Rậm rịch vào mùa cưới: Đặt may váy cưới, vừa rẻ vừa ý nghĩa

Xã hội - Ngày đăng : 15:07, 31/08/2010

Thay vì tìm đến các dịch vụ cho thuê váy cưới, năm nay, xu hướng đặt may, đi chợ sắm đồ cưới là lựa chọn mới của nhiều cô dâu trẻ.

Nở rộ dịch vụ may váy cưới



Suốt hơn một tháng nay, Lan Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) đau đầu vì mẫu thiết kế váy cưới do cô tự nghĩ ra. Tham khảo bạn bè, mỗi người một ý tưởng, cô phân vân không biết nên lựa chọn kiểu dáng nào hợp nhất để đặt may. Vốn có năng khiếu mỹ thuật, lại học ngành thiết kế thời trang, nên Lan Anh muốn trong ngày trăm năm, cô phải mặc chiếc áo cưới thật độc đáo. Lan Anh tâm sự: “Ra ngoài shop thuê cũng nhiều mẫu mã lắm, cả trong và ngoài nước, tuy nhiên các kiểu váy na ná như nhau, mình thích sự khác biệt nên muốn đặt may váy cưới theo ý tưởng của mình”.

Cô dâu trẻ Nguyễn Thúy Hà (Khương Đình, Hà Nội) có vóc dáng mập. Việc lựa chọn chiếc váy cưới vưà in sẽ khá khó khăn, nên Thúy Hà quyết định đặt may. “Để kịp có váy cưới trong tháng 8 âm lịch, tôi phải liên hệ trước với nhà hàng từ tháng 5. Hơn nữa, tôi cũng phải đi lại nhiều lần để lựa chọn kiểu dáng. Vì không như may áo, công đoạn chọn kiểu dáng váy cưới rất cầu kỳ, có khi mất cả ngày mới chọn được kiểu đuôi váy, còn phần ngực thì lại phải chọn sau. Ngay cả những chi tiết, phụ kiện cũng được lựa chọn kỹ để phù hợp nhất với chiếc váy".

Vừa túi tiền là lý do mà nhiều cô dâu lựa chọn dịch vụ may áo cưới thay vì thuê như mọi năm. Khảo sát tại một số cửa hàng áo cưới có tiếng ở Hà Nội hiện nay như Thục Anh (Bà Triệu), Lê Nga (Minh Khai), Hải Vân (Lê Duẩn)... giá may một chiếc váy cưới trung bình từ 1,5 đến 2 triệu đồng, rẻ hơn khá nhiều so với dịch vụ thuê.

Chị Linh (Tôn Đức Thắng, Hà Nội) chuẩn bị tổ chức đám cưới trong vòng một tháng nữa. Trước đó chiếc váy cưới chị đặt may khá cầu kì cũng chỉ có giá 2 triệu đồng, trong khi thuê một chiếc váy cưới đã tốn đến 3-4 triệu đồng/lần thuê.

Dịch vụ may áo cưới không phải là mới, nhưng đến năm nay nó thật sự thu hút các cặp đôi trẻ, thậm chí có phần lấn sân dịch vụ cho thuê truyền thống. "Mọi năm, gần như 100% cô dâu đều hướng đến dịch vụ cho thuê váy cưới, nhưng năm nay, con số này đang giảm dần và chỉ còn khoảng 60%". Chị Quyên, cửa hàng áo cưới Juliette 108 phố Huế thừa nhận.

Chị Vân, chủ cửa hàng áo cưới Hải Vân (ngõ 222 Lê Duẩn, Hà Nội) cho biết: "Khách hàng bắt đầu đặt may váy từ tháng 6 âm lịch, vừa để kịp chụp ảnh vừa để tránh tình trạng bận rộn khi mùa cưới đến gần. Lượng khách may váy cưới tại cửa hàng chị năm nay đã tăng gấp đôi năm ngoái. Cứ 5 người đến cửa hàng thì chỉ có 1,2 người thuê. Khi mùa cưới đến gần, số đơn đặt hàng càng tăng, mỗi ngày khoảng 2 - 3 đơn, khiến tôi phải huy động nhân công làm thêm giờ mới kịp trả hàng".

Để may được một chiếc váy cưới không hề đơn giản. Váy cưới vốn nhiều chi tiết cầu kỳ, hơn nữa lại là chiếc váy chỉ mặc một lần trong đời nên đa phần các cô gái trẻ đặt ra yêu cầu khá cao. Có cô dâu muốn đính kim sa dọc chiều dài váy cưới, có người lại muốn có nhiều lớp bồng, làm váy xòe rộng... Hơn nữa, mỗi cô dâu lại có vóc người khác nhau nên người may luôn phải có cái nhìn chuẩn xác để tư vấn hiệu quả nhất.

Theo chị Vân, thông thường, một chiếc váy cũng "ngốn" của chị hơn một tuần do các công đoạn thủ công, đòi hỏi tỉ mẩn và nhiều thời gian.. Đặc biệt có chiếc áo, chị phải mất đến 10 ngày để đính hết số hạt kim sa lên cổ và ngực áo theo như đúng với yêu cầu của cô dâu

Đi chợ sắm trang phục cưới

Khệ nệ xách túi áo cưới ra khỏi chợ Tân Bình, Lê Hồng Anh (Tân Bình, TP HCM) vừa lau mồ hôi, vừa cười nói: “Sắp tới ngày cưới, đi sắm trang phục mệt lắm. Mình với cô bạn thân đi cả ngày, mới chỉ lựa được chiếc váy này. Vào các tiệm áo cưới cũng nhiều loại lắm, lại đẹp, nhưng mình muốn tiết kiệm một chút nên ra chợ mua, gía rẻ hơn hẳn mà kiểu dáng cũng đẹp không kém đâu”.

Chị Ánh Hồng đang tìm mua áo dài cưới truyền thống bằng nhung đỏ có thêu chữ thọ, chị cho biết: "Ở đây mẫu mã áo cưới khá đa dạng, dễ chọn lựa, hơn nữa giá cả lại phải chăng, không sợ bị mắc vì người bán không nói thách nhiều. Với số tiền may một chiếc áo ở shop thì mang ra chợ phải sắm được hai hoặc ba bộ, nhưng vẫn đẹp không kém shop". Gia đình Hồng đã đặt may ở sạp Ngọc Lan (chợ Tân Bình) hai chiếc váy với giá 900.000 đồng/chiếc.

Dạo quanh các chợ Tân Bình, Thủ Đức, người tiêu dùng rất dễ dàng lựa chọn trang phục cưới với kiểu dáng, màu sắc đa dạng và giá chỉ tương đương với giá thuê tại các cửa hàng áo cưới… Nhìn chung, các loại áo chợ kém áo ở các cửa hiệu về chất liệu vải nhưng mẫu mã, màu sắc, thậm chí cách gia công thì sự khác biệt là không đáng kể…

Chị Lan- chủ sạp áo cưới Ngọc Lan cho biết: Áo dài truyền thống luôn là gian hàng được nhiều người quan tâm. Giá áo dài cưới truyền thống của cô dâu dao động từ 350.000 – 700.000 đồng/chiếc, tùy thuộc vào chất liệu vải, trang trí.

Cũng như áo dài truyền thống, các loại váy cưới ở chợ có mẫu mã và màu sắc rất phong phú với chất liệu may phổ biến là voan, phi, xốp, dù… Trong đó, cao nhất là các loại váy chất liệu xốp, chất voan có giá rẻ nhất. Những mẫu váy cưới đơn giản thường là váy dài suôn thẳng xuống gót chân, không có tầng váy mà chỉ một vài nếp gấp và họa tiết thêu kéo từ phần eo đến chân váy. Giá thành cao hơn là các mẫu váy cầu kỳ với nếp gấp bồng bềnh, lớp voan, ren đan xen ở phần thân váy, hoặc những họa tiết thêu, đính kim sa... giá dao động từ 300.000 – 900.000 đồng/chiếc.

Vest dành cho chú rể tại các chợ chỉ bán áo và khá đơn giản. Các loại vest đen, xám hoặc trắng chỉ dài quá thắt lưng và suôn từ cổ xuống. Một số mẫu có gắn thêm nơ. Áo vest ở chợ có giá rất mềm, từ 80.000 – 450.000 đồng/chiếc.

Mùa cưới năm nay, các chợ sỉ buôn bán đồ cưới tấp nập khách vào ra. Mua váy cưới đẹp và rẻ là xu hướng lựa chọn của các cô dâu. Một lễ cưới tiết kiệm, nhưng không kém phần ấm cúng, vui vẻ là điều các cặp uyên ương luôn hướng tới

Đinh Liên - Cẩm Nhung