJ Masaaki Shirakawa về việc sẽ theo dõi chặt chẽ những tác động của quyết định quan trọng trên cũng như đã sẵn sàng cho những bước đi xa hơn nếu cần thiết lại đồng thời mang lại cho người dân xứ Phù Tang nguồn cảm hứng về sự khởi sắc của nền kinh tế trong thời gian tới. Mặc dù vậy, giới phân tích vẫn tỏ ra nghi ngờ, liệu động thái của BOJ có thể ngăn chặn lâu dài sự đi lên của đồng yen hay chỉ đem tới xu thế giảm ngắn hạn cho đồng tiền này. Nhiều người nhận xét rằng nếu chỉ cởi trói cho chính sách tiền tệ là không đủ để thúc đẩy quá trình giải quyết sự trì trệ của nền kinh tế số hai thế giới, mà việc thực thi những biện pháp điều chỉnh tổng hợp với vai trò trung tâm của chính phủ mới có thể tạo nên những đổi thay cơ bản và quyết định. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi bong bóng nợ công khổng lồ lên tới hơn 10 nghìn tỷ USD, gấp 2 lần GDP của năm tài khóa 2009 và đạt kỷ lục trong nhóm các quốc gia phát triển, đang là hiểm họa tiềm tàng đe dọa Nhật Bản.
Những chiến lược mới nhất của đất nước Mặt trời mọc phản ánh nỗi lo ngại đang gia tăng về tăng trưởng kinh tế tại nhóm nước phát triển khi nó được đưa ra sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) tuyên bố quyết tâm nới lỏng tiền tệ qua việc mua lại trái phiếu nhằm tránh đợt sụt giảm sâu của nền kinh tế đầu tàu thế giới. Xu thế này đánh dấu cho sự trở lại của các gói kích thích từng được các nước ồ ạt tung ra cách đây 1 năm để ngăn chặn nguy cơ suy thoái đang rình rập đà tăng trưởng kinh tế trên hành tinh.