Đang tiếp tục nghiên cứu, chưa đầu tư

Kinh tế - Ngày đăng : 19:14, 31/08/2010

(HNMO) - Tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 31/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Hồ Nghĩa Dũng đều khẳng định, Chính phủ đang tiếp tục cho nghiên cứu dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TP Hồ Chí Minh để hoàn thiện việc xem xét chứ chưa đầu tư.


Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TP Hồ Chí Minh chưa được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, nhưng Quốc hội cho phép Chính phủ tiếp tục nghiên cứu dự án này để làm rõ thêm những vấn đề mà do khuôn khổ của một báo cáo tiền khả thi nên chưa thể hiện được hết.

Bộ trưởng Dũng khẳng định, tại thời điểm này, Chính phủ chưa có bất cứ chủ trương hay kế hoạch nào để xây đường sắt cao tốc. Tuy nhiên, việc tiếp tục nghiên cứu dự án là cần thiết để làm rõ thêm những góp ý của đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở đề nghị của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và ý kiến của các cơ quan liên quan về việc lập dự án đầu tư xây dựng công trình (báo cáo nghiên cứu khả thi), ngày 23/7/2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng ý về nguyên tắc việc tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật (vốn ODA không hoàn lại) của Chính phủ Nhật Bản để lập Dự án đầu tư xây dựng công trình đoạn Hà Nội – Vinh, TP.Hồ Chí Minh-Nha Trang thuộc Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TP.Hồ Chí Minh và Dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Nội Bài.

Về lý do chọn đối tác Nhật Bản cho dự án nghiên cứu khả thi, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, đây là nước có tài trợ vốn ODA song phương lớn nhất cho Việt Nam, tập trung hạ tầng kinh tế, đặc biệt hạ tầng giao thông. Tất cả các dự án hợp tác với Nhật Bản đã đóng góp hiệu quả cho sự phát triển của nền kinh tế. Trong các dạng tài trợ ODA của Nhật Bản, có dạng ODA hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại, chẳng hạn nghiên cứu quy hoạch, chiến lược phát triển giao thông, an toàn giao thông… Các dự án đường sắt nêu trên nằm trong chương trình hợp tác dạng này.

Theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, hiện nay Bộ đang bàn với Jica để thống nhất nội dung, đề cương nghiên cứu các dự án. Nội dung nghiên cứu sẽ tập trung vào việc quy hoạch chi tiết toàn tuyến, từ đó xác định mốc giới giải phóng mặt bằng và để Chính phủ cắm mốc giới giữ đất cho quy hoạch này (có thể thực hiện sau nhiều năm khi có điều kiện thích hợp); các giải pháp công nghệ cho dự án; xác định tương đối chính xác hiệu quả của dự án; đánh giá tác động về môi trường, kinh tế-xã hội của dự án...



Việc nghiên cứu dự án là cần thiết, còn việc đầu tư hay không phải dựa trên kết quả nghiên cứu để xem xét, quyết định thời điểm, trình Quốc hội quyết định – Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng khẳng định.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, ở đây không có bất cứ sự “ràng buộc” nào giữa khâu đầu tư và nghiên cứu dự án.

“Việc lựa chọn công nghệ, nhà đầu tư là chưa có”, Bộ trưởng nói.

Về tiến độ của dự án nghiên cứu, Bộ trưởng cho biết, một báo cáo lớn như vậy thông thường phải 3, 4 năm mới xong.

“Chính phủ cũng chưa có ý định về thời điểm sẽ trình Quốc hội lại dự án này. Phải trên cơ sở hoàn thành nghiên cứu dự án mới có thể xem xét tiếp”, Bộ trưởng Dũng cho biết thêm.

Trục Hồ Tây-Ba Vì: Nên có quy hoạch nhưng chưa phải đầu tư ngay lúc này

Liên quan đến nhiều ý kiến về việc trong quy hoạch chung của Hà Nội có quy hoạch trục đường Hồ Tây-Ba Vì, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, thực ra trong quy hoạch giao thông Hà Nội gốc không có trục đường này.

Tuy nhiên, sau khi Hà Nội mở rộng thì có ý tưởng về việc dành một quỹ đất dự phòng cho các đơn vị hành chính của Hà Nội về lâu dài. Đây chính là cơ sở để quy hoạch khu trung tâm Ba Vì, dẫn tới sự cần thiết có trục Thăng Long (nay được đổi tên là trục Hồ Tây-Ba Vì). Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với ý tưởng về việc di dời trung tâm hành chính quốc gia lên Ba Vì.

Cũng theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, trục Hồ Tây-Ba Vì không chỉ là trục giao thông mà còn là trục kết nối. Quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải cho rằng, quy hoạch trục này là cần thiết.

“Trục giao thông của Hà Nội chưa phải là nhiều. Chúng ta cần nhìn cho tương lai, cần có quy hoạch về lâu dài. Còn lúc này chưa phải là lúc đầu tư”, Bộ trưởng Dũng nói.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết thêm, việc quy hoạch trục đường này đã nhận được nhiều ý kiến góp ý. Chính phủ đang lắng nghe và hoàn chỉnh, có sự phản biện để xem xét, quyết định chính thức.

Đình chỉ công tác tân TGĐ Vinashin là để phục vụ công tác điều tra

Trả lời về lý do đình chỉ chức vụ 2 cán bộ của Vinashin là Tổng giám đốc điều hành Trần Quang Vũ và Ủy viên Hội đồng quản trị Trần Văn Liêm, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, trong quá trình thanh tra, điều tra sai phạm của Tập đoàn đã phát hiện dấu hiệu sai phạm của một số cá nhân, trong đó có ông Vũ và ông Liêm, vì vậy, Chính phủ đã chấp thuận đình chỉ công tác hai ông này để phục vụ công tác điều tra, thanh tra của cơ quan chức năng.

Lý giải nguyên do ông Vũ được đề bạt vào chức vụ Tổng giám đốc điều hành nhưng chỉ sau 2 tháng lại bị bắt, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, ông Vũ trước khi được bổ nhiệm lên Tổng giám đốc điều hành đã là Tổng giám đốc chức năng của Vinashin. Khi ông Phạm Thanh Bình bị bắt, bị đình chỉ công tác ở cả 2 chức vụ, tình huống đặt ra phải có người thay thế ông Bình tạm thời ngay vì một doanh nghiệp không thể thiếu người điều hành, do đó, phải “đôn” ông Vũ lên thay thế.

“Việc này là để xử lý tình huống”, Bộ trưởng Dũng nói.

Về việc tái cơ cấu Vinashin, Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho biết, Chính phủ đang nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch của tập đoàn, tổ chức lại nhân sự. Giải pháp cán bộ vừa rồi chỉ là tạm thời, để cho lâu dài cần phải có thời gian.

Bộ trưởng cho biết thêm, hiện nợ lương, nợ bảo hiểm người lao động của Vinashin đã được giải quyết.

Cũng liên quan đến việc tái cơ cấu Vinashin, đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang xây dựng phương án tái cơ cấu nợ cho Vinashin, xác định lại vốn điều lệ của tập đoàn này.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang tích cực chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát dư nợ với Vinashin để báo cáo Chính phủ.

Việt Nam có thể đạt các chỉ tiêu KT-XH năm 2010

Cũng tại buổi họp báo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2010, Việt Nam sẽ cơ bản đạt được các chỉ tiêu kinh tế đã được Quốc hội thông qua.

Theo ông Phúc, tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm của nước ta tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực. Với những chỉ số cơ bản đạt được đến thời điểm này, có thể dự báo, năm nay, Việt Nam sẽ đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đã đề ra như: GDP đạt khoảng 6,7%, lạm phát giữ ở mức khoảng 7%, bội chi ngân sách không quá 6%, nhập siêu khoảng 18%...

Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội 8 tháng đầu năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, thu ngân sách đã đạt kế hoạch và cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 15/8, tổng thu ngân sách đã đạt 313,5 nghìn tỷ đồng, gần bằng 78% dự toán năm, tổng chi ngân sách đạt 353,5 nghìn tỷ đồng, bằng 60,7% dự toán năm.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài 8 tháng đầu năm thực hiện đạt 7,25 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 8 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 44,5 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2009 và gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch về tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu đã được Quốc hội thông qua. Trong khi đó, xu hướng nhập siêu tiếp tục giảm, nhập siêu 8 tháng đầu năm ước khoảng 8,15 tỷ USD, chiếm 18,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ngoài ra, sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng cao hơn so với kế hoạch cả năm; ngành dịch vụ tiếp tục phát triển khá, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng và du lịch đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước…

Về lao động việc làm, tính chung 8 tháng đầu năm, đã có gần 1.045 nghìn lượt người được giải quyết việc làm, đạt 65,3% kế hoạch năm; xuất khẩu lao động đạt 50,6 nghìn người, đạt 59,5% kế hoạch năm.
Về việc ông Trần Đăng Tuấn - Phó Tổng giám đốc thường trực Đài truyền hình VN (VTV), vừa gửi đơn xin từ chức lên Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ chưa nhận được đơn của ông Tuấn.

H.V